Sau những nỗ lực giải quyết hậu quả, đến nay, còn nhiều việc liên quan đến những sai phạm trong công tác quản lý Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Dinh thự họ Vương (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang) vẫn tồn tại.
Bao giờ trùng tu di tích?
Trong bài đăng trên Báo TNVN (ngày 27/8/2020), đã có thông tin phản hồi của UBND huyện Đồng Văn về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết hậu quả, vướng mắc trong công tác quản lý Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Dinh thự họ Vương (Dinh thự họ Vương). Theo đó, rất nhiều nội dung vướng mắc đã được chính quyền huyện Đồng Văn và các chủ sở hữu di tích (gồm 16 người, là con cháu của “Vua Mèo” Vương Chí Thành) cùng bàn bạc, thống nhất giải quyết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vấn đề quan trọng nhất là việc trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụt, đổ, vẫn chưa được triển khai.
Ngày 2/11/2020, UBND huyện Đồng Văn đã có văn bản số 1666/UBND-VHTT xin ý kiến UBND tỉnh Hà Giang và Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang về việc tu sửa Khu di tích Dinh thự họ Vương. Ngày 6/11/2020, Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang có văn bản số 1607/SVHTTDL-QLDSVH trả lời văn bản số 1666/UBND-VHTT của UBND huyện Đồng Văn. Theo đó:
1. Tại Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 19/02/2020 của UBND huyện Đồng Văn ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Dinh thự họ Vương, Điều 5 quy định: Kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích được sử dụng từ nguồn thu phí tham quan theo quy định của tỉnh; ngân sách Trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu (nếu có); nguồn ngân sách địa phương (theo khả năng cân đối ngân sách và nhiệm vụ thực tế được tỉnh phê duyệt). Sở VH-TT&DL đã ban hành 02 văn bản (văn bản số 1061/SVHTTDL-QLDSVH ngày 31/7/2020; Văn bản số 1257/SVHTTDL-QLDSVH ngày 8/9/2020) trả lời UBND huyện Đồng Văn. Tuy nhiên, việc tu sửa di tích kiến trúc nghệ thuật Dinh thự họ Vương theo biên bản làm việc giữa UBND huyện Đồng Văn với chủ sở hữu di tích ngày 3/7/2020 vẫn chưa được thực hiện, ngành đề nghị huyện tiếp tục phối hợp với chủ sở hữu nghiên cứu để thực hiện tu sửa theo quy định, góp phần bảo vệ di tích. Về kinh phí thực hiện đề nghị huyện xin ý kiến của Sở Tài chính.
2. Tại Quyết định số 2836/QĐ-UBND ngày 5/10/2020 của UBND huyện Đồng Văn ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Dinh thự họ Vương xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Điều 5 quy định: Kinh phí tu bổ, tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích được sử dụng từ nguồn thu phí tham quan di tích Nhà Vương và các nguồn vốn hợp pháp khác; khoản 6, Điều 9 quy định trách nhiệm của chủ sở hữu Dinh thự họ Vương: Có trách nhiệm tu bổ, tôn tạo, tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích theo quy định...”. Vì vậy đối với các hạng mục tu sửa phát sinh kể từ khi Quyết định số 2836/QĐ-UBND của UBND huyện Đồng Văn có hiệu lực yêu cầu thực hiện theo quy định.
Trả lời Báo TNVN liên quan đến sự việc nêu trên, ông Nguyễn Văn Chinh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, về phía huyện Đồng Văn còn liên quan đến việc tu sửa Dinh thự họ Vương do việc ban hành quy chế mới thay thế quy chế cũ không có điều khoản chuyển tiếp, nên huyện phải xin ý kiến tỉnh. Sở VH-TT&DL đã có văn bản trả lời. Huyện đang thực hiện các bước tiếp theo”.
Ông Vương Duy Bảo, đại diện các chủ sở hữu cho rằng, bản Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Dinh thự họ Vương mới được ban hành tháng 10/2020. Tuy nhiên, việc trùng tu di tích đã được thông qua từ trước, cần được hoàn tất trước khi quy chế mới có hiệu lực. Hơn nữa, nếu áp dụng quy chế mới là “Các chủ sở hữu có trách nhiệm tu bổ, tôn tạo, tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích theo quy định” thì UBND huyện Đồng Văn cũng phải bàn giao kinh phí thu được từ trước đến nay cho các chủ sở hữu sử dụng như quy định tại Quy chế mới”.
Rốt cục, vấn đề dư luận quan tâm là: Bao giờ những vướng mắc mới được giải quyết, di tích Dinh thự họ Vương mới được trùng tu, thì vẫn chưa được nhắc tới.
Cần sớm hoàn thiện quy trình quản lý
Nhiều du khách tới thăm Dinh thự họ Vương những ngày gần đây cho biết, hiện nay du khách tham quan không phải mua vé mà được hướng dẫn bỏ tiền vào hòm công đức để bên ngoài cổng khu dinh thự. Tại sao lại có việc như vậy ở một di tích Quốc gia?
Theo biên bản làm việc “Kiểm tra công tác hoạt động tại khu di tích Nhà Vương” ngày 3/11/2020, có một hoạt động chưa đúng theo quy định: Từ ngày 1/11/2020, chủ sở hữu di tích Nhà Vương không bán vé và hướng dẫn du khách bỏ tiền vào hòm công đức; Chủ sở hữu thực hiện niêm yết nội dung “phục vụ ăn uống trong khu di tích Nhà Vương” là không đúng quy định và chưa được sự cho phép của cấp có thẩm quyền.
Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, ông Nguyễn Văn Chinh cho biết: “Về việc không thu phí tham quan mà hướng dẫn khách bỏ tiền vào hòm công đức là có thật. Tôi đã có ý kiến với ông Bảo (đại diện chủ sở hữu di tích), rằng làm như thế không hay cho lắm, nhưng ông Bảo nói việc làm như thế không sai, nên tôi không tham gia nữa”.
Được biết, ngày 13/10/2020, UBND huyện Đồng Văn đã ký quyết định số 2874/QĐ-UBND, giải thể Tổ quản lý di tích Dinh thự họ Vương, thuộc Ban quản lý Di tích và Danh thắng huyện Đồng Văn. Đồng thời, cũng trong ngày 13/10/2020, UBND huyện Đồng Văn đã ký Thông báo số 1330/TB-UBND, thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 5 thành viên Tổ quản lý di tích Dinh thự họ Vương.
Theo Quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật khu Dinh thự họ Vương (ban hành kèm theo Quyết định số 2836/QĐ-UBND ngày 5/10/2020 của UBND huyện Đồng Văn) nêu rõ: Chủ sở hữu trực tiếp thu phí và nguồn thu dịch vụ khác do chủ sở hữu cung cấp hợp pháp theo quy định trong khu di tích. Tổ chức quản lý các nguồn thu theo quy định của Luật Thuế và Chế độ kế toán. Hằng tháng, quý, năm thực hiện nộp tờ khai, báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế theo quy định hiện hành. Mô hình tổ chức theo Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Hợp tác xã; Mức thu thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh đối với phí tham quan danh lam thắng cảnh; Việc quản lý di tích của chủ sở hữu chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
Trao đổi với ông Vương Duy Bảo, được biết, do trong giai đoạn Tổ quản lý di tích đã bị giải thể, chưa có đơn vị quản lý mới, nên các chủ sở hữu không thể tiến hành bán vé tham quan di tích theo quy định, đành hướng dẫn du khách “tùy tâm” bỏ tiền vào hòm công đức.
Thiết nghĩ, các chủ sở hữu di tích Dinh thự họ Vương và cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện bộ máy quản lý, quy trình quản lý đối với khu di tích. Không để xảy ra những bất cập, lộn xộn như trong thời gian qua./.