Viết tiếp bài 'Dinh thự họ Vương kêu cứu': Chuyện ngược đời, khó hiểu

Không phải là chủ sở hữu di tích nhưng lại chia lợi nhuận cho chủ sở hữu như trả lương; Chủ sở hữu tài sản phải ký hợp đồng lao động, trở thành người làm thuê..

 

Không phải là chủ sở hữu di tích nhưng lại chia lợi nhuận cho chủ sở hữu như trả lương; Chủ sở hữu tài sản phải ký hợp đồng lao động, trở thành người làm thuê ăn lương để trông coi chính tài sản của mình... là những chuyện ngược đời không tưởng nhưng có thật.

Ông chủ thành người làm thuê

Trong các số báo 29 ra ngày 16/7/2020; số 30, ngày 23/7/2020 và số 31, ra ngày 30/7/2020, Báo TNVN có loạt bài “Dinh thự họ Vương kêu cứu”. Những bài báo đề cập nhiều vấn đề liên quan đến sự xuống cấp trầm trọng của di tích, trong khi các cơ quan chức năng vẫn “đủng đỉnh” không có biện pháp trùng tu, bảo tồn và nêu rõ nhiều sai phạm trong công tác quản lý di tích nói trên. Kết quả là, đến ngày 27/7/2020, đại diện cho các chủ sở hữu Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Dinh thự họ Vương, ông Vương Duy Bảo đã có công văn gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị Bộ thu hồi lại danh hiệu Di tích Quốc gia đối với khu Dinh thự họ Vương.

Ông Bảo cho biết, trong tháng 7/2020, mỗi ngày có khoảng 200 lượt du khách tham quan di tích Dinh thự họ Vương. Ảnh: C.T

Ngày 1/8/2020, phóng viên Báo TNVN đã có buổi làm việc với những người chủ sở hữu khu di tích Dinh thự họ Vương trong khuôn viên di tích, được biết: “hữu danh vô thực” chính là thực trạng sở hữu của 16 người đang cầm giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với khu di tích họ. Hơn thế, người đại diện cho những chủ sở hữu này hiện đang phải tham gia công tác quản lý, bảo vệ di tích, là tài sản của chính mình, do cha ông để lại dưới dạng Hợp đồng lao động có thời hạn, trở thành người lao động làm thuê cho bên thuê là UBND huyện Đồng Văn, không phải là chủ nhân của di tích.

Nói về sự thật ngược đời này, ông Vương Duy Bảo, cháu nội “Vua Mèo” Vương Chí Thành cho biết: “Ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn yêu cầu tôi và vài con cháu của dòng họ, những người đang tham gia Tổ quản lý di tích Dinh thự họ Vương phải ký hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với UBND huyện thì mới được tham gia vào Tổ quản lý, bảo vệ di tích của dòng họ tôi. Cá nhân tôi được hưởng một khoản lương hằng tháng theo mức lương cơ bản Nhà nước quy định nhân hệ số 1,86. Và dù tôi không cần khoản lương này cũng vẫn phải ký hợp đồng để được tham gia quản lý, bảo vệ di tích. Điều này khiến cho gia tộc vô cùng bức xúc”.

Không chỉ trở thành người làm thuê, 16 chủ nhân thực sự của khu di tích Dinh thự họ Vương khi đến nhận phần quyền lợi được chia từ hoạt động bán vé tham quan di tích thu được theo quy chế quản lý di tích được huyện Đồng Văn yêu cầu từng người phải đến ký nhận trực tiếp như nhận lương hằng tháng. Chưa kể đến việc huyện sử dụng, phân chia nguồn thu từ hoạt động bán vé tham quan không đúng theo quy chế và biên bản thỏa thuận với chủ sở hữu như Báo TNVN đã nêu trong số báo trước.

“Đáng lẽ chúng tôi là chủ sở hữu, chúng tôi phải được quản lý khoản thu từ hoạt động bán vé tham quan di tích, là tài sản của chúng tôi, và có trách nhiệm nộp thuế cho Nhà nước theo đúng quy định pháp luật. Chúng tôi đâu phải là cổ đông mà đến nhận phần chia lợi nhuận như nhận lương tháng vậy”, ông Bảo bức xúc.

Hợp đồng lao động kỳ lạ mà ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn ký với ông Vương Duy Bảo, chủ sở hữu khu di tích họ Vương.

Luật sư Trần Anh Tuấn, Công ty Luật Minh Bạch, nhận định: “Theo quy định của Luật Di sản, việc Nhà nước công nhận di sản không tước đi quyền sở hữu của cá nhân đối với di sản. Các quyền hợp pháp của chủ sở hữu di sản bao gồm: quyền sở hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Các chủ sở hữu chỉ bị hạn chế một phần quyền định đoạt khi Nhà nước công nhận tài sản của họ là di sản. Cụ thể là khi chuyển nhượng, chủ sở hữu phải ưu tiên chuyển nhượng cho Nhà nước, nếu Nhà nước không mua lại thì mới được chuyển nhượng cho các đối tượng khác. Nếu có trùng tu, sửa chữa thì phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản. Ngoài ra, mọi quyền khác của chủ sở hữu đối với di sản không thay đổi và được quy định rõ trong Luật Dân sự. Việc UBND huyện Đồng Văn sau khi đã trả lại quyền sở hữu đối với di sản cho con cháu “Vua Mèo” trên danh nghĩa (giao “sổ đỏ” nhưng không bàn giao mặt bằng), tiếp đó lại ký hợp đồng thuê chính chủ sở hữu quản lý di sản, tài sản cha ông họ để lại là trái với quy định pháp luật, tước đoạt quyền sở hữu và quyền định đoạt của chủ sở hữu, xâm phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”.

Tấm biên lai khó hiểu

Tấm biên lai thu phí tham quan Di tích Dinh thự họ Vương, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang, có nội dung ghi: Biên lai thu tiền phí, lệ phí in sẵn mệnh giá 10.000 đồng dành cho người lớn tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, được phát hành bởi Ban quản lý di tích và danh thắng huyện Đồng Văn. Thoạt nhìn có vẻ bình thường, tuy nhiên nếu để ý một chút sẽ thấy những thông tin có phần khó hiểu là trên tấm vé lại sử dụng con dấu của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn.

Biên lai thu phí tham quan di tích Dinh thự họ Vương với mệnh giá 5.000 cho trẻ em và 10.000 cho người lớn (mức giá đã giảm 50% theo chương trình kích cầu du lịch).

Trao đổi với ông Vương Duy Bảo và Tổ quản lý di tích nhà Vương, được biết: Tổ quản lý di tích khu nhà Vương trực thuộc Ban quản lý di tích danh thắng huyện Đồng Văn, do UBND huyện Đồng Văn thành lập với đầy đủ các chức danh trưởng, phó ban... Tuy nhiên, từ lâu nay, các văn bản liên quan đến Ban Quản lý di tích danh thắng huyện Đồng Văn đều sử dụng con dấu của Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Đồng Văn. Khu di tích nhà Vương đang được Ban quản lý áp dụng hình thức quản lý theo Quy chế quản lý di tích danh thắng huyện Đồng Văn cùng với các di tích, danh thắng khác trên địa bàn huyện. Cũng bởi vậy mới có chuyện tài sản của dòng họ Vương nhưng chủ sở hữu lại phải ký hợp đồng lao động với UBND huyện để được tham gia Tổ quản lý di tích nhà Vương, tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của chính con cháu họ Vương.

Điều đáng nói là, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở VH-TT&DL thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định như sau:

- Chương I: Sở VH-TT&DL. Điều 3.3, Mục E quy định: Tổ chức biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập, Ban quản lý di tích là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh, có tài khoản và con dấu riêng.

- Chương II: Phòng Văn hóa và Thông tin. Điều 6.2 quy định: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch ở cấp huyện có thể được thành lập gồm: Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Các đơn vị sự nghiệp có con dấu và tài khoản riêng.

Như vậy, việc UBND huyện Đồng Văn thành lập Ban quản lý di tích danh thắng huyện Đồng Văn, trực thuộc Phòng Văn hóa Thông tin huyện cũng như việc UBND huyện ký quyết định thành lập Tổ quản lý di tích nhà Vương, trực thuộc Ban quản lý di tích danh thắng huyện Đồng Văn là trái với quy định.

“UBND tỉnh Hà Giang, Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang và UBND huyện Đồng Văn cần có quy chế quản lý riêng cho Di tích kiến trúc nghệ thuật Dinh thự họ Vương, bởi đây là di sản đặc thù, thuộc sở hữu tư nhân, không thể áp dụng những quy định, quy chế như các di tích, danh thắng thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện nay”. Luật sư Trần Anh Tuấn

Báo TNVN sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả trong các số báo tới.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận