Tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động 'tìm thấy nhau'

Sau 10 năm thực hiện Luật Việc làm, luật sửa đổi sẽ có những đổi mới mạnh mẽ, đưa ra những chính sách đột phá nhằm bắt kịp xu thế phát triển của đất nước...

 

Bổ sung chính sách phát triển lực lượng sản xuất hiện đại

Mới đây, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Trung ương; Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam; Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi...

Theo đó, hội nghị tập trung phản biện xã hội một số nội dung của dự thảo Việc làm (sửa đổi) như: Chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên; Chính sách bảo hiểm thất nghiệp; Chính sách thúc đẩy việc làm xanh, việc làm bền vững; Chính sách về hệ thống thông tin thị trường lao động; Chính sách về phát triển kỹ năng nghề; Chính sách về dịch vụ việc làm; Vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong tuyên truyền, vận động, tạo việc làm cho thanh niên; giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách về việc làm cho thanh niên.     

 Bà Nguyễn Thị Quyên, đại diện cơ quan chủ trì dự thảo Luật việc làm (sửa đổi) giới thiệu những nội dung cơ bản

 Bà Nguyễn Thị Quyên, đại diện cơ quan chủ trì dự thảo Luật việc làm (sửa đổi) giới thiệu những nội dung cơ bản

Nhiều đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần nghiên cứu, xây dựng dự án Luật bảo đảm công bằng, minh bạch gắn với quá trình chuyển giao công nghệ, cấu trúc lại doanh nghiệp và đặc biệt là việc thương lượng các điều kiện làm việc mới trong những ngành nghề liên quan đến chuyển đổi xanh và lĩnh vực công nghệ cao

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, theo các số liệu thống kê, ở nước ta hiện có hơn 20 triệu thanh niên (độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi) chiếm 19.8% dân số trong cả nước. Đây là nguồn lực rất to lớn để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Vì vậy, việc ban hành chính sách pháp luật để phát huy nguồn lực to lớn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nội dung Dự thảo Luật việc làm này có nhiều điểm mới so với Luật việc làm năm 2013, đặc biệt các quy định về chính sách hỗ trợ việc làm như: sửa đổi, bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm bao gồm ngân sách trung ương cấp cho ngân hàng chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển khác; nguồn quỹ quốc gia về việc làm chuyển sang cấp cho ngân hàng chính sách xã hội; nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội, nguồn huy động của ngân hàng chính sách xã hội  được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý; nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho ngân hàng chính sách (Khoản 2 Điều 9)

Đồng thời Dự thảo Luật cũng quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn và quy định đảm bảo tính linh hoạt, chủ động đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác, ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội (Điều 11); bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người yếu thế như người cao tuổi; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người lao động nghèo, lao động dân tộc thiểu số… phù hợp với sức khỏe, không trái với quy định của pháp luật chuyên ngành…, chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai dịch bệnh…

“ Và một nội dung rất quan trọng, đất nước ta đang có những chuyển biến mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, chúng tôi nhận thấy việc giải quyết việc làm chưa thể hiện mạnh mẽ, sâu sắc những tư duy pháp lý góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự án Luật những chính sách việc làm có tác động mạnh mẽ hơn nữa đối với sự phát triển đất nước. Đối với Chương II chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đề nghị nghiên cứu để có thể bổ sung những chính sách hỗ trợ tăng cường lực lượng sản xuất có trình độ cao, phù hợp với xu hướng phát triển việc làm mới như việc làm xanh, việc làm số, chuyển đổi năng lượng, thích ứng với xu hướng già hóa dân số”, GS Đường nhấn mạnh…

Cùng với đó, những quy định về hỗ trợ việc làm cho người lao động là thanh niên của dự thảo Luật tuy chưa đầy đủ, nhưng là những chính sách rất thiết thực, cơ bản giúp cho người lao động là thanh niên có cơ hội có việc làm, hạn chế thất nghiệp đối với người lao động trẻ tuổi. Theo GS Đường, các chính sách quy định của dự thảo luật đối với người lao động là thanh niên còn quá đơn giản, chưa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ một lớp người lao động vô cùng quan trọng của đất nước, để họ có việc làm đóng góp nhiều hơn thiết thực hơn vào công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước, của dân tộc ta.

Trong điều kiện đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, quốc gia cần có chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên có tài năng, thanh niên mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp vào các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, việc làm mới như việc làm số, việc làm xanh, chuyển đổi năng lượng …

Liên quan đến việc hỗ trợ việc làm cho thanh niên, GS Đường đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được hỗ trợ tham gia đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho thanh niên dân tộc ít người, thanh niên nghèo ở vùng sâu cùng xa, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thanh niên là nữ giới.

GS.TS Trần  Ngọc Đường cho rằng, cần những chính sách hỗ trợ tăng cường lực lượng sản xuất có trình độ cao

GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, cần những chính sách hỗ trợ tăng cường lực lượng sản xuất có trình độ cao

Theo tiến sĩ Nhạc Phan Linh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), vai trò của hệ thống thông tin về thị trường lao động cũng như các trung tâm dịch vụ việc làm đang ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, hệ thống thông tin liên quan ở nước ta còn bị chia cắt, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, quản lý lao động. Tình trạng dữ liệu đầu vào không đầy đủ, kịp thời, đang tạo những "điểm nghẽn" đáng lo ngại. Việc phối hợp cung cấp thông tin giữa các ngành, địa phương còn rời rạc…

Tiến sĩ Nhạc Phan Linh đề xuất: "Ngoài việc quy định Hệ thống thông tin thị trường lao động được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu về người lao động và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, tổ chức..., cần xác định thêm mức độ cho phép khai thác, truy cập thông tin của từng nhóm đối tượng cụ thể. Thông tin thị trường lao động, cần cụ thể hóa thêm các nhóm ngành nghề, lĩnh vực, độ tuổi, trình độ chuyên môn... để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và người lao động "tìm thấy nhau".

Cần chính sách toàn diện và sâu rộng để bảo đảm việc làm bền vững

PGS.TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng, nước ta cần một chính sách toàn diện và sâu rộng hơn để bảo đảm việc làm bền vững, thích ứng linh hoạt với thách thức của già hóa dân số, xu hướng chuyển đổi số và quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. “Nếu không kịp thời đưa ra chiến lược phù hợp, nguy cơ mất việc làm, bất bình đẳng lao động và áp lực lên an sinh xã hội sẽ gia tăng. Các chính sách về bảo đảm việc làm công bằng, bền vững cần nguồn lực tài chính, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế. Do đó, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia và tận dụng thêm các nguồn lực quốc tế”...

PGS.TS. Đinh Xuân Thảo nhận định, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hoá nhanh, với tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 trở lên) dự kiến đạt khoảng 25% vào năm 2050. Lực lượng lao động giảm dần, áp lực lên hệ thống an sinh xã hội tăng. Nhu cầu tái đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho lao động trung niên và cao tuổi ngày càng lớn.

Ở lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thay đổi nhanh, nhiều công việc truyền thống biến mất hoặc bị thay thế bởi AI và tự động hoá. Tăng nhu cầu kỹ năng số, kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo nhưng còn thiếu chính sách đào tạo phù hợp. Khoảng cách số giữa các nhóm lao động (theo độ tuổi, giới tính, khu vực địa lý) vẫn còn lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam đang cam kết giảm phát thải ròng         về 0 vào năm 2050, kéo theo nhu cầu chuyển đổi ngành than, dầu khí và lĩnh vực có phát thải cao. Hàng triệu lao động trong các ngành này đối mặt với nguy cơ mất việc, cần được hỗ trợ đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp. Cơ hội từ việc làm xanh, nhưng cần chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Ở góc độ già hóa dân số, theo chuyên gia, mặc dù Chính phủ đã có các chương trình tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số địa phương triển khai mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số. Tuy nhiên, chưa có chính sách tập trung vào việc làm cho lao động lớn tuổi trong bối cảnh già hoá. Do đó, cần khuyến khích mô hình việc làm linh hoạt, bán thời gian, việc làm từ xa cho lao động lớn tuổi. Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng người lao động từ 50 tuổi trở lên. Phát triển các ngành dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ người cao tuổi như một lĩnh vực tạo việc làm mới.

Theo PGS Thảo, việc huy động tài chính cho chính sách tạo việc làm và chuyển đổi nghề trong bối cảnh già hoá dân số, chuyển đổi số và năng lượng đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà nước, khu vực tư nhân và hợp tác quốc tế. Cơ cấu lại ngân sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia, tận dụng nguồn lực quốc tế là ba trụ cột quan trọng để bảo đảm việc làm bền vững và công bằng...

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam nhấn mạnh các ý kiến thảo luận đã tập trung làm rõ những vấn đề thực tiễn nảy sinh sau 10 năm thực hiện Luật việc làm, đồng thời đánh giá những điều chỉnh quan trọng trong dự thảo sửa đổi. Luật Việc làm (sửa đổi) ra đời trong bối cảnh đặc biệt, khi đất nước bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng với những đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…/.

Mong muốn luật sẽ có những đổi mới mạnh mẽ, đưa ra những chính sách đột phá nhằm bắt kịp xu thế phát triển của đất nước. Đồng thời, luật cần đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành...”. Đồng chí Nguyễn Tường Lâm

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận