Nhà văn Kevin Chen: 'Tôi muốn kể câu chuyện của mình theo cách độc đáo nhất'

Nhà văn Kevin Chen là tác giả cuốn tiểu thuyết'Vùng đất quỷ tha ma bắt', cuốn tiểu thuyết đã được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Tại Việt Nam chỉ sau vài tháng phát hành, “Vùng đất quỷ tha ma bắt” (do dịch giả Nguyễn Vinh Chi chuyển ngữ) đã được Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tái bản tới 4 lần. Anh đã chia sẻ với phóng viên VOV về cuốn tiểu thuyết này.

Tôi muốn viết về gia đình mình

  Điều gì đã thôi thúc anh viết tiểu thuyết “Vùng đất quỷ tha ma bắt”?

  Năm 33 tuổi, tôi bắt đầu viết “Vùng đất quỷ tha ma bắt” nhưng mãi đến năm 43 tuổi, tôi mới quay lại viết tiếp và hoàn thành nó. Tôi luôn muốn viết cuốn sách này. Vì tôi đến từ một đại gia đình: Tôi có 7 người chị và 1 người anh, tôi là con thứ 9. Lớn lên trong môi trường thú vị như vậy, tôi có rất nhiều câu chuyện nên tôi muốn viết câu chuyện của gia đình mình.

   Anh phải đối mặt với những thách thức gì trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết này, nhất là khi “Vùng đất quỷ tha ma bắt” có tuyến nhân vật tương đối phức tạp và dày đặc?

  Cuốn tiểu thuyết có rất nhiều nhân vật, và tôi cố ý làm cho độc giả lẫn lộn. Tôi hy vọng ban đầu họ không biết mình đang đọc gì. Tôi mong họ kiên nhẫn, chỉ cần đọc đến 1/3 cuốn sách sẽ vỡ lẽ người này đang nói, người kia đang nói, người nọ đang nói. Đấy là tôi cố tình. Tôi để nhân vật nào cũng có cơ hội kể chuyện. Viết một cuốn tiểu thuyết có nhiều nhân vật là một thách thức rất lớn, nhưng tôi cảm thấy đọc sách của tôi cũng là một thách thức.

  Có trải nghiệm cá nhân nào của anh ảnh hưởng tới việc viết cuốn tiểu thuyết này không?

   Tôi tin rằng mỗi nhà văn khi viết tiểu thuyết ắt hẳn ít nhiều đề cập đến bản thân. Nhiều người cho rằng, nhà văn mở tờ báo ra, đọc được một câu chuyện nào đó thì có thể ngẫu hứng viết ra một cuốn tiểu thuyết. Tôi thấy không đơn giản như vậy. Bạn muốn viết ra một cuốn tiểu thuyết hay thì câu chuyện nhất định phải liên quan đến bạn. Do đó, cuốn “Vùng đất quỷ tha ma bắt” này dĩ nhiên có liên quan đến tôi. Vì ngoài đời thực tôi có 7 người chị, nhân vật chính trong cuốn sách này có 5 người chị nên có rất nhiều điểm chung. Khi tôi sang Mỹ, có người nói với tôi đây là một cuốn tiểu thuyết dạng tự truyện, dường như có rất nhiều điểm trùng lặp với cuộc đời của tác giả. Quả thực, từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng của cuốn sách này, mỗi một sự việc đều có mối liên quan sâu sắc với tôi, cho nên tôi mới có thể đem chúng viết thành tiểu thuyết. 

Đọc sách là thách thức trí óc

  "Vùng đất quỷ tha ma bắt” không hề dễ đọc. Trong một số bài điểm sách, có độc giả thừa nhận phải vừa đọc vừa ghi chú để không nhầm lẫn chi tiết giữa các ngôi kể. Anh đón nhận những phản hồi như thế nào?

  Có lần sang Mỹ, tôi được nghe kể về cách viết tiểu thuyết của một nhà văn Tây Ban Nha. Ông viết rất nhiều chương khác nhau, lấy dây phơi đồ treo chúng lên, sau đó phân tán ra, rồi sắp xếp lại theo thứ tự tùy ý thành một cuốn tiểu thuyết. Tôi thấy ý tưởng này rất thú vị, vì khi viết cuốn sách này, tôi cũng có chút suy nghĩ tương tự. Tôi hy vọng thời gian nhảy tới nhảy lui, tôi hy vọng nhân vật nhảy tới nhảy lui, tôi muốn thách thức bộ óc và con mắt của độc giả. Nếu bạn đọc phát bực với tác giả thì tôi cảm thấy mình đã thành công, bởi đọc sách vốn dĩ là việc thách thức trí óc của chúng ta.     

Nhà văn Kevin Chen (Trần Tư Hoành) sinh năm 1976 tại ngõ Bát Đức, xã Vĩnh Tĩnh, huyện Chương Hóa, Đài Loan.

Có nhận xét cho rằng, nhà văn Kevin Chen dung hòa rất nhiều phong cách viết: hiện thực huyền ảo, hài kịch đen và cả bí ẩn giật gân… Vậy tác giả hoặc tác phẩm nào đã ảnh hưởng tới phong cách viết của anh?

 Tác giả đã ảnh hưởng tới tôi nhiều chính là nhà văn Columbia Márquez, người đã viết “Trăm năm cô đơn”, vì tôi đọc sách của ông từ nhỏ đến lớn, nhiều cuốn đọc đi đọc lại nhiều lần. Ngoài ra còn nhiều tác giả khác, ví như hai nữ nhà văn Canada Alice Munro và Margaret Atwood; tiếp theo là một số nhà văn miền Nam nước Mỹ, chẳng hạn như Tennessee Williams và William Faulkner. Phong cách của họ đều có ảnh hưởng rất lớn tới tôi.

  Mọi người bảo tác phẩm của tôi mang phong cách hiện thực huyền ảo hoặc siêu hiện thực… Điều này xin tùy các nhà bình luận nhận xét. Việc bản thân tôi muốn làm nhất đó là kể ra câu chuyện của tôi, và kể bằng cách thức độc đáo nhất. Độc giả có lẽ sẽ khá vất vả khi đọc, nhưng đọc đến cuối cùng các bạn sẽ biết tôi muốn nói gì, tôi muốn bày tỏ điều gì.

  Anh có thể đưa ra một vài lời khuyên với những người đang muốn theo đuổi con đường văn chương?

   Thật ra mỗi chúng ta đều là người viết, mỗi người đều là tác giả. Vì sao tôi nói vậy? Vì hằng ngày chúng ta đều đăng ảnh lên facebook, twitter hay instagram… Đăng ảnh chính là đang kể chuyện. Viết một đoạn văn cũng thế. Chỉ là mọi người nhiều lúc đã quên mất kỳ thực mình đang kể chuyện đấy thôi. Do đó, với những bạn trẻ lập chí theo đuổi con đường sáng tác văn chương, tôi muốn khuyến khích họ một điều: Trước tiên hãy khẳng định bản thân, hãy thấy câu chữ của mình rất quý giá.

Nhà văn Kevin Chen (Trần Tư Hoành) sinh năm 1976 tại ngõ Bát Đức, xã Vĩnh Tĩnh, huyện Chương Hóa, Đài Loan. Anh là nhà văn, diễn viên, dịch giả, hiện đang cư trú tại Berlin, Đức. “Vùng đất quỷ tha ma bắt” mở đầu cho bộ ba tác phẩm Mùa hè, đã từng vinh dự nhận hai giải thưởng văn học danh giá là giải Kim Điền và Kim Đỉnh.

          Xin cảm ơn nhà văn Kevin Chen!

Nguyễn Hà  thực hiện

(Phỏng vấn được thực hiện với sự giúp đỡ của dịch giả Nguyễn Vinh Chi)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận