Tác giả Thảo Trang: 'Muốn phát triển phải không ngừng thách thức chính mình

Sau thành công của 2 tiểu thuyết kinh dị là 'Tết ở làng Địa Ngục' và 'Ngủ cùng người chết', Thảo Trang tiếp tục ra mắt tiểu thuyết '25 độ âm' (NXB Phụ nữ VN).

 

Tác phẩm là hướng đi mới của Thảo Trang khi thử sức với thể loại tâm lý xã hội.  Cuốn sách lấy cảm hứng từ một sự kiện có thật cách đây 5 năm khi cảnh sát Anh phát hiện ra thi thể của 39 người Việt tử vong trong chiếc container đông lạnh.

Muốn vượt qua giới hạn của bản thân

Cách đây vài năm, tiểu thuyết “25 độ âm” được giới thiệu trên mạng, thông qua các kênh youtube. Giờ đây, “25 độ âm” xuất hiện với một diện mạo mới. Vậy phiên bản này có gì khác so với bản audio mà nhiều thính giả đã nghe?

So với bản audio mà các bạn từng nghe trên những kênh youtube hoặc các kênh sách nói thì cuốn tiểu thuyết bản giấy sẽ làm rõ hơn quá khứ của nhân vật chính tên Lam. Mối quan hệ giữa các nhân vật sẽ có lớp lang hơn. Đồng thời, truyện cũng tiết lộ nhiều tình tiết mà bản audio không có.

Tác phẩm “Tết ở làng Địa Ngục”, hay “Kẻ ăn hồn” được đầu tư chỉn chu về mặt mỹ thuật. Còn tiểu thuyết “25 độ âm” thì sao?

Phần mỹ thuật của tiểu thuyết “25 độ âm” bao gồm phần bìa và phần minh họa. Trong đó có những hình ảnh rất khốc liệt như đoàn người vượt biên chạy trốn trong đêm hoặc vượt sông ở chương “Cổng Địa ngục”. Toàn bộ những cảnh này là tư liệu có thật. Dĩ nhiên, chúng tôi không thể nào vẽ hoặc in hết toàn bộ. Nhưng chúng tôi đã chọn lọc những hình ảnh nổi bật nhất để vẽ minh họa. Trong quá trình vẽ, họa sĩ bị ảnh hưởng tinh thần vì không nghĩ rằng hiện thực lại tàn khốc đến thế.

 “25 độ âm” là tiểu thuyết có khá nhiều fan art (những tác phẩm nghệ thuật của người hâm mộ, lấy cảm hứng từ nhân vật trong truyện). Vậy tại sao trong lần ra mắt này, chị không giới thiệu trong cuốn sách dưới dạng phụ lục chẳng hạn?  

 Fan art thường do các em học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba vẽ. Có khi các bạn chỉ vẽ trên tờ giấy ô ly thôi. Như thế cũng có nghĩa là hình vẽ rất nhỏ, khó để căn chỉnh kích cỡ cũng như không thể đảm bảo chất lượng in ấn một cách tốt nhất. Bởi vậy, với những tác phẩm fan art, chúng tôi sẽ chia sẻ trên facebook để các họa sĩ nhí có thêm niềm vui. Cũng qua việc này tôi biết thêm nhiều bạn nhỏ tài năng ở quanh mình. Hy vọng rằng một ngày nào đó, chúng tôi sẽ có những dự án art book, dự án chuyển thể sách thành phim để có thể giới thiệu tác phẩm của các bạn.          So với các cuốn tiểu thuyết trước đó của chị, “25 độ âm” là một hướng đi có phần khác biệt. Với “Tết ở làng Địa Ngục”, “Ngủ cùng người chết” hay gần đây nhất là “Kẻ ăn hồn”, chị đều lựa chọn bối cảnh Việt Nam cho câu chuyện của mình và khai thác những câu chuyện kinh dị có tính bản địa. Trong khi đó, “25 độ âm” là cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội với nhiều trường đoạn lấy bối cảnh ở nước ngoài. Lý do cho sự thay đổi này là gì thưa chị? 

Tôi cảm thấy không nên ru ngủ bản thân. So với mọi người, thành tựu của tôi còn khiêm tốn. Những tác phẩm của tôi được bạn đọc đón nhận tôi nghĩ là do may mắn. Mặt khác, tôi cho rằng muốn phát triển phải không ngừng thách thức chính mình. Tôi cảm thấy rất vui khi mình có thể vượt qua được thử thách cũng như những giới hạn mà trước đây mình chưa từng nghĩ đến. 

 Với thể loại kinh dị, tôi đã có những dự án chuyển thể thành phim. Vẫn còn vô vàn những câu chuyện, những sự kiện mang tính chất cảnh tỉnh, gây rúng động thế giới. Điển hình như vụ 39 người vượt biên mắc kẹt trong container vào cuối năm 2019 khiến chúng ta cảm thấy rất đau xót. “25 độ âm” được lấy cảm hứng từ sự kiện này.

 Sắp tới, tôi có dự án “Nhật Bình đoạt mạng”, một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của tôi. Câu chuyện kể về tai nạn đường tàu năm 1982 khiến hơn 200 người  tử nạn. Đến nay, chúng ta vẫn chưa thể xác định được danh tính của các nạn nhân xấu số. Tôi cho rằng khi viết truyện về những sự kiện như thế, mình có thể khoác lên đó màu sắc kinh dị hay màu sắc hiện thực cũng được, miễn là chúng ta không quên những đồng bào đã thiệt mạng.

Tác phẩm “25 độ âm” là hướng đi mới của Thảo Trang khi thử sức với thể loại tâm lý xã hội.

Tôi muốn dùng những câu chuyện đậm đà bản sắc dân tộc 

 Với nhiều tác giả trẻ, dù theo đuổi thể loại kinh dị hay tâm lý xã hội, họ thường lựa chọn đề tài cũng như phong cách viết có hơi hướng giống Trung Quốc hoặc phương Tây để dễ tiếp cận độc giả. Nhưng ngay từ đầu, Thảo Trang đã rất quan tâm tới những câu chuyện mang tính bản địa. Điều gì đã thôi thúc bạn theo hướng đi này? 

rước hết, tôi là người Việt Nam. Đương nhiên, người Việt sẽ dùng ngôn ngữ, cử chỉ, thậm chí những biệt ngữ xã hội riêng. Với những gì đã ăn sâu vào máu, chúng ta sẽ dùng rất tự nhiên. Hơn nữa, những câu chuyện Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung đang rất đắt giá. Vậy tại sao chúng ta không dùng những câu chuyện đậm đà bản sắc dân tộc nhất, mang văn hóa Việt Nam rõ nét nhất để giới thiệu với bạn bè thế giới? Tôi thấy may mắn vì hướng đi của mình được rất nhiều người ủng hộ. Bộ phim “Kẻ ăn hồn” chuyển thể từ tiểu thuyết của tôi hiện đạt thêm nhiều thành tích trên thị trường quốc tế. 

Hai tiểu thuyết của Thảo Trang là “Tết ở làng Địa Ngục” và “Kẻ ăn hồn” đều đã được chuyển thể thành phim, đồng thời có rất nhiều sản phẩm lấy cảm hứng từ cuốn sách như broad game chẳng hạn. Với “25 độ âm” thì sao? 

Hiện tại có 2 đơn vị đặt vấn đề về việc chuyển thể “25 độ âm” thành phim. Tôi và ê-kíp đang cân nhắc về việc có thể làm truyện tranh hoặc là làm dưới dạng truyện với minh họa dày đặc hơn hay không. Hướng đi này tôi cho là phù hợp. “25 độ âm” tái hiện câu chuyện về 39 người bỏ mạng trong container khi vượt biên sang Anh nên việc làm broad game sẽ rất khó và không nên. Tôi nghĩ chỉ nên dừng lại ở truyện tranh và phim thôi. Hy vọng mọi người sẽ đón nhận.

Cảm ơn chị!

Nguyễn Hà thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận