Ngay trước khi tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành cuộc điện đàm thứ hai với nhau kể từ khi ông Trump trở lại cầm quyền ở nước Mỹ, Uỷ ban EU công bố chiến lược phòng thủ mới dưới hình thức một tài liệu dày 19 trang có tên gọi là Sách trắng về phòng thủ trong tương lai.
Trước đấy, chủ tịch Uỷ ban EU đề xuất kế hoạch dành chi 800 tỷ euro để tái vũ trang châu Âu nhằm hậu thuẫn Ukraine chiến thắng Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine nhưng đồng thời nhằm chuẩn bị đủ sức mạnh và tiềm lực quân sự đối phó với thách thức và đe dọa an ninh từ Nga trong tương lai.
Cả chiến lược phòng thủ mới lẫn kế hoạch tái vũ trang châu lục đều là kết quả của chủ định và cách tiếp cận là phải tăng cường vũ trang mạnh mẽ và kiên quyết như ở thời chiến tranh lạnh khi xưa thì mới có thể cảnh báo và răn đe Nga thật sự hiệu quả và mới có thể thật sự ngăn chặn được Nga lặp lại ở châu Âu những gì đã và đang làm với Ukraine.
Cho tới nay, EU không quan tâm nhiều đến việc này và không buộc phải dành ưu tiên chính sách cao nhất cho việc này bởi tin vào cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho các đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống của Mỹ ở châu Âu. Từ sau khi ông Donald Trump trở lại cầm quyền, cam kết đảm bảo an ninh nói trên của Mỹ không còn là chuyện đương nhiên đối với các đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống của Mỹ ở châu Âu.
Ông Trump đã biểu lộ quyết tâm cùng Nga chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine rất nhanh chóng và bằng cả việc sẵn sàng trả giá có lợi cho Nga và rất đau đớn cho Ukraine, NATO và EU. Khi đã nhận ra rằng Mỹ sẵn sàng buông bỏ các đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống lâu nay ở châu Âu chỉ vì cần tranh thủ và hợp tác với Nga để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine, bất chấp mọi quan ngại và điều kiện của Ukraine, EU và NATO, các đồng minh và đối tác truyền thống của Mỹ trong EU và NATO đành buộc phải tự thân vận động để đảm bảo an ninh mà những việc cần phải làm ngay là tăng cường vũ trang và tăng cường hậu thuẫn Ukraine.
Chiến lược phòng thủ mới của EU xác định Nga là địch thủ cả hiện tại lẫn lâu dài. Chiến lược này xác định các đồng minh và đối tác chiến lược truyền thống của Mỹ ở châu Âu vẫn coi Mỹ là chỗ dựa và trụ cột quan trọng về an ninh nhưng đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng bị phía Mỹ buông bỏ về bảo hộ an ninh. Chiến lược này đề ra mục tiêu đầu tư vào 7 lĩnh vực có tầm quan trọng quyết định đối với tương lai an ninh của châu Âu mà cho đến nay châu Âu vẫn gần như lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.
Bảy lĩnh vực đầu tư vũ trang này là phòng không, pháo binh, tên lửa và đạn dược, thiết bị bay không người lái và các hệ thống vũ khí chống thiết bị bay không người lái, phòng thủ trên không gian mạng, và nhân lực thực thi những chiến dịch quân sự lớn. Hơn 500 cầu, cảng, sân bay, hầm... ở khắp EU được xác định cụ thể trong chiến lược phòng thủ mới này của EU để rồi được đầu tư cải tạo và nâng cấp để sử dụng vào mục đích quân sự và phòng thủ.
Chiến lược này xác định dành ưu tiên cho sản xuất và chế tạo vũ khí ở trong EU hoặc ở các nước đối tác của EU, cùng nhau mua sắm vũ khí và khí tài quân sự để tiết kiệm chi phí, đơn giản hoá việc tài chính cho các dự án về quân sự và phòng thủ, giảm bớt thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng... Tất cả đều bộc lộ rất rõ mục đích đầy tham vọng của EU là vừa tăng cường mạnh mẽ thực lực quân sự vừa không lệ thuộc vào Mỹ nữa về đảm bảo an ninh cho EU và cho Ukraine trong tương lai.
Chiến lược này không đến nỗi không khả thi trên thực tế nhưng đòi hỏi EU phải đổ ra rất nhiều công của, mất không ít thời gian và nội bộ EU phải thật sự đồng tâm cùng chí thì mới có được đủ mức khả thi./.
Sa Thảo