Viết tiếp bài 'Dinh thự họ Vương kêu cứu': Đòi trả lại danh hiệu di tích Quốc gia

Kết quả thanh tra đã rõ, chỉ đạo xử lý kỷ luật và khắc phục hậu quả của tỉnh quá hạn đã lâu nhưng sai phạm vẫn chưa được xử lý...

 

Kết quả thanh tra đã rõ, chỉ đạo xử lý kỷ luật và khắc phục hậu quả của tỉnh quá hạn đã lâu nhưng sai phạm vẫn chưa được xử lý, mặc cho di tích Quốc gia xuống cấp trầm trọng và chủ sở hữu thì hụt hơi kêu cứu.

Kết luận thanh tra nêu rõ sai phạm

Điều đáng nói là hầu hết những sai phạm này đã được Cơ quan Ủy ban kiểm tra tỉnh Hà Giang - Thanh tra tỉnh kết luận rõ ràng tại Báo cáo số 09 - BC/UBKT-TTr, ngày 10/3/2020. Nôi dung bản bảo cáo nêu rõ 6 vấn đề sai phạm trong công tác quản lý di tích nhà Vương, như sau:

Tòa Dinh thự họ Vương đang bị xuống cấp trầm trọng.

1- UBND huyện Đồng Văn phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng các hạng mục công trình nhà bảo vệ, nhà bán hàng lưu niệm, nhà vệ sinh ngay trước cổng vào di tích thuộc khu vực bảo vệ II; xây nhà vệ sinh ngay sát mộ bà Trương Mỹ Thuận (vợ ba của Vương Chí Thành, tức Vương Chí Sình) đều nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích khi chưa có sự nhất trí của Bộ VH-TT&DL là trái thẩm quyền, vi phạm vùng II của di tích. Vi phạm Luật Di sản văn hóa, vi phạm Nghị định 92/2002/NĐ-CP; Sở VH-TT&DL Hà Giang thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, quản lý, khai thác, bảo vệ di tích.

2- UBND huyện Đồng Văn tự ý thay thế hệ thống dẫn nước khu di tích, làm thay đổi hiện vật gốc khi chưa có sự nhất trí của Bộ VH-TT&DL, vi phạm Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3- Trước khi ban hành Quyết định số 443/2007/QĐ-UBND, quy định về quy chế quản lý, bảo vệ, khai thác Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia nhà Vương không xin ý kiến tham gia của con cháu họ Vương theo Chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL; Tại thời điểm kiểm tra, UBND huyện Đồng Văn không cung cấp được các văn bản chứng minh huyện đã tổ chức công khai các khoản thu, chi phí, lệ phí tham quan di tích nhà Vương từ năm 2007 - 31/12/2017.

4- Kết quả kiểm tra thực tế bằng trực quan tại Di tích nhà Vương cho thấy một số vị trí bị hư hại chưa được trùng tu, sửa chữa.

5- UBND huyện Đồng Văn chưa thực hiện được phương án giao cho gia đình dòng họ Vương trực tiếp trông coi, bảo quản di tích theo chỉ đạo tại văn bản số 2488/UBND-VHXH ngày 9/8/2019 của UBND tỉnh Hà Giang.

6- Từ năm 2007 - 2013, UBND huyện Đồng Văn đã in vé tham quan di tích không đúng mẫu, không đúng thẩm quyền. Vi phạm Quyết định số 85/2005/QĐ-BTC ngày 30/11/2005 của Bộ Tài chính, quy định việc in, phát hành và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thống nhất trong cả nước; Từ năm 2007 - 8/2013, UBND huyện Đồng Văn không thực hiện việc nộp tiền thu phí, lệ phí tham quan khu di tích nhà Vương vào NSNN, không mở sổ sách kế toán, không lập chứng từ kế toán theo dõi nguồn thu, chi phí, lệ phí.

Tất cả 6 nội dung sai phạm nêu trong Báo cáo số 09 - BC/UBKT-TTr của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra tỉnh Hà Giang - Thanh tra tỉnh Hà Giang đều nêu rõ trách nhiệm thuộc UBND huyện Đồng Văn.

Tòa Dinh thự họ Vương ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một công trình nghệ thuật kiến trúc có nhiều giá trị, đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia nay đang bị xuống cấp trầm trọng. Trong số báo 27 ra ngày 16/7/2020, Báo TNVN có bài viết “Dinh thự họ Vương kêu cứu” nêu thực trạng xuống cấp trầm trọng của di tích trong khi các cơ quan chức năng vẫn “đủng đỉnh” không có biện pháp trùng tu, bảo tồn?; Tiếp đó, trong số báo 28, ngày 23/7/2020, Báo TNVN tiếp tục thông tin đến độc giả qua bài viết “Di tích xuống cấp vì đâu?” nêu rõ nhiều sai phạm trong công tác quản lý di tích nói trên.

Phớt lờ kết luận thanh tra và chỉ đạo của tỉnh?

Tại văn bản số 671/UBND-BTD ngày 13/3/2020 của UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo thực hiện kết quả xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân tại Báo cáo số 09-BC/UBKT-TTr, gửi Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh và Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, do Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn ký, nêu rõ:

Nhiều cấu kiện bên trong Dinh thự họ Vương đang có nguy cơ sụt đổ

“1- Yêu cầu Giám đốc Sở VH-TT&DL nghiêm túc kiểm điểm và báo cáo giải trình với Chủ tịch UBND tỉnh về những sai phạm có liên quan đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của ngành đối với việc quản lý, bảo vệ và khai thác khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương; Tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm vi phạm theo nội dung thanh tra.

2- Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn báo cáo giải trình với Chủ tịch UBND tỉnh về những vi phạm có liên quan đến công tác quản lý tài chính, quản lý bảo vệ và khai thác khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương. Tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những vi phạm mà thanh tra đã nêu; yêu cầu tháo dỡ công trình nhà vệ sinh gần khu vực cổng vào di tích nhà Vương; yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, quản lý, bảo vệ, khai thác khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương theo quy định.

Kết quả thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/4/2020”.

Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang rõ ràng như vậy, nhưng theo ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Thành, những sai phạm được nêu trong Báo cáo số 09-BC/UBKT-TTr vẫn chưa hề được khắc phục.

Điều gây bức xúc hơn nữa cho những người con, cháu của Vua Mèo Vương Chí Thành, chủ sở hữu di tích Dinh thự họ Vương là, kể từ thời điểm có Báo cáo thanh tra số 09-BC/UBKT-TTr và văn bản chỉ đạo số 671/UBND-BTD đến nay, không những các sai phạm cũ vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa, mà việc quản lý di tích còn phát sinh thêm những sai phạm mới nghiệm trọng hơn. “Phải chăng chính quyền huyện Đồng Văn đang phớt lờ Báo cáo thanh tra, phớt lờ chỉ đạo của Chủ tịch? Liệu có lợi ích nhóm trong việc quản lý di tích của dòng họ Vương mà những người chủ sở hữu không hề hay biết? 

Đề nghị trả lại danh hiệu di tích quốc gia

Cực chẳng đã, ngày 27/7/2020, sau thời gian dài hụt hơi kêu cứu cho di tích của dòng họ, ông Vương Duy Bảo, đại diện cho 16 người là chủ sở hữu di tích nhà Vương đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Cục Di sản văn hóa và Thanh tra Bộ VH-TT&DL đề nghị Bộ thu lại danh hiệu Di tích Quốc gia đối với khi dinh thự họ Vương. Bởi lẽ, theo ông Vương Duy Bảo: “Trở thành di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, vinh dự chẳng thấy đâu, chỉ thấy quyền sở hữu tòa dinh thự bị chính quyền tước đoạt, mãi đến tháng 3/2019 mới trả lại cho chúng tôi nhưng chỉ là trên danh nghĩa. Nhìn di tích xuống cấp nghiêm trọng mà đau buồn, xót xa...”.

Ngày 27/7/2020, đại diện cho các chủ sở hữu, ông Vương Duy Bảo đã có công văn gửi Bộ VH,TT&DL đề nghị Bộ thu hồi lại danh hiệu Di tích quốc gia đối với khu Dinh thự họ Vương.Trong văn bản gửi Bộ VH-TT&DL, ông Vương Duy Bảo nêu rõ: “Về tòa dinh thự này, từ năm 2018 đến nay, tôi đã có nhiều đơn thư gửi đến Bộ VH-TT&DL... Trước thực trạng tòa Dinh thự họ Vương như vậy, dòng họ Vương chúng tôi xin mời các ông, bà hãy đến Tòa Dinh thự họ Vương, xã Sà Phìn, mà mang cái Bằng Di tích quốc gia đó về...”.

“Nếu dòng họ Vương trực tiếp quản lý di tích thì dòng họ sẽ có trách nhiệm trùng tu, bảo tồn, gìn giữ di tích của dòng họ mình theo đúng quy định của nhà nước, của Luật Di sản”, ông Bảo nhấn mạnh./.

“Trong 2 năm trở lại đây, số tiền bán vé tham quan di tích thu mỗi năm được gần 3 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng số tiền bán vé thu được đạt xấp xỉ 700 triệu đồng. Tất cả đều được Ban quản lý nộp lại huyện quản lý mà không có sự bàn bạc với dòng họ Vương”. Ông Vương Duy Bảo

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận