Du lịch ứng phó đại dịch Covid-19: Có thể đóng băng hoàn toàn đến hết năm 2020

  • 23/04/2020 12:00:00
  • Thành Công
  • Kinh tế
  • 0

Ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng nặng nề do dịch Covid-19. Trường hợp xấu nhất, thị trường có thể 'đóng băng' hoàn toàn đến hết năm 2020.

 

Ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng nề do dịch Covid-19. Trường hợp xấu nhất, thị trường du lịch có thể “đóng băng” hoàn toàn đến hết năm 2020.

Dự báo nhiều kịch bản

Thời điểm này, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp du lịch đưa ra nhiều kịch bản không mấy tích cực. Kịch bản 1: Dịch kết thúc cuối tháng 6. Trong trường hợp này, lượng khách quốc tế sẽ ở đáy từ tháng 4 đến tháng 6, nghĩa là gần như không có khách quốc tế đến Việt Nam. Số lượng khách sẽ hồi phục dần vào cuối năm nhưng còn thấp, chưa thể tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2019.

Sau khi dịch được khống chế, hoạt động du lịch công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất... Tuy nhiên, độ mở về đi lại chưa hoàn toàn như trước khi có dịch do các nước vẫn còn đề phòng sự quay lại của Covid-19. Theo kịch bản này, khách du lịch quốc tế đến năm 2020 có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt.

Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19.

Kịch bản 2: Dịch kết thúc cuối tháng 9. Đại dịch kéo dài, đặc biệt là ở châu Âu, Bắc Mỹ. Ở châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác cơ bản khống chế được dịch trước, tuy nhiên các biện pháp hạn chế đi lại, giao thương vẫn bị áp dụng. Du lịch chỉ có thể bắt đầu hồi phục rất hạn chế từ cuối năm. Theo kịch bản này, lượng khách du lịch quốc tế đến năm 2020 sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt.

Ngoài ra, nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12 mà dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, từ tháng 4 đến tháng 12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế.

Tổng cục Du lịch đánh giá, sau khi khống chế đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam có thể trì trệ chưa biết thời điểm phục hồi, hoặc trước mắt phục hồi chậm. Cụ thể, trong cả hai kịch bản dự báo đối với du lịch Việt Nam, dịch Covid-19 đều thể hiện sau khi dịch được khống chế, khách du lịch quốc tế không còn nhiều thời gian để lên kế hoạch đi du lịch vào cuối năm, cộng thêm tâm lý vẫn còn e ngại sau khi dịch đi qua nên năm 2020 dự báo sẽ là năm tăng trưởng thấp kỷ lục của du lịch Việt Nam, trong bối cảnh sụt giảm nghiêm trọng của du lịch thế giới.

Hướng phục hồi

Theo ông Dương Hồng Tuấn, chuyên gia đào tạo thuộc Công ty cổ phần VietISO, giảng viên trường Cao đẳng du lịch, sau dịch Covid-19 thị trường tiềm năng nhất sẽ là thị trường nội địa với đồng loạt các gói kích cầu du lịch nội địa đến từ các địa phương và các nhà cung cấp. Khách du lịch sau một thời gian dài ở nhà phòng chống dịch, nhu cầu vui chơi giải trí, giải tỏa căng thẳng lo âu sẽ tăng cao và sản phẩm du lịch nội địa, du lịch ngắn ngày, cuối tuần sẽ được quan tâm rất nhiều với giá thành hấp dẫn và cạnh tranh. Một số xu hướng du lịch có thể được rất nhiều khách du lịch quan tâm là: du lịch cá nhân, du lịch trải nghiệm, các kỳ nghỉ ngắn ngày đến các điểm đến tại địa phương, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Kích cầu du lịch nội địa là giải pháp khôi phục ngành du lịch sau khi hết dịch. Ảnh: T.C

Đối với thị trường nước ngoài, mùa du lịch quốc tế thường bắt đầu từ tháng 10 cho đến tháng 4 năm sau, thị trường chính của du lịch Việt Nam nằm trong số những quốc gia đang phòng chống dịch hiệu quả. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp du lịch quốc tế cần chung tay tạo sức mạnh truyền thông, phát động và tung ra những gói du lịch kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế tại quốc gia đã hết dịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đồng thời cần tiếp tục duy trì các sản phẩm trọng điểm trong giai đoạn sau dịch là: du lịch kết hợp công tác, du lịch công vụ và du lịch MICE.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) đã đưa ra các giải pháp đối với các kịch bản khống chế dịch bệnh Covid-19. Trong đó, sau khi công bố hết dịch sẽ tập trung vào kích cầu thị trường du lịch nội địa, phối hợp với các hãng hàng không, vận chuyển và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan, miễn/giảm có thời hạn giá dịch vụ.

Tập trung triển khai chiến dịch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn” và triển khai chương trình kích cầu nội địa với sự tham gia của các địa phương (điểm đến), các doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp dịch vụ du lịch.

Đề nghị Chính phủ có các gói kích cầu tiêu dùng, trong đó có kích cầu người tiêu dùng trong nước sử dụng dịch vụ du lịch. Tập trung vào phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE.

“Việt Nam an toàn và hấp dẫn - Vietnam NOW - Safety and Smiling” là chiến dịch truyền thông của Việt Nam sau đại dịch.

Với kịch bản Việt Nam và một số nước công bố hết dịch (dự kiến các nước trong khu vực châu Á có khả năng hết dịch sớm hơn) cần hỗ trợ ngành du lịch đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tập trung phát động chương trình: “Việt Nam an toàn và hấp dẫn - Vietnam NOW - Safety and Smiling”. Đồng thời, cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tập trung quảng bá khách đến và đi du lịch các thị trường đã hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE.

Đề xuất thêm nhiều giải pháp

Ngày 19/3, Bộ VH-TT&DL đã có công văn số 1156/BVHTTDL-TCDL. Và mới đây, Bộ có thêm công văn số 1399/BVHTTDL-TCDL gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch.

Trong đó, đối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch và người lao động, Bộ VH-TT&DL đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn, hủy tour thay vì thực hiện hủy tour. Gói tài chính này sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua tour” thời hạn 12 - 18 tháng, giá trị tương đương tour đã đặt cho khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.

Tính hết quý 1, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,69 triệu lượt. Mức tăng trưởng của ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống, lữ hành chỉ đạt 3,27%, là mức thấp nhất cùng kỳ các năm từ 2011 - 2018. Các thị trường khách quốc tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đều giảm mạnh, Trung Quốc giảm nhiều nhất gần 32%. Theo thống kê, lĩnh vực du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm từ 70 - 80%; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc.

Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà có phòng lưu trú du lịch cho thuê (homestay), người lao động mất việc trong cơ sở lưu trú du lịch (đề nghị đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62 nghìn tỉ đồng giúp người dân gặp khó khăn chống dịch Covid-19).

Miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa cũng như thẻ hướng dẫn viên trong năm 2020.

Đầu tư cho các cơ sở đào tạo du lịch có áp dụng chương trình đào tạo trực tuyến đào tạo cấp theo Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam. Hỗ trợ xây dựng, nâng cấp hạ tầng phục vụ dạy và học trực tuyến; hỗ trợ đào tạo giáo viên dạy học trực tuyến; hỗ trợ xây dựng nâng cấp chương trình học trực tuyến; hỗ trợ công tác tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp du lịch công nhận kết quả học tập và tuyển lao động có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các cơ sở đào tạo du lịch; Áp dụng chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho cơ sở đào tạo du lịch và các học viên tham gia đào tạo lại, nâng cao tay nghề với hình thức đào tạo trực tuyến hoặc theo nhóm nhỏ tại doanh nghiệp. Giai đoạn hết dịch, hỗ trợ cho các địa phương đào tạo nghiệp vụ cho hướng dẫn viên tại điểm, điều hành tour, cơ sở lưu trú du lịch, đặc biệt là các homestay.

Bộ VH-TT&DL cũng đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến du lịch quốc gia mà doanh nghiệp không phải đóng bất kỳ khoản phí nào; được hỗ trợ chi phí thị thực, vé máy bay cho 1 cán bộ/doanh nghiệp du lịch khi tham gia chương trình.

Đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận