Thiệt hại nặng
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19, tên cũ là nCoV) đã gây thiệt hại lớn cho nhiều nền kinh tế, trong đó ngành du lịch phải hứng chịu những ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề.
Du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã đạt được kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam được tôn vinh với nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới. Việt Nam đã lọt top 10 quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới trong năm 2019. Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) vừa công bố danh sách các quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2019, trong đó Việt Nam đứng thứ 7.
Với những kết quả đáng tự hào trong năm 2019, năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ toàn ngành Du lịch đón khoảng 20,5 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 830.000 tỷ đồng. Song, sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 (nCoV) đã khiến nhiệm vụ này trở nên khó khả thi.
Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, dịch bệnh này bùng phát ngay trong cao điểm mùa du lịch khiến các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách hủy, hoãn tour… có thể gây thiệt hại từ 5,9 - 7,7 tỉ USD trong 3 tháng tới. Trong đó, lượng khách quốc tế có thể sẽ giảm 3,7 - 4,7 triệu lượt, khách nội địa giảm 10,9 - 15,3 triệu lượt.
Thực tế, cơ cấu chi tiêu của khách du lịch theo kết quả điều tra năm 2019 gồm dịch vụ lưu trú thiệt hại 1,5 - 1,8 tỉ USD, dịch vụ ăn uống 1,3 - 1,7 tỉ USD, dịch vụ vận chuyển 1 - 1,4 tỉ USD, dịch vụ tham quan, vui chơi giải trí 650 - 850 triệu USD và mua sắm hàng hóa là 1 - 1,3 tỉ USD...
Cụ thể, thị trường Trung Quốc hiện chiếm khoảng trên 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam có thể giảm từ 90-100% do việc tạm đóng cửa thị trường này, ngành du lịch có thể mất 1,7 - 1,9 triệu lượt khách. Mức chi tiêu bình quân của du khách từ thị trường Trung Quốc là 1.021 USD/lượt, thiệt hại sẽ là 1,8 - 2 tỉ USD. Lượng khách quốc tế còn lại từ các thị trường khác cũng có thể giảm từ 50 - 70%, tương đương 2 - 2,8 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân là 1.083 USD/lượt, thiệt hại sẽ là 2,2 - 3 tỉ USD.
Với thị trường nội địa, dự đoán khách du lịch giảm 50 - 70%, tức lượng khách sẽ giảm 10,9 - 15,3 triệu lượt. Mức chi tiêu bình quân của khách nội địa là 5,8 triệu đồng/lượt khách nghỉ qua đêm và 1,92 triệu đồng/lượt khách không nghỉ qua đêm. Thiệt hại ước 1,9 - 2,7 tỉ USD.
Tìm giải pháp vượt khó
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch cùng đại diện các tỉnh, thành, ngành liên quan như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Khách sạn, Hiệp hội Lữ hành và đại diện các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, hàng không lớn trên cả nước đã cùng đưa ra các kịch bản diễn biến của dịch và tìm giải pháp khắc phục.
Dự kiến, nếu dịch kết thúc vào cuối tháng 3/2020, các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4/2020. Các chuyên gia du lịch và nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng, thời điểm này, ngành du lịch có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa, vốn thường bắt đầu vào cao điểm từ cuối tháng 5, các doanh nghiệp có thể xúc tiến thúc đẩy mảng outbound để bù đắp những tổn thất do dịch trong những tháng đầu năm.
Ở kịch bản thứ hai, ngành du lịch dự báo khách du lịch quốc tế có thể trở lại Việt Nam vào tháng 6/2020. Để thị trường tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm đón khách quốc tế từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021 thì trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2020, toàn ngành du lịch phải đẩy mạnh hoạt động quảng bá trong và ngoài nước.
Hiện nay, một số chuyên gia y tế thế giới dự báo dịch Covid-19 có thể được đẩy lùi hoàn toàn sớm nhất là sau mùa hè 2020, nên Tổng cục Du lịch cũng đưa ra kịch bản thứ ba. Khi dịch Covid-19 kết thúc vào mùa hè thì đến quý 4, các hoạt động du lịch mới có thể trở lại. Trong trường hợp này, các hoạt động xúc tiến để kích cầu du lịch nội địa sẽ gặp khó khăn vì thời gian quá gấp gáp. Tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế vẫn được triển khai như trên, nhanh chóng khôi phục thị trường.
Quyết liệt kích cầu nội địa
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Để khắc phục khó khăn do dịch trong những tháng đầu năm, việc kích cầu du lịch nội địa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, song song với thu hút du khách quốc tế. Các địa phương, doanh nghiệp cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho du khách. Làm sao du lịch trong nước phải có những gói sản phẩm hấp dẫn cạnh tranh được với các sản phẩm du lịch nước ngoài mà các nước đang chào bán thông qua những đại lý của họ tại Việt Nam. Bởi nếu chi phí đi du lịch nước ngoài và du lịch trong nước tương đương nhau thì chắc chắn người dân sẽ có xu hướng chọn đi du lịch nước ngoài.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nêu một loạt việc trước mắt của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và địa phương. Một trong những việc đó là phát huy mối quan hệ thân thiết giữa Hiệp hội và các hiệp hội du lịch của Nhật Bản, Mỹ nhằm thu hút và thúc đẩy giao lưu trao đổi khách du lịch.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho biết, du lịch nội địa mỗi năm chi tiêu 15 - 16 tỉ đôla Mỹ cho việc đi du lịch nước ngoài. Nhưng với tình trạng mà khách du lịch Việt Nam đi Bangkok (Thái Lan) có giá bằng đi du lịch TP.HCM thì đương nhiên khách không đi TP.HCM. Ngành du lịch cần có kế hoạch kích cầu du lịch nội địa tốt và tập trung triển khai ngay. Cần phải coi du lịch nội địa là thị trường bền vững. “Dịch bệnh lần này cũng là dịp để nhìn lại và thử thách ngành du lịch, không thể cứ trông chờ vào một nguồn khách chủ lực được. Sự sụt giảm lớn của khách Trung Quốc chắc chắn tác động không nhỏ, tuy nhiên không phải là không thể khắc phục. Đây chính là vấn đề đòi hỏi đa dạng hóa thị trường khách du lịch”, ông Vũ Thế Bình nhận định.
Ông Hoàng Quốc Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho rằng, có những thời điểm Khánh Hòa là trung tâm chuyên đón khách Nga và Trung Quốc nhưng nên nhớ trước thời điểm đó chúng ta chủ yếu phục vụ khách nội địa. Đây cũng là thời điểm nên đưa ra các chính sách thu hút, kích cầu khách trong nước.
Đa dạng cơ cấu thị trường
Việc bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường chính là Trung Quốc và sự sụt giảm lớn lượng khách Trung Quốc do tác động của dịch lần này đã hâm nóng lại vấn đề chiến lược đa dạng hóa thị trường là vấn đề tồn tại lâu nay của ngành du lịch. Tổng cục Du lịch cho rằng, cần đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện, đang có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN.
“So với thời điểm này năm trước, du lịch Ninh Bình sụt giảm 50% lượng khách. Trong thời gian tới, để khôi phục tốc độ tăng trưởng du lịch của tỉnh, Sở sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, gây ấn tượng với khách nội địa và quốc tế”. Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình.
|
Thêm vào đó, cần tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ, đây là thị trường tỉ dân được kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào việc thiếu hụt từ việc tạm đóng cửa với thị trường Trung Quốc hiện nay.
Ngoài ra, cần tăng cường thu hút du khách từ những thị trường xa như Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada trong bối cảnh thuận lợi là sắp có đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ...
Các doanh nghiệp du lịch lớn như Hanoitourist, Saigontourist, Ben Thanh tourist đều có chung nhận định, đây là thời điểm thách thức với các doanh nghiệp du lịch nhưng các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng, chủ động chuyển hướng thị trường, xây dựng thị trường mới, nâng cấp các dịch vụ phục vụ khách, tăng cường liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau.
“Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã có văn bản gửi Ban Trị sự các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống dịch Covid-19 và các chùa đã vào cuộc rất nghiêm. Ngay sau đó, các lễ hội lớn của quốc gia đã tạm hoãn không tổ chức như lễ hội Yên Tử, Tam Chúc. Các lễ hội đã khai mạc trước đó cũng giảm quy mô, cắt giảm chương trình. Các khóa tu, lớp học thông thường đã hủy. Đặc biệt, Giáo hội đã chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo - nơi tâm dịch, tạm dừng các hoạt động, kể cả lễ giỗ Tổ, khuyến cáo người dân đến chùa đeo khẩu trang. Nhiều chùa đã phát khẩu trang miễn phí cho nhân dân, sớm nhất là chùa Vĩnh Nghiêm, ngay chiều 1/2 đã dành 5.000 khẩu trang phát cho người dân, có chùa đã phát hàng vạn khẩu trang. Các Phật tử Việt kiều cũng gửi khẩu trang và nước rửa tay từ nước ngoài về.
Qua nắm bắt, tại các chùa rất vắng, người dân rất ý thức trong việc phòng, chống dịch, thực hiện “chống dịch như chống giặc”. Giáo hội sẽ tiếp tục có văn bản hướng dẫn các Ban Trị sự, các chùa, tự viện, không chủ quan trong việc này, cùng với đó, chú trọng đến hoạt động phật sự ở Vĩnh Phúc, sớm chấn chỉnh, không để xảy ra những vấn đề đáng tiếc”. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
|
Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, do ảnh hưởng của dịch nên thị trường khách nội địa của hãng đã bị hủy khoảng 40% lượng vé, khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài (Outbound) hủy 40 - 50%, khách châu Âu đến Việt Nam hủy với tỷ lệ thấp hơn (khoảng 10 - 15%), lượng khách hủy tour nhiều nhất là thị trường Trung Quốc và các nước thuộc Đông Bắc Á như Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Hàn Quốc (70 - 80%). Hãng đã chỉ đạo xem xét đổi và điều chỉnh dịch vụ cho khách trong khoảng thời gian 6 tháng.
Theo ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, từ tháng 5/2020, Vietjet sẽ mở thêm 3 đường bay mới tới Ấn Độ, gồm: Đà Nẵng - New Delhi, Hà Nội - Mumbai và TP.HCM - Mumbai. Trước đó trong tháng 12/2019, Vietjet cũng đã mở đường bay trực tiếp từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tới New Delhi. Ấn Độ là thị trường có tiềm năng rất lớn với dân số đông, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, có nhu cầu đi du lịch cao. Đặc biệt những người giàu ở Ấn Độ đang có xu hướng tổ chức đám cưới tại các điểm đến mới lạ như ở Đông Nam Á.
Dự kiến từ tháng 6/2020, Tổng cục sẽ triển khai tổ chức đồng bộ, có hiệu quả các sự kiện xúc tiến du lịch nhằm phục hồi các thị trường trọng điểm gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Âu, Úc, Trung Đông, Ấn Độ, Bắc Mỹ.../.
“Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản đã chủ động cập nhật thường xuyên thông tin về dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam và Hà Nội để tuyên truyền công tác phòng, chống dịch cho khách du lịch. Chủ động phòng, chống dịch cho du khách và nhân viên. Đặc biệt Câu lạc Lữ hành UNESSCO Hà Nội đã phát động quyên góp kinh phí để phát khẩu trang miễn phí cho khách du lịch ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tính đến ngày 3/2, số lượng hủy phòng tại các cơ sở lưu trú là hơn 13.000 phòng, du lịch trong nước (inbound) có hơn 7.600 khách hủy, du lịch quốc tế (outbound) có hơn 7.100 khách hủy, vận tải hành khách giảm 30-50%; khách tới các điểm đến giảm 30 - 50%”. Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.
“Nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe của nhân dân và du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn, các ban quản lý di tích chấp hành nghiêm túc Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Bên cạnh đó Sở đã tuyên truyền, vận động để nhân dân, du khách biết và thực hiện. Sở cũng khuyến cáo đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của Nam Định dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh dịch; Không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào Việt Nam; Quản lý và theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe, hạn chế di chuyển đối với du khách Trung Quốc, khách du lịch nước ngoài đã qua vùng dịch, khi nhập cảnh Việt Nam trong vòng 14 ngày và theo dõi tình hình sức khỏe của khách lưu trú để kịp thời giúp đỡ”. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Nam Định.
|