Du lịch Việt Nam: Vừa chống dịch Covid-19 vừa lên kế hoạch phục hồi

Covid-19 đã tác động tiêu cực đến toàn ngành du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch đã có những giải pháp, phương án cụ thể nhằm sớm phục hồi ngay khi hết dịch.

 

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 đã tác động tiêu cực đến toàn ngành du lịch. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành du lịch đã có những giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời triển khai những phương án cụ thể như kích cầu, quảng bá nhằm sớm phục hồi du lịch Việt Nam ngay khi hết dịch.

Nhiều địa phương sắp công bố hết dịch

Tại buổi họp thường trực Chính phủ chiều 17/2, trước những diễn biến tích cực của công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Tôi muốn nói không chỉ với du khách mà cả nhà đầu tư rằng môi trường kinh doanh lẫn môi trường sống của Việt Nam là an toàn, Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả mà Việt Nam còn an toàn một cách tự nhiên, nhờ vào điều kiện thời tiết sẽ sớm ấm áp trên cả nước, thời tiết ở miền Trung, miền Nam hiện nay rất thuận lợi. Các bãi biển nắng ấm, không khí rất tốt. Khách du lịch có thể đến Việt Nam không chỉ để an toàn, để khỏe mạnh hơn mà còn có trải nhiệm thú vị”.

Khách du lịch đang trở lại. Ảnh: KT

Một thông tin đáng chú ý khác là việc điều trị tất cả các ca bệnh đều tiến triển rất khả quan. 14/16 ca mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và xuất viện. Còn lại 2 người, tình hình điều trị cũng rất khả quan, sẽ sớm xuất viện.

Điểm đến an toàn

Trước những tín hiệu khả quan trong công tác phòng chống dịch Covid-19, ngành du lịch dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ kết thúc vào tháng 3/2020, các hoạt động truyền thông xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4/2020. Ngành du lịch cũng đã thống nhất tuyên truyền và khẩn trương xây dựng các tiêu chí du lịch an toàn ứng phó với dịch Covid-19. Đồng thời, các doanh nghiệp cần xây dựng các gói kích cầu, giảm giá dịch vụ, tặng kèm dịch vụ… nhằm thu hút khách, phục hồi thị trường là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Tại buổi làm việc vào chiều ngày 18/2/2020 tại trụ sở Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nêu rõ: Ngành du lịch cần xây dựng ngay bộ tiêu chí du lịch an toàn để đảm bảo an toàn cho du khách trong toàn bộ hành trình đi du lịch ở Việt Nam. Đây là yêu cầu cấp thiết phù hợp với tình hình thực tế và nhằm thúc đẩy nhanh sự phục hồi của du lịch trong thời gian tới.

Các tiêu chí an toàn cần được đưa ra cho các phương tiện vận chuyển, cửa khẩu, nhà ga, sân bay; các điểm tham quan, khu vui chơi giải trí, các cơ sở mua sắm, các cơ sở lưu trú du lịch... nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho khách khi sử dụng dịch vụ ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch một số nội dung về tiếp tục hoàn thiện app mobile về các điểm đến an toàn; chuẩn bị nội dung phục vụ Hội nghị tái cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam dự kiến diễn ra trong tháng 3/2020; xây dựng kế hoạch và triển khai sớm các hoạt động xúc tiến quảng bá phục hồi thị trường, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm, đầu tư tăng quy mô các chương trình xúc tiến để thu hút sự quan tâm chú ý của công chúng quốc tế.

Du khách bắt đầu quay lại

Tại một số địa bàn du lịch trọng điểm, các giải pháp thu hút khách du lịch đã được chuẩn bị sẵn sàng nhằm đưa “ngành công nghiệp không khói” ổn định trở lại. Trong đó, ưu tiên vừa bảo đảm biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa chủ động tuyên truyền phòng chống dịch cho du khách và cộng đồng nên hiện tại, hoạt động ở một số địa bàn trọng điểm du lịch dù có sụt giảm nhưng vẫn diễn ra theo chiều hướng khả quan.

Ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19 nhưng một số công ty lữ hành cho biết, lượng khách Âu - Mỹ đến Việt Nam khá ổn định trong những ngày vừa qua. Đại diện của Lữ hành Fiditour cho biết: Lượng khách du lịch trong nước giảm mạnh nhưng lượng khách quốc tế (chủ yếu là khách châu Âu) tương đối ổn định. Các đoàn này thường đặt tour từ đầu năm 2019, trước thông tin về dịch Covid-19 họ vẫn không hủy tour.

Theo Sở Du lịch Hà Nội (tính đến ngày 15/2), khách du lịch đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn đang có xu hướng tăng. Lượng khách du lịch đến nay đã đạt từ 50-70% so với thời điểm không có dịch; đối tượng giảm nhiều chủ yếu là khách nội địa và du khách Trung Quốc. Cụ thể, lượng khách châu Á đến Hà Nội chiếm 65%, khách châu Âu chiếm 25%, còn lại là các thị trường khác. Trong tình hình dịch bệnh, lượng khách Trung Quốc giảm mạnh, nhưng bù lại một số thị trường khác vẫn tăng đều (Nhật Bản tăng 200%, Ấn Độ tăng 65%…; thị trường khách châu Âu đang phục hồi dần).

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, tín hiệu mừng là hiện lượng khách đến tham quan các điểm di sản Huế vài ngày qua đang dần ổn định, ngày 9/2 có 7.537 lượt khách (trong đó, 6.363 lượt quốc tế); ngày 10/2 có 7.180 lượt khách (trong đó, 6.113 khách quốc tế). Có được kết quả này là nhờ những thị trường khách truyền thống đến Huế vẫn duy trì ổn định, nhất là các thị trường như Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á.

Tại Khánh Hòa, dù khách Trung Quốc giảm mạnh nhưng lượng khách du lịch Nga đến tham quan, nghỉ dưỡng những ngày qua vẫn ổn định và có chiều hướng tăng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận