Văn Giang, Hưng Yên: Nỗ lực bảo vệ hạ tầng giao thông, đê điều

Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) được biết đến là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn tới nhu cầu về sử dụng vật liệu xây dựng cao...

 

Nằm trong vành đai phát triển đô thị của Vùng thủ đô Hà Nội, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) được biết đến là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn tới nhu cầu về sử dụng vật liệu xây dựng cao. Để hạn chế rủi ro an toàn giao thông, bảo vệ hạ tầng giao thông, đê điều, huyện Văn Giang và các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên chú trọng, quan tâm công tác quản lý nhà nước, bảo đảm các nhà thầu phải thi công theo đúng giấy phép được cấp.

Nhu cầu vận chuyển vật liệu cao

Thông tin của Sở Xây dựng Hưng Yên cho thấy, giai đoạn 2015 - 2020, nếu tốc độ đô thị hóa bình quân cả nước là 0,7%/năm thì Hưng Yên là 3,68%/năm. Còn ở huyện Văn Giang, nếu trong năm 2000 - 2010, tỷ lệ đô thị hóa đạt 9,3% thì con số này đã tăng gấp 7 lần trong giai đoạn 2010 - 2020, đạt 65%. Dự kiến từ 2020 - 2030, tỷ lệ đô thị hóa ở địa phương tiếp tục tăng, giữ mức 72,1%.

Văn Giang đang là địa bàn phát triển đô thị mạnh của Hưng Yên, với diện tích dự án xây dựng khu đô thị (KĐT) tới 1.515ha. Theo quy hoạch chung của huyện, Văn Giang đang và sẽ triển khai nhiều dự án KĐT như Xuân Cầu, Đại An, Bách Giang, Xuân Thành,... phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân Hà Nội, Hưng Yên và vùng phụ cận.

Điểm giao cắt của hệ thống đường ống bơm cát qua đường ĐT 377, địa bàn xã Liên Nghĩa

Các KĐT trên địa bàn huyện có nhu cầu rất lớn về sử dụng vật liệu xây dựng để thi công, san lấp mặt bằng. Theo ông Chu Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang, các cơ quan chức năng của huyện luôn chú trọng, quan tâm trong công tác quản lý việc chuyên chở vật liệu xây dựng để bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, bảo vệ hạ tầng giao thông.

Đặc điểm hạ tầng của huyện Văn Giang là đường sá nhỏ, cơ sở hạ tầng giao thông mới được đầu tư. Do đó, nếu như một công trình cần sử dụng 6 triệu m3 cát, với thời gian chuyên chở và tập kết vật liệu khoảng 6 tháng thì mỗi ngày sẽ phải sử dụng 3.200 xe tải loại 30 tấn, và mỗi xe sẽ phải chuyên chở ít nhất 10 chuyến một ngày thì mới đảm bảo tiến độ. Như vậy, việc sử dụng phương tiện đường bộ có thể dẫn tới phá vỡ kết cấu hạ tầng, làm ảnh hưởng đến môi trường đô thị và đặc biệt là an toàn giao thông.

Để giảm thiểu những nguy cơ này, bên cạnh việc quản lý các phương tiện chuyên chở đường bộ, Hưng Yên khuyến khích vận chuyển vật liệu dưới những hình thức khác nhằm mục đích bảo vệ hạ tầng giao thông, đường đê, hạn chế rủi ro an toàn giao thông, tránh ô nhiễm môi trường.

Hiện nay một số nhà thầu trên địa bàn huyện Văn Giang đã đưa ra phương pháp thi công: sử dụng hệ thống đường ống chuyển tải cát từ các sà lan đưa vào công trình, thay cho sử dụng phương tiện giao thông đường bộ. Phương pháp này đã được UBND tỉnh Hưng Yên đánh giá tốt bởi sẽ không bị xung đột với hệ thống giao thông. Tuy nhiên, hệ thống này sẽ phải đi qua một số điểm giao cắt hoặc các mương máng thủy lợi, do đó phải được sự nghiệm thu và phê chuẩn của các ban ngành chức năng trước khi tiến hành lắp đặt và đi vào hoạt động.

Không buông lỏng, không có chuyện “băm nát” đê

Lợi ích việc vận chuyển vật liệu qua đường ống là thấy rõ khi giảm thiểu rủi ro an toàn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, khi triển khai phải lên phương án thi công và được các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cấp phép.

Trao đổi với phóng viên, ông Lý Văn Tông - Chủ tịch UBND xã Liên Nghĩa - cho hay, qua công tác giám sát, kiểm tra của xã và các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh Hưng Yên thì các nhà thầu thi công trên địa bàn xã đều có giấy phép thi công, hoạt động. Để các phương tiện tham gia giao thông di chuyển thuận tiện, bảo đảm an toàn giao thông, tại điểm đường ống vận chuyển cát giao cắt với mặt đê, đơn vị thi công đã tiến hành đổ đá và bê tông asphalt lên mặt ống rồi vuốt sang hai bên với độ dốc 5%. Hai đầu đường đi qua hệ thống đường ống, đơn vị thi công đã có hệ thống biển cảnh báo.

Không có chuyện băm nát mặt đê, không lơ là buông lỏng.

Cũng theo ông Tông, đến thời điểm này UBND xã Liên Nghĩa chưa nhận được đơn thư phản ánh của người dân phản ánh các đơn vị thi công không có giấy phép, quá trình thi công gây mất an toàn giao thông. “Tại điểm giao cắt với đường ống vận chuyển, đến thời điểm này không có vụ tai nạn giao thông nào xảy ra…”, ông Lý Văn Tông cho biết.

Theo ông Chu Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, nhắc nhở chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình vận chuyển vật liệu và xử phạt nghiêm những đơn vị vi phạm. Để không làm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, không gây ô nhiễm môi trường, một số nhà thầu đã tiến hành việc chuyên chở vật liệu bằng đường ống. Theo đó, nhà thầu đặt đường ống qua nhà dân phải thỏa thuận với người dân và có phương án, giấy phép thi công.

Để không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, chính quyền huyện Văn Giang quy định: các đơn vị thi công chỉ được thực hiện việc bơm hút đẩy cát từ 6h00 đến 21h30 hằng ngày. “Qua công tác kiểm tra, huyện nhận thấy các nhà thầu đều có giấy phép thi công. Quá trình giám sát, kiểm tra, huyện luôn yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công theo đúng giấy phép được cấp. Huyện luôn chú trọng, quan tâm trong công tác quản lý nhà nước, không có chuyện buông lỏng…”, ông Chu Quốc Hiệu khẳng định.

Ông Trần Văn Bùi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão  Hưng Yên cho hay, qua công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng nhận thấy, nhà thầu đã tiến hành thi công, đặt đường ống theo đúng giấy phép. “Trước đó một số nhà thầu do nôn nóng, trong khi chờ giấy phép thì đã vận chuyển đường ống, thi công trên mặt đê. Những trường hợp này đã được kiểm tra, xử lý nghiêm… Không có chuyện băm nát mặt đê, không có chuyện cơ quan quản lý nhà nước lơ là, buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước”, ông Trần Văn Bùi cho biết./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận