COP29 chờ thông điệp mạnh mẽ từ hội nghị thượng đỉnh G20

60 đoàn nước ngoài, với 40 nguyên thủ quốc gia và quan chức hàng đầu các nước tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil.

 

Với chủ đề “xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, hội nghị 2 ngày này sẽ tập trung vào 3 ưu tiên là thúc đẩy xã hội phát triển bao trùm và chống nghèo đói; Phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng; và Cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu.

Trước khi dự hội nghị G20, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới thăm khu rừng nhiệt đới Amazon của Brazil – vốn có thể sản sinh khoảng 20% lượng khí ôxy cho Trái đất và được coi là lá phối hành tinh. Tại đây, nhà lãnh đạo Mỹ đã truyền đi một thông điệp quan trọng nhắc nhở người kế nhiệm và lãnh đạo G20 về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

“Chúng ta không cần phải lựa chọn giữa môi trường và nền kinh tế. Chúng ta có thể làm cả hai. Chúng tôi đã chứng minh điều đó ở nước Mỹ. Không có gì bí mật khi tôi sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1. Tôi sẽ để lại cho người kế nhiệm và đất nước tôi một nền tảng vững chắc để phát triển nếu họ chọn làm như vậy. Đúng là một số người có thể tìm cách phủ nhận hoặc trì hoãn cuộc cách mạng năng lượng sạch đang diễn ra ở Mỹ. Nhưng không ai có thể đảo ngược nó. Không ai. Rất nhiều người đang được hưởng những lợi ích từ cuộc cách mạng này”, ông Biden nhấn mạnh.

Đến với G20, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng có lời kêu gọi đặc biệt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo người đứng đầu Liên Hợp Quốc, G20 có sức mạnh của 85% nền kinh tế thế giới, nhưng cũng chiếm khoảng 80% lượng khí thải toàn cầu. Do đó, ông Guterres ra lời kêu các nhà lãnh đạo G20 phải có trách nhiệm làm gương cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo ông, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra tại Baku, Azerbaijan đang gặp những thách thức lớn để đạt được sự đồng thuận về tài chính khí hậu. Do đó, G20 cần phát đi một thông điệp để tạo động lực chính trị cho việc đạt được thỏa thuận COP29.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc dự G20. Ảnh: ReutersNgoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi G20 đẩy mạnh sức mạnh ngoại giao to lớn để giải quyết các điểm nóng xung đột hiện nay.

“Tôi đến Brazil với một thông điệp đơn giản: G20 có sức mạnh kinh tế to lớn và họ có thể tạo ra đòn bẩy ngoại giao lớn. G20 phải sử dụng điều đó để giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng. Hòa bình ở Gaza với lệnh ngừng bắn ngay lập tức, cùng một tiến trình không thể đảo ngược hướng tới giải pháp hai nhà nước. Hòa bình ở Lebanon và Ukraine cần đạt được dựa trên Hiến chương và các nghị quyết Liên Hợp Quốc. G20 cần giúp các bên tham chiến ở Sudan chấm dứt trình trạng bạo lực. Hòa bình ở mọi nơi đều đòi hỏi các hành động dựa trên các giá trị của Hiến chương Liên Hợp Quốc, pháp quyền và các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, ông Guterres nói

Tham dự thượng đỉnh G20, Liên minh châu Âu muốn nhấn mạnh lại nhu cầu phải làm cho hệ thống đa phương hiệu quả hơn và mang tính đại diện hơn, với Liên Hợp Quốc là cốt lõi. Theo Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, “thế hệ này có nhiệm vụ cải cách các tổ chức quốc tế để phản ánh thế giới mà con người muốn sống – công bằng hơn, hòa bình hơn, toàn diện hơn và thịnh vượng hơn”. EU dự kiến cũng sẽ đưa ra các cam kết xóa bỏ bất bình đẳng, chống đói nghèo và phân biệt đối xử.

Đình Nam/VOV1
Tổng hợp

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận