Bài 3: Cấp ủy, người đứng đầu trong hoạt động tín dụng chính sách

  • 06/06/2024 12:42:17
  • Ngọc Hải
  • Xã hội
  • 0

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), huyện Bá Thước tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, đảng viên, người đứng đầu trong hoạt động tín dụng CSXH, góp phần thực hiện mục tiêu thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Bài 1: Vai trò nòng cốt của Đảng trong xóa đói giảm nghèoBài 2: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

“Kim chỉ nam” trong hoạt động tín dụng CSXH

Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị 40) và Kết luận số 06-KL/TW (Kết luận 06) của Ban Bí thư Trung ương Đảng được ví là “kim chỉ nam”trong hoạt động tín dụng chính sách, có tác động mạnh mẽ, tích cực tới việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại các địa phương.

Từ “kim chỉ nam” ấy, cấp ủy, chính quyền huyện Bá Thước đã chỉ đạo thực hiện tín dụng CSXH tại cơ sở, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.Việc Bá Thước triển khai sâu rộng, quyết liệt Chỉ thị 40, Kết luận 06 trên địa bàn huyện đã tạo nên cuộc cách mạng về nhận thức, tư duy, hành động và tinh thầntrách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách về tín dụng, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân và tương lai gần, Bá Thước sẽ thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào cuối năm 2025 theo mục tiêu đề ra.

Tín dụng chính sách xã hội là bệ đỡ cho người nghèo phát triển kinh tế

Cùng hướng tới mục tiêu thoát nghèo, việc thực hiện chủ trương bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) Ngân hàng CSXH cấp huyện đã phát huy vai trò của chính quyền trong việc chỉ đạo, quản lý và triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi ở cơ sở. Các chủ trương, chính sách về tín dụng được triển khai nhanh chóng; những khó khăn, vướng mắc được giải quyết kịp thời; chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên, nợ quá hạn giảm rõ rệt. Không chỉ gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện tín dụng CSXH, mà công tác phối hợp giữa Ngân hàng CSXH và các đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác cũng ngày càng chặt chẽ, đồng bộ. Bởi vậy, tín dụng CSXH đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác hiệu quả hơn.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bá Thước khẳng định:“Từ khi Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tham gia BĐD HĐQT Ngân hàng CSXH cấp huyện đã đưa hoạt động tín dụng chính sách vào hoạt động định kỳ của xã, gắn nguồn vốn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Chủ tịch xã tham gia BĐD còn chỉ đạo Ban giảm nghèo xã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xác nhận đúng đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách; tổ chức phân bổ vốn đến các thôn, bản...; chỉ đạo trưởng thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác họp bình xét cho vay công khai, dân chủ hơn, qua đó chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời và đến đúng đối tượng được thụ hưởng; đồng thời chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn chặt chẽ hơn”,ông Tuấn khẳng định.

Chia sẻ về câu chuyện tín dụng chính sách xã hội, bà Võ Thị Lý, Huyện ủy viên - Trưởng phòng Phòng LĐ-TB&XH huyện Bá Thước nhấn mạnh: “Việc phát huy tốt vai trò của các cấp ủy Đảng, vai trò người đứng đầu đối với hoạt động tín dụng chính sách theo tinh thần Chỉ thị số 40; Kết luận 06 của Ban Bí thư là yếu tố quan trọng để Ngân hàng CSXH các cấp đưa nhanh nguồn vốn tín dụng chính sách vào cuộc sống, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững”.

Đảng viên dân vận khéo, làm kinh tế giỏi, dân sẽ tin

Khẳng định vai trò của đội ngũ đảng viên, cán bộ chủ chốt ở cơ sở, trong quá trình thực hiện tín dụng CSXH, Bá Thước đã giao nhiệm vụ cho đảng viên xác định cho đúng đối tượng vay vốn và xem phương án phát triển sản xuất của các hộ có đạt yêu cầu hay không; giúp đỡ các hộ tối ưu hơn phương án phát triển sản xuất và làm hồ sơ vay vốn; giám sát, quản lý để các hộ sử dụng vốn đúng, trúng mục tiêu, phát huy hiệu quả nguồn vốn ở mức cao nhất có thể. “Hộ nào sử dụng vốn chưa tốt, nguy cơ không trả được nợ, chúng tôi sẽ trợ giúp, ngăn ngừa điều đó xảy ra. Những hộ chưa có kinh nghiệm phát triển kinh tế, chúng tôi kêu gọi, tập hợp các hộ đã thành công trước đó đến giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Chính vì vậy, đồng vốn vay được các hộ sử dụng hiệu quả, kinh tế các hộ dân dần đi lên bền vững”, ông Lê Đức Huế, Chi bộ thôn Tôm, xã Ái Thượng chia sẻ.

Được Chi bộ và lãnh đạo thôn tuyên truyền, khích lệ nên bà con ở xã Ái Thước đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, hăng hái vươn lên thoát nghèo. Minh chứng là, từ năm 2022 đến nay, số lượng các hộ ở thôn Tôm vay vốn để sản xuất kinh doanh tăng lên, hạn mức được vay cũng nhiều hơn. Nếu trước đây mỗi hộ chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng thì bây giờ con số ấy là 100 triệu đồng. Nhiều hộ sau khi trả gốc và lãi đã tiếp tục vay để mở rộng sản xuất kinh doanh. Bà Trương Thị Niệm, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Bá Thước bày tỏ vui mừng: “Dân trả gốc và lãi đúng thời hạn cho thấy mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả. Nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi đã hỗ trợ cho các hộ nghèo có cuộc sống khấm khá, ổn định. Trước đây cả thôn có tới 70/175 hộ nghèo thì đến năm 2024 chỉ còn 19/175 hộ nghèo”, chị Niệm cho hay.

Tại xã Thành Lâm, việc cho các hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế được Đảng ủy, UBND, HĐND xã chú trọng, ra Nghị quyết, chuyên đề riêng. Hằng năm, Đảng ủy, UBND và Chi bộ thôn trực tiếp đến nhà hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để họ thuận lợi đăng ký vay vốn. Ông Hà Huy Giáp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đôn, xã Thành Lâm cho hay, cấp ủy Chi bộ, Bí thư Chi bộ hoặc trưởng thôn là người xác nhận để hộ nghèo có được vay vốn hay không. Chi bộ thôn Đôn lập thành 4 tổ,phân công đảng viên kèm các hộ dân để họ sử dụng vốn vay đúng mục đích, không phát sinh nợ xấu. Nếu gia đình nào gặp rủi ro trong quá trình sản xuất sẽ được tổ cho vay để trả nợ trước. Tổ đảng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp dân vay vốn sản xuất để thoát nghèo. Mỗi đảng viên phải gương mẫu, làm kinh tế giỏi thì dân mới tin cậy, nghe theo, học theo.

Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Hải Đường, Bí thư xã Thành Lâm nhấn mạnh thêm: “Vai trò của công tác đoàn thể rất lớn. Xã có các tổ chức đoàn thể đầu mối, phối hợp nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH để cho các hội viên vay phát triển sản xuất và có đôn đốc, giám sát quản lý vốn vay hiệu quả, tránh để dân sử dụng vốn sai mục đích, gây lãng phí nguồn vốn, còn dân lại mang nợ”.

Đồng lòng, chung sức và… thoát nghèo

Nhìn cơ ngơi nhà, vườn, chuồng khang trang trên mảnh đất rộng hơn 14 nghìn m2 của chị Trương Thị Quyền, không ai ngờ gia đình chị từng là một trong những hộ nghèo ở thôn Tôm, xã Ái Thượng. Năm 2020, chị Quyền vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để chăn nuôi, trồng mía, trồng luồng. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, nhưng được Chi bộ thôn giúp đỡ từ khâu lập kế hoạch, vay vốn đến quá trình sản xuất, cộng thêm sự nỗ lực của cả nhà nên chỉ sau hơn 2 năm, chị Quyền đã trả được một phần lãi và vốn vay. Cứ vậy, gia đình chị nay đã thoát nghèo, kinh tế khá giả. “Tôi mới mua chiếc ô tô 7 chỗ cho con trai chở khách. Giờ được bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ, mỗi khi đi họp, tôi đều bày cách làm ăn cho bà con trong thôn. Đảng và Nhà nước đã ưu tiên cho vay với mức lãi suất thấp, tạo điều kiện cho mình làm ăn rồi mà mình còn không làm ăn được, không thoát được nghèo là lỗi tại mình”, chị Quyền trải lòng.

Nhờ nguồn vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế nên gia đình nhà chị Quyền thôn Tôm đã thoát nghèo và trở thành hộ gia đình có kinh tế khá.

Cũng từng là hộ nghèo, nhưng năm 2020, gia đình chị Trương Thị Diễn (thôn Tôm) đã thoát nghèo, kinh tế ổn định nhờ vay vốn từ Ngân hàng CSXH để chăn nuôi trâu. Năm 2016, chị vay 30 triệu đồng, đến năm 2020 chị đã trả được hết nợ ngân hàng theo đúng hạn. Năm 2021, chị Diễn vay tiếp 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh tạp hóa và chăn nuôi lợn, cộng thêm nguồn vốn của gia đình, chị đã mua ô tô tải để kinh doanh cọc luồng và các loại lâm sản. Cuộc sống ấm no, khá giả, chị Diễn bày tỏ: “Nếu không có nguồn vốn ưu đãi từ chính sách tín dụng thì gia đình tôi không thể thoát nghèo”.

 

Chứng kiến đời sống, kinh tế của các hộ dân vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất ngày một ổn định, khá giả, chúng tôi càng thêm hiểu công sức, nhiệt huyết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bá Thước đã bỏ ra, đồng lòng chung sức để có được kết quả đáng ghi nhận, đáng tự hào như thế.

Điều đó một lần nữa khẳng định, Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng là minh chứng về sự chỉ đạo đúng đắn, mang tính đột phá để tổ chức triển khai thực hiện tín dụng CSXH. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, tín dụng chính sách đã phát huy vai trò, hiệu quả, trở thành một trong những chính sách quan trọng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận