Bài 2: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

  • 30/05/2024 04:07:51
  • Ngọc Hải
  • Xã hội
  • 0

Những năm gần đây, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Đó là kết quả từ việc phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ và sự tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên trong các chi bộ

 

Bài 1: Vai trò nòng cốt của Đảng trong xóa đói giảm nghèo

Người đứng đầu phải​​“nói được, làm được”

Đó là tâm niệm của ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn Tôm - người mà cán bộ xã Ái Thượng khen ngợi là một đảng viên mẫu mực, hết lòng vì dân.

Năm 2010, khi ông về làm trưởng thôn thì thôn Tôm có tới 90% hộ nghèo, nhà ở lụp xụp, trình độ dân trí không đồng đều, dân cư thưa thớt, lại chủ yếu làm nông nghiệp nên kinh tế cả thôn rất khó khăn. Số lượng đảng viên của cả thôn cũng chỉ vỏn vẹn có 8 đảng viên khiến ông băn khoăn bởi như vậy thì Chi bộ không có sức mạnh.

“Tại sao đất đai mình rộng thế mà lại không làm giàu được?”,ông Nghị trăn trở. Sau những đêm thức trắng, ông bắt đầu hành trình “làm cho dân cũng có cơm ăn áo mặc”: Từ việc tuyên truyền chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng, hướng dẫn người dân khi được nhà nước hỗ trợ vốn làm ăn thì biết “lấy ngắn nuôi dài”, cho đến việc động viên thanh niên đi lao động xuất khẩu và làm ở công ty để có nguồn thu nhập cho gia đình.

“Tôi củng cố, phát triển chi bộ, đồng thời phân công cho mỗi đảng viên phụ trách một cụm dân cư, tuyên truyền, vận động dân làm kinh tế để thoát nghèo. Cuối năm, Chi bộ sẽ đánh giá đảng viên hoàn thành nhiệm vụ hay không là dựa trên cơ sở đó”, ông Nghị cho hay. Chợt nhớ lời Bí thư Đảng ủy xã Ái Thượng, rằng: Bác Nghị đã bỏ tiền túi ứng trước cho các hộ dân khác để nhanh chóng hoàn thành bê tông hóa đường giao thông nông thôn và cho các hộ vay tiền sửa nhà cửa. Với sự nỗ lực của cả chi bộ, đến nay, hộ nghèo ở thôn Tôm chỉ còn hơn 10%, nhà cửa khang trang, đường đi lối lại trong thôn được bê tông hóa 100%. Bao đập, kênh mương được nhà nước hỗ trợ làm.

“Từ Nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của UBND các cấp, nhưng về thôn, mình phải biết cụ thể hóa, ứng dụng vào thực tế.Cuối năm nay thôn Tôm về đích nông thôn mới. Nếu không có Đảng lãnh đạo, Chi ủy Chi bộ và các ban, ngành, tổ chức chính trị quyết liệt vào cuộc, giúp dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát triển kinh tếthì không thể có được kết quả tốt như vậy”, ông Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.

Hằng năm, Đảng bộ huyện, Thường vụ Huyện ủy Bá Thước ra Nghị quyết, Chỉ thị về công tác giảm nghèo. Trên cơ sở đó, xã Ái Thượng ra Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, về chương trình giảm nghèo dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện của từng địa phương và giao cho các chi bộ tổ chức thực hiện. “Xã Ái Thượng 80% là DTTS nên ngoài vai trò lãnh đạo của Đảng thì vai trò của người đứng đầu địa phương - Bí thư Chi bộ - rất quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, vận động bà con làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, bà Võ Thị Lý - Bí thư Đảng ủy xã Ái Thượng cho hay.

Cuối năm nay, Ái Thượng sẽ tiến thẳng từ xã 135 lên xã nông thôn mới. “Thành công này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, tính tiền phong gương mẫu, trách nhiệm của đảng viên; tinh thần “thay đổi cách nghĩ, cách làm”, sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ lãnh đạo, từ đó thay đổi nhận thức của người dân trong tư duy phát triển kinh tế”, bà Võ Thị Lý nhấn mạnh.

Giảm nghèo - không chạy theo con số ảo

Trên dòng sông Mã đoạn chảy qua xã Ái Thượng, cách vài trăm mét là có một lồng bè nuôi cá. Thế nhưng ngoài tiếng cá quẫy thì cả khoảng sông mênh mông tịnh không một bóng người.Phải mất một lúc lâu, chúng tôi mới gặp chị Nguyễn Thị Hiển (ở thôn Giổi) cầm bó lá mía ra bè cho cá ăn. Nghe chúng tôi thắc mắc việc những lồng bè cá ở đây không có ai trông coi, chị Hiển cho hay: “Nuôi cá lồng không bị mất nhân công. Người nuôi chỉ cần tranh thủ một lúc vào buổi sáng và chiều tối đến cho cá ăn, còn lại vẫn đi làm việc khác được”.

Phát triển nghề nuôi các lồng theo hướng bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo.

Năm 2013, chị Hiển bắt đầu nuôi cá lồng. Ban đầu chị nuôi 2 bè nhỏ. Đến nay, chị đã có 4 lồng cá, chủ yếu là trắm cỏ, mỗi lồng 500 con. Thời gian một lứa cá từ cá giống nhỏ bằng ngón tayđến khi cho thu hoạch khoảng gần 2 năm, khi ấy, cá nặng chừng 4kg. Do nuôi kế lứa nên năm nào chị cũng có cá xuất bán. Chị Hiển cho hay: “Nuôi cá lợi nhuận không cao nhưng tận dụng được thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập. Mỗi bè sau khi trừ chi phí, tôi có lãi khoảng 10 triệu đồng. Nếu không xảy ra rủi ro làm cá chết thì mỗi lứa cá nuôi 20 tháng, tôi có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng. Nhờ nuôi cá nên gia đình tôi từ hộ cận nghèo nay thành hộ khá”.

Mô hình nuôi cá lồng của người dân xã Ái Thượng là một minh chứng cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện ở địa phương của huyện Bá Thước. Ngoài đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tạo đột phá trong công tác thoát nghèo bền vững, huyện Bá Thước còn quan tâm đến việc đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2023, huyện Bá Thước đã được phân bổ gần 2,5 tỷ đồng để thực hiện Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững, phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện nay, dự án này đang phát huy hiệu quả góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Nhân nói về câu chuyện người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ông Mai Đức Quý, Phó Phòng LĐ-TB&XH dẫn chúng tôi tới Trung tâm ngoại ngữ Việt Anh ở xã Điền Lư. Đến nơi, trời đã xẩm tối nhưng anh Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm - vẫn nán lại lớp học để kiểm tra các thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy. Anh cho hay, năm 2010, anh đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hàn Quốc. Sau hơn 4 năm, Dũng về nước với vốn tiếng Hàn giỏi, anh quyết định dạy tiếng Hàn cho những người muốn đi XKLĐ. Với tỷ lệ thi đỗ lên tới hơn 90%, học viên còn được Dũng hướng dẫn làm hồ sơ, khám sức khỏe. Tiếng lành đồn xa, học viên theo học tiếng Hàn ở Trung tâm ngày một tăng. “Tôi được Phòng LĐ-TB&XH và Phòng Giáo dục của huyện và xã hỗ trợ, tạo điều kiện từ việc cấp giấy phép mở Trung tâm đến quá trình hoạt động. Từ khi đi vào hoạt động (năm 2017) đến nay, Trung tâm đã đào tạo cho lao động địa phương trên 1 nghìn học viên đi XKLĐ”, Dũng chia sẻ.

Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh thu hút nhiều học viên học tiếng để đi XKLĐ tại Hàn Quốc.

Ông Mai Đức Quý cho hay, huyện Bá Thước đánh giá rất cao mô hình dạy ngoại ngữ này. Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh hỗ trợ hiệu quả cho lao động địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm tại chỗ cho các lao động khác (là giáo viên). Vì vậy, huyện khuyến khích Trung tâm tiến tới dạy tiếng của những nước có nhiều lao động Việt Nam.

Triển khai đồng bộ ​​các chương trình MTQG ​​để thoát nghèo

Cùng với việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Bá Thước xác định đầu tư, xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp hiệu quả giúp xóa đói, giảm nghèo, là “đòn bẩy” để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương bền vững. Ông Trần Duy Tiến, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bá Thước cho biết: “Thực hiện chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch, hiện nay, nhiều công trình giao thông trên địa bàn được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa, là điều kiện tốt để nhân dân giao thương, phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo”.

Với việc triển khai đồng bộ các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới, các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo đã phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân huyện Bá Thước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,8 triệu đồng/người/năm.

3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Bá Thước giảm còn 17,58%, hộ cận nghèo còn 21,82%. Huyện đang phấn đấu trong 2 năm 2024 và 2025, giảm số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 5.400 hộ (giảm 42,33%) để đạt chỉ tiêu. Dự kiến 2/2 chỉ tiêu của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đến năm 2025 sẽ đạt kế hoạch đề ra và Bá Thước thoát khỏi huyện nghèo. “Kết quả này cho thấy, khi có sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy Đảng, coi giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm thì công tác giảm nghèo sẽ đạt kết quả khả quan. Câu chuyện thoát nghèo không phải một sớm một chiều mà là cả hành trình phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện. Trên hành trình đó, Nhà nước là chất xúc tác, còn người dân là chủ thể, đóng vai trò quyết định. Bên cạnh đó, người đứng đầu phải vận động để cấp ủy, chính quyền xã, thôn cho đến người dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm, tự vươn lên thì mới thoát nghèo bền vững được. Nếu chỉ trông chờ vào các dự án đầu tư công của nhà nước thì khi hết dự án sẽ lại trở lại vạch xuất phát ban đầu”, ông Phạm Đình Minh - Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các MTQG giảm nghèo bền vững huyện Bá Thước nhấn mạnh.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận