Du lịch cộng đồng tại Việt Nam được đánh giá là “mỏ vàng”, hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch và người dân tại các địa phương.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cần có định hướng, kế hoạch phát triển bài bản, nâng cấp cơ sở hạ tầng và có chính sách phù hợp hỗ trợ người dân phát triển du lịch một cách bền vững.
Nhiều tiềm năng nhưng thiếu nguồn lực
Nhìn lại hành trình sau hơn 20 năm du nhập vào Việt Nam, thời kỳ đầu, du lịch cộng đồng gắn với mục đích xóa đói giảm nghèo, lấy du lịch làm công cụ giúp cho người dân tăng thêm thu nhập, ổn định công ăn việc làm. Tuy nhiên hiện nay, cách thức xây dựng mô hình này đã được đổi mới rất nhiều.
Trái ngược với định nghĩa trước kia rằng du lịch cộng đồng là phục vụ du khách có mức chi trả thấp, thu nhập của người dân chủ yếu đến từ cung cấp dịch vụ ăn, ngủ với giá rẻ, du khách sử dụng sản phẩm du lịch cộng đồng trong thời kỳ mới có nhu cầu lớn về trải nghiệm du lịch, họ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ cao cấp. Nên thay vì chỉ khai thác trên chính ngôi nhà, thửa ruộng, mảnh vườn của mình, các chủ homestay cần biết kết hợp với doanh nghiệp trong thu hút khách, khai thác nhiều hình thức trải nghiệm văn hóa cộng đồng... trên cơ sở phân chia hài hòa lợi ích. Đó là cách vừa giữ gìn, lan tỏa được văn hóa bản địa, vừa phát triển được du lịch cộng đồng một cách bền vững.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Rustic Hospitality Group, du lịch cộng đồng hiện nay thường do các tổ chức phi chính phủ hoặc chính phủ tài trợ trong thời hạn 3-5 năm. Do đó, sau quá trình này, chất lượng dịch vụ của mô hình này thường suy giảm và mai một dần theo thời gian. Các mô hình du lịch cộng đồng khó có thể tự thực hiện chiến dịch quảng bá, tiếp thị lớn nhằm thu hút khách, do không đủ năng lực và thiếu kinh phí.
Theo giới chuyên gia, việc thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế và hạ tầng cho các doanh nghiệp để tham gia phát triển du lịch cộng đồng hiện nay là một trong những rào cản lớn để phát triển loại hình du lịch này. Việc thiếu sự phối hợp và gắn kết giữa các bên liên quan khiến cho ngành Du lịch phát triển manh mún, ảnh hưởng xấu đến chất lượng của các sản phẩm du lịch cộng đồng… dẫn đến thực trạng phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Hình thành làng nghề du lịch cộng đồng
Ngày 30/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ban hành quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Quan điểm chính của Đề án là phát triển du lịch cộng đồng bền vững, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội; phát huy giá trị lợi thế tự nhiên, tài nguyên, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa, cảnh quan, không gian và bảo vệ môi trường.
Phát triển du lịch cộng đồng cần gắn với thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực, đặc trưng của mỗi địa phương, đảm bảo chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; huy động các nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển tại các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo; lồng ghép với các nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về: xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021- 2025; định hướng phát triển hình thức du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hoá, tiến tới hình thành Làng nghề du lịch cộng đồng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của quốc tế và tiêu chuẩn du lịch cộng đồng của ASEAN.
Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam đề ra các mục tiêu và 7 nhóm giải pháp thực hiện cụ thể. Trong đó, cần nghiên cứu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc đầu tư hỗ trợ khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển hoạt động du lịch cộng đồng.
Đề án cũng đề ra giải pháp về thị trường, xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch từ thị trường mục tiêu.
Liên quan tới quy hoạch, khuyến khích đầu tư, Đề án nhấn mạnh việc tổ chức quy hoạch không gian các điểm du lịch cộng đồng, hỗ trợ bảo tồn, khôi phục văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc bản địa; phát triển làng nghề gắn với giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển du lịch cộng đồng; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng trên cơ sở giữ gìn truyền thống gia đình, dòng tộc và khai thác truyền thống văn hóa của địa phương; duy trì môi trường sống và sinh hoạt bình thường của cộng đồng dân cư; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo tồn văn hóa trong hoạt động du lịch cộng đồng.
Việc thực hiện đề án cần tập trung vào giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thành lập ban quản lý và các nhóm chuyên môn như nhóm ứng phó khẩn cấp, nhóm giám sát an toàn và vệ sinh, nhóm hướng dẫn viên, nhóm văn nghệ, nhóm nấu ăn…, xác định rõ ràng nhiệm vụ và vai trò của các thành viên trong các nhóm.../.
“Phát triển du lịch cộng đồng cần dựa nhiều vào việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương hiện nay chưa có nguồn lực để đầu tư khôi phục các làng nghề truyền thống, các khu triển lãm, trưng bày hiện vật văn hóa địa phương, khu bán hàng lưu niệm cho khách du lịch nhằm phát huy tốt sản phẩm du lịch của địa phương”.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà
|