Để ẩm thực trở thành 'mỏ vàng' của du lịch Việt Nam

Thủ đô Hà Nội lại một lần nữa được chuyên trang du lịch Tripadvisor vinh danh top những nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới

 

Sau hai năm Michelin Guide vinh danh các nhà hàng, quán ăn tại Việt Nam, mới đây, Thủ đô Hà Nội lại một lần nữa được chuyên trang du lịch Tripadvisor vinh danh top những nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới. Đây là một vinh dự lớn, là cơ hội để quảng bá ẩm thực với thế giới, mở ra nhiều tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam.

Nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội lọt vào danh sách của Tripadvisor. Thủ đô Hà Nội từng giành vị trí dẫn đầu trong hạng mục “Điểm đến ẩm thực” trên Tripadvisor Travelers’ Choice Best of the Best, giải thưởng thường niên được trao dựa trên đánh giá và ý kiến của cộng đồng trong khoảng thời gian 12 tháng

Trước đó, tờ Telegraph của Anh từng vinh danh Hà Nội là một trong những thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn. Nhiều món ăn được các trang du lịch nước ngoài vinh danh, đưa vào cẩm nang du lịch cho du khách khi đến Hà Nội. Kênh truyền hình CNN đã từng xếp phở vào top các món ăn phải thử và nằm trong danh sách top 50 món ăn ngon nhất thế giới. Hay kênh truyền hình National Geographic từng tôn vinh bún chả là một trong 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Phở Hà Nội vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Hà Nguyên

Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị đặc biệt của Việt Nam, nhất là các giá trị về ẩm thực, đặc sản…, đến nay, VietKings đã đề cử và chính thức được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận 50 kỷ lục trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị ẩm thực châu Á”. Đơn vị này vẫn đang tiếp tục hành trình tìm kiếm và quảng bá sức hấp dẫn của ẩm thực Việt đến bạn bè thế giới.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố tại Hội thảo “Việt Nam - hành trình trở thành ‘Kinh đô ẩm thực’ của thế giới” hồi tháng 7 vừa qua, Việt Nam với kho tàng trên 3.000 món ăn đa dạng, nghệ thuật chế biến độc đáo, mang đậm bản sắc đặc trưng của các vùng miền trong cả nước, có nhiều lợi thế trở thành “Kinh đô ẩm thực” của thế giới.

“Mỏ vàng” của du lịch Việt

Nghiên cứu của TAB và SSTP (Dự án du lịch bền vững của Thụy Sĩ) mới đây chỉ ra 3 lý do chính để thu hút khách du lịch đến Việt Nam đó là: sự đa dạng văn hóa và các di sản văn hóa của đất nước (87,5%); thiên nhiên và kỳ quan thiên nhiên (62,5%); món ăn và ẩm thực (58,3%). So với các nước trong khu vực, Việt Nam có thế mạnh về văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và ẩm thực hấp dẫn du khách.

Ẩm thực có vai trò quan trọng trong việc tạo nên cảm xúc cho du khách ở mỗi điểm đến

Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch ẩm thực thế giới (World Food Tourism Association - WFTA), có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25 - 35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch.

Theo các công ty du lịch, lữ hành, chi tiêu bình quân một ngày của du khách tại Việt Nam giai đoạn sau Covid-19 từ 80 - 140 USD, cao hơn nhiều so với trước. Phân tích cơ cấu chi tiêu của du khách, nền tảng thanh toán Payoo cho biết, tỷ trọng chi tiêu cho dịch vụ ăn uống khoảng 40%; cho thời trang, mỹ phẩm 14%; cho nữ trang và đồng hồ xấp xỉ 12%; cho nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi hơn 10%.

Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa có nhiều địa chỉ cho du khách tiêu tiền khi nhìn vào cơ cấu chi tiêu, số tiền du khách chi tiêu vẫn thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc... Còn ít du khách chi tiền cho các hoạt động vui chơi, giải trí, trong khi các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, chi phí cho hoạt động vui chơi, giải trí chiếm 40 - 50%, thậm chí đến 60 - 70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch.

Tờ Telegraph của Anh từng vinh danh Hà Nội là một trong những thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn. Ảnh: Hà Nguyên

Nhấn mạnh yếu tố văn hoá

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định, văn hóa ẩm thực là dòng văn hóa chủ đạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu du lịch quốc gia. Đây có thể xem là thế mạnh để thu hút du khách đến trải nghiệm và thưởng thức.

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng Thư ký Liên chi Hội đầu bếp Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ẩm thực là thế mạnh của rất nhiều nước, không riêng gì Việt Nam, bởi ẩm thực gắn liền với văn hóa của một quốc gia.

“Tiềm năng du lịch ẩm thực thu hút được rất nhiều sự đầu tư cũng như tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Theo nhiều kênh truyền hình và những tạp chí nổi tiếng của thế giới đánh giá và có những khảo sát nghiên cứu thì khách du lịch sẵn sàng có thể chi thêm khoảng từ 25 đến 30% cho các dịch vụ ẩm thực nói chung”, ông Nguyễn Xuân Quỳnh nhấn mạnh.

“Chúng ta nên có một chương trình mang tầm cỡ quốc gia về quảng bá ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt phải xác định được sản phẩm nào là sản phẩm cốt lõi để quảng cáo cho một giai đoạn. Ví dụ khi chúng ta xác định ẩm thực là văn hóa và ẩm thực là một trong những mũi nhọn khác biệt của Việt Nam thì việc đầu tư, hình ảnh phải sâu rộng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Phải có những chương trình đặc biệt về ẩm thực để giới thiệu với bạn bè quốc tế, hay những chương trình giao lưu văn hóa của các đại sứ quán ở các nước thì đây là kênh truyền thông vô cùng hiệu quả. Phải có những chương trình rộng và sâu để nhấn vào những đặc sản, những đặc biệt của ẩm thực Việt Nam”,

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Liên chi Hội Đầu bếp Việt Nam.

Theo GS.TSKH Lưu Duẩn, chuyên gia đầu ngành về công nghệ thực phẩm của Việt Nam, để đưa ẩm thực Việt Nam đến được với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, cần có chiến lược tầm quốc gia về quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, phải xác định được các tiêu chí để phân biệt, so sánh giữa món ăn Việt Nam với các quốc gia khác. Theo đó, GS.TSKH Lưu Duẩn đặt ra 5 tiêu chí để đánh giá đó là: Bổ, lành, ngon, rẻ và tiêu chí thứ 5 nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa truyền thống.

Cục Du lịch Việt Nam đã nhận định nơi nào có dịch vụ ăn uống đặc sắc nơi đó có dấu ấn tốt với du khách, qua đó tạo niềm tin và giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá nghệ thuật ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân và tạo nguồn thu cho địa phương. “Ẩm thực có vai trò quan trọng trong việc tạo nên cảm xúc cho du khách ở mỗi điểm đến. Do đó, nhà hàng, ẩm thực không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội, mà còn đóng góp cho việc xây dựng hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới”, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận