Nam Định coi trọng phát triển du lịch

  • 12/08/2024 09:01:49
  • Vân Hồng - Trần Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Khai thác, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử 'địa linh nhân kiệt', xây dựng các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, bảo tồn thiên nhiên… hiện đại, có kiểm soát chặt chẽ. Đó là mục tiêu nằm trong quy hoạch tỉnh Nam Định 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Chưa có các dự án quy mô, tạo sự đột phá

Nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ trù phú, trong đó thành phố Nam Định từng là một trong ba đô thị đầu tiên của vùng Bắc bộ, là “thủ phủ dệt may” của cả nước, tỉnh Nam Định ở vị trí đầu mối giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy của vùng; đồng thời nằm trên các tuyến hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị quan trọng quốc gia như: cao tốc Bắc Nam, các tuyến Quốc lộ (QL) 21, 21B, 10, 38B; trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Nam Định có nhiều tiềm năng để tham gia vào sự phân công, hợp tác phát triển chung của vùng và cả nước để bứt phá đi lên.

Ông Nguyễn Văn Thư, nguyên Giám đốc bảo tàng tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hội di sản thờ Mẫu tỉnh Nam Định cho biết, tiềm năng du lịch của Nam Định nhất là nguồn tài nguyên về di sản vô cùng phong phú, tiêu biểu cho văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Văn hóa đời Trần ảnh hưởng, định hình Nam Định là kinh đô thứ 2. Tỉnh là một trong 3 đô thị lớn miền Bắc gắn với văn hóa dệt và tín ngưỡng thờ cúng cha mẹ và là vùng công giáo du nhập đầu tiên của Việt Nam nên rất nhiều làng toàn dòng. Nơi đây cũng là đất học đất văn bởi nhà Trần có trường học Văn Hưng, đến thời Nguyễn có trường thi hương Nam Định nổi tiếng, kết thúc nho học Bắc Kỳ ở trường thi hương Nam Định. Hệ thống nhà thờ, hệ thống lưu niệm danh nhân, hệ thống di sản đa dạng.

                           Đền Trần Nam Định                   Ảnh: Trần Hồng

Phát huy thế mạnh về văn hóa, Nam Định đã tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, dịch vụ, văn hóa - thể thao... theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, bứt phá phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược với 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo sẽ hình thành, phát triển gồm: hành lang quốc lộ 10 (thành phố Nam Định - Cao Bồ), hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông), hành lang tuyến đường bộ ven biển (Ninh Bình - Rạng Đông - Giao Thủy - Thái Bình), hành lang thành phố Nam Định - Lạc Quần - Giao Thủy, hành lang cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh. Quy hoạch và hạ tầng giao thông được hoàn thiện đã trở thành tiền đề cho nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn tại Nam Định.

Nhờ đó, lượng khách đến Nam Định có xu hướng tăng. Tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách giai đoạn 2010-2019 đạt 5,9%. Tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu du lịch giai đoạn 2010-2019 đạt 19.6%. Năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch toàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Năm 2022, 2023 lượng khách và doanh thu du lịch đã phục hồi và phát triển. Năm 2023, Nam Định đón 1.772.000 lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ đạt 535 tỷ đồng.

 Những món đặc sản độc đáo tạo sức hút trong du lịch khám phá Nam Định. Ảnh: Trần HồngLãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho biết, cùng với sự đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo đòn bẩy, mở đường cho du lịch phát triển, tỉnh đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, từ việc xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch đến hoạt động thanh tra đôn đốc doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, vận động xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh, ứng xử văn minh; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đào tạo nguồn nhân lực; gắn du lịch với các hoạt động, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, làng nghề; thực hiện cải cách thủ tục hành chính rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân…

Tuy nhiên, Nam Định chưa có các dự án có quy mô, tạo sự đột phá. Sản phẩm du lịch, hình thức quảng bá, xúc tiến chưa phong phú. Các cơ sở kinh doanh chủ yếu quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa cao. Các sản phẩm chủ yếu như du lịch văn hóa tâm linh lễ hội, du lịch biển vẫn theo mùa vụ, nên lượng khách thiếu ổn định, chủ yếu là khách nội địa, khả năng chi tiêu thấp. Sản phẩm khai thác ở dạng tự nhiên, thiếu sức hút. Các điểm tuyến hấp dẫn chưa được kết nối.

Cần giải pháp tích cực, đồng bộ

Để khai thác tiềm năng du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đưa ra giải pháp, cơ sở hạ tầng cần phát triển giúp kết nối các tuyến điểm hấp dẫn, tạo sự đồng bộ. Dịch vụ lưu trú, ăn uống cần được quan tâm phát triển tạo sức hút đối với khách du lịch.

Nam Định tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hoáBà Trần Thị Huệ, Phó Chủ tịch Hội tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Nam Định cho biết: “Chúng tôi tổ chức rất nhiều hội thảo và giao lưu thực hành tín ngưỡng hầu đồng theo lối cổ để khách thập phương hiểu hơn về giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây cũng là cách chúng tôi quảng bá văn hóa Nam Định, tạo ra sự hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế”.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, cần tập trung cơ cấu lại ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đồng bộ. Triển khai phương án phát triển ngành du lịch trong Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nam Định thúc đẩy thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu trên cơ sở tạo điều kiện thu hút đầu tư tư nhân, hợp tác công tư; hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước, cải tạo môi trường…; tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng các khu du lịch sinh thái Núi Ngăm, khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông, Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ; khai thác phát huy giá trị thương hiệu quốc tế của khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh đồng bằng Sông Hồng đối với hệ sinh thái đất ngập nước thuộc huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, phát huy giá trị của sản phẩm du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Nam Định có trên 200 lễ hội truyền thống đặc sắc.    Ảnh: Trần HồngNam Định cũng tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn...; chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, lịch sử, truyền thống; kết hợp với khai thác thế mạnh ẩm thực địa phương, hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Một số thương hiệu đặc thù của Nam Định được xây dựng và khẳng định cùng với việc phát triển du lịch văn hóa, tham quan các di tích lịch sử, tham dự các lễ hội, điểm nhấn là di tích quốc gia.

Cùng với đó, Nam Định chú trọng đào tạo nhân lực ngành du lịch: đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, bồi dưỡng nâng cao năng lực du lịch của cộng đồng địa phương; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Việc thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh giúp cho công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh Nam Định gắn với những di sản văn hóa, kiến trúc, lịch sử, ẩm thực.

Thực hiện chính sách liên kết phát triển vùng, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và quản lý du lịch, xây dựng và khai thác các tour du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, Nam Định phối hợp phát triển với các tỉnh liền kề trong việc xây dựng các điểm, tuyến du lịch gắn với phát huy các giá trị về văn hoá, tài nguyên du lịch.

Nam Định có nhiều quần thể di tích có giá trị như: quần thể di tích văn hoá Trần, quần thể di tích văn hoá Phủ Dầy, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện…Tỉnh có trên 100 làng nghề trong đó có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, ươm tơ Cổ Chất, cây cảnh Vị Khê... Có trên 200 lễ hội truyền thống thu hút đông đảo du khách tham dự.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận