Một vòng cảm xúc Xứ Thanh

Trên chặng đường khám phá quê hương, có lẽ hiếm nơi đâu để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc với những trải nghiệm đa dạng như hành trình khám phá xứ Thanh!

 

Trên chặng đường khám phá quê hương, có lẽ hiếm nơi đâu để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc với những trải nghiệm đa dạng như hành trình khám phá xứ Thanh!

Đi từ phía núi

Thanh Hóa là một trong số ít địa phương có tiềm năng du lịch đa dạng. Từ vùng rừng núi phía tây hoang sơ với khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Mường Lát, đến những bãi biển dài nổi tiếng: Sầm Sơn, Hải Hòa, Hoằng Trường. Những di tích văn hóa lịch sử Quốc gia Lam Kinh, di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ… và đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc từ miền núi, đồng bằng ra tới biển.

Bản làng Pù Luông. Ảnh: Nguyễn Á

Không phải tự nhiên mà trong chuyến đi khám phá một vòng xứ Thanh, chúng tôi lại chọn tuyến mở đầu là đường Hồ Chí Minh. Bởi lẽ đây không chỉ là tuyến đường huyền thoại, mà với những người yêu du lịch khám phá, mọi người đều muốn bắt đầu chuyến đi bằng những điều mới mẻ.

Có mặt tại điểm đến đầu tiên của hành trình, Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Pù Luông (huyện Bá Thước) vào lúc chiều đã muộn, cảm xúc ngày đầu tiên cho dù là rất đẹp nhưng vẫn có đôi chút luyến tiếc khi nhìn những thửa ruộng bậc thang xếp hình lên núi đã nhạt ánh mặt trời. Tuy nhiên, với những thành viên trong đoàn chúng tôi, chút luyến tiếc này sẽ là cái cớ để kéo chúng tôi quay lại Pù Luông trong một hành trình khác không xa.

Thiếu nữ dân tộc Thái bên những guồng nước ở Pù Luông. Ảnh: Nguyễn Á

Chặng trekking lên núi để tới điểm dừng chân Bản Hiêu dài chừng hơn 4km. Bản Hiêu nằm cách trung tâm khu bảo tồn, xã Son-Bá-Mười, chừng hơn 6km. Đây là điểm đến mới của những người yêu du lịch khám khá đến với Bá Thước. Nơi đây có khung cảnh mộng mị của một vùng núi rừng còn hoang sơ, lại có thác Hiêu 4 tầng nằm xen giữa bản và những thửa ruộng bậc thang, là nơi du khách có thể thoải mái hòa mình vào dòng nước mát, trốn cái nóng của mùa hè giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Bản Hiêu là một bản người Thái nằm bên bờ suối Hiêu bắt nguồn từ trên đỉnh Pù Luông. Bản gồm hơn trăm nóc nhà nằm rải rác dọc theo hai bên bờ suối. Cứ mỗi khi có một ghềnh thác đẹp, những nóc nhà sàn lại dày hơn tạo nên khung cảnh suối thác - nhà sàn đẹp như trong tranh thủy mặc. Cả khúc suối tính từ đầu bản cho đến cuối bản chỉ chừng gần cây số nhưng có tới 5 thác nước, thác nào cũng đẹp mộng mơ, nên thơ mà chẳng có thác nào giống thác nào. Người dân trong bản cũng bởi vậy mà gọi chung tất cả những thác nước ấy là thác Hiêu, và thân thương gọi con suối ấy là “dòng Hiêu” chứ không gọi là suối Hiêu như cách thông thường.

Hòa mình vào dòng nước mát trong khi chờ gia chủ chuẩn bị bữa cơm truyền thống địa phương với món đặc sản: Vịt Cổ Lũng, cá nướng Pá Pỉnh, xôi… và tất nhiên không thể thiếu ly rượu thóc đậm đà. Rồi đến cuối bữa, khi hơi rượu đã nồng, mâm bát đã được dọn đi, một vò rượu cần lớn bày ra khoảng sân rộng trước nhà sàn, đội văn nghệ bản Hiêu thướt tha váy cóm truyền thống giao lưu cùng du khách trong tiếng nhạc lúc rộn ràng, khi dìu dặt. Đêm buông xuống lẫn trong tiếng thác, điệu xòe mộng mị, ngẩn ngơ.

Suối cá thần Cẩm Lương. Ảnh: Nguyễn Á

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là suối Cá thần Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc) nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, thuộc huyện miền núi Cẩm Thủy - một dòng suối kỳ lạ với hàng ngàn con cá lớn nhỏ chả bao giờ bơi đi chỗ khác, cứ chen chúc miệt mài ngược dòng nước ngọc trong veo rúc vào khe đá.

Có câu chuyện kể rằng: “Xưa, vào một năm thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, mất mùa, người dân vô cùng túng khó. Có hai vợ chồng trong bản hiếm muộn con, đi làm đồng về và nhặt được quả trứng có hình thù lạ. Người vợ đem quả trứng ra suối Ngọc thả xuống nhưng quả trứng không chịu rời khỏi tay. Hai vợ chồng quyết định đem quả trứng về nhà đặt vào ổ gà đang ấp, trứng lại nở ra một con rắn. Sợ quá người chồng đem con rắn ra suối Ngọc thả, nhưng đến tối con rắn lại bò về. Sau đó, họ quyết định để con rắn ở lại cùng với gia đình. Thật bất ngờ từ đó đồng ruộng, hoa màu luôn tốt tươi, nước nôi ăm ắp, đời sống nhân dân ấm no. Và chàng rắn này đã trở thành vị cứu tinh được mọi người tôn sùng. Đến một hôm trời nổi giông, bão, sấm chớp, mọi người thấy xác rắn nằm bên núi Trường Sinh. Thương tiếc cho rắn, mọi người đem xác chôn dưới chân núi Trường Sinh và lập đền thờ gọi là Ngọc Từ. Từ đó ở suối Ngọc dưới chân núi Trường Sinh xuất hiện đàn cá thần luôn quây quần trước đền Ngọc Từ để hầu hạ chàng rắn…”.

Đến thăm di sản

Từ Suối cá thần Cẩm Lương, chúng tôi hạ thấp độ cao, tiến về vùng đồng bằng rộng lớn là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến trong lịch sử đất nước. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh rộng 200ha thuộc huyện Thọ Xuân là nơi người anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ. Thọ Xuân là nơi phát tích của nhiều dòng họ đế vương, trước là vua Lê Hoàn (thời tiền Lê) và sau đó là Lê Lợi (thời hậu Lê).

Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Ảnh: Nguyễn Á

Bia Vĩnh Lăng, một trong những tấm bia lớn nhất cả nước, được công nhận là bảo vật Quốc gia. Bia mô tả ngắn gọn, cô đọng gia tộc, thân thế, sự nghiệp công lao của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn. Nhà bia được dựng lại năm 1961. Nền nhà có hình gần vuông, mỗi cạnh là 8,80m. Nhà có 4 mái cong lợp ngói mũi hài, dưới được đỡ bằng 16 cột, mỗi góc 4 cột.

Từ Thọ Xuân, chúng tôi tiếp tục hành trình đến thăm Di sản Văn hóa thế giới - Thành nhà Hồ - được UNESCO công nhận vào tháng 6/2011, thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, rộng 5.234ha với rất nhiều khối kiến trúc chính. Tòa thành đá 600 năm tuổi này khiến bất kỳ ai đến thăm đều xuýt xoa khen ngợi bởi kiến trúc độc đáo và bền vững của nó với nguyên vẹn bốn cổng thành đứng sừng sững. Vẻ đẹp của Thành nhà Hồ từng được nhiều tờ báo nước ngoài ca ngợi: “Công trình được xây dựng trong 3 tháng, ghép các viên đá lại với nhau mà không hề dùng vữa này là một thành tích ấn tượng của kỹ thuật xây dựng thế kỷ 15”.

“Bay” ra biển

Chặng cuối hành trình xứ Thanh của chúng tôi là một điểm đến du lịch biển mới mẻ nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, Hoằng Trường. Nơi đây không chỉ có những bãi biển dài mát mẻ, hải sản tươi ngon, mà hơn thế, Hoằng Trường còn là nơi để du khách có thể trải nghiệm một môn thể thao mạo hiểm vô cùng hấp dẫn, đó là bay dù lượn.

Bay dù lượn trên bãi biển Hoằng Trường, Hoằng Hóa. Ảnh: T.C

Với những người yêu du lịch, khám phá và trải nghiệm, dù lượn không đơn giản là một môn thể thao hàng không độc đáo mà đó còn là một phương tiện để thỏa mãn nhu cầu khám phá trải nghiệm và tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước ở những góc nhìn đặc biệt không dễ có từ trên cao. Đặc biệt hơn nữa là cảm giác được bay, được thăng hoa và hòa mình vào trong không gian rộng lớn, bao la đất trời như những chú chim trên đôi cánh lụa thì quả là một điều vô cùng đặc biệt đối với bất cứ ai.

“Được hòa mình vào một không gian bao la, bồng bềnh, nhẹ trôi như những đám mây trên bầu trời; Được thỏa sức ngắm nhìn không gian từ trên cao tít và mọi thứ bên dưới đều trở nên nhỏ xíu; Được cảm nhận và chụp lại những bức ảnh từ góc nhìn không ai có... Thực hiện được những điều trước kia mình chỉ có thể thấy qua những hình ảnh chia sẻ trên phim ảnh. Thỏa mãn những ước mơ được bay lên cùng cảm xúc không giới hạn” - đó là cảm xúc của một du khách từng trải nghiệm bay đôi dù lượn ngắm cảnh biển Hoằng Trường./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận