Thọ Xuân, Thanh Hóa: Đền thờ Lê Hoàn đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

Lễ hội Lê Hoàn (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) được tổ chức hằng năm với quy mô cấp tỉnh, nhằm tưởng nhớ vị vua Lê Đại Hành (tên úy là Lê Hoàn) - người đã lãnh đạo nhân dân đánh tan quân xâm lược nhà Tống năm 981.

 

Lễ hội năm nay vinh dự đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn và đón nhận quyết định công nhận điểm du lịch cấp tỉnh. Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.

Quần thể những công trình kiến trúc thờ tự

Huyện Thọ Xuân là vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, là quê hương của nhiều danh nhân, hào kiệt. Đặc biệt là vùng đất phát tích của hai vương triều Tiền Lê và Hậu Lê. Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân là một quần thể những công trình kiến trúc thờ tự, tưởng nhớ liên quan đến Lê Hoàn và những bậc sinh thành nuôi dưỡng ông.

Năm 1990, đền thờ Lê Hoàn được công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Cuối năm 2018, đền thờ Lê Hoàn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội Lê Hoàn năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 10 - 12/4 (tức từ ngày 6 - 8/3 năm Kỷ Hợi) được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh. Lễ hội năm nay vinh dự đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn.

Lễ hội Lê Hoàn năm 2019, vinh dự đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn.

Đền thờ Lê Hoàn là nơi bảo tồn, lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và quê hương làng Trung Lập của anh hùng dân tộc Lê Hoàn. Đền Lê Hoàn là công trình kiến trúc ở thế kỷ XVII còn được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh. Đặc biệt trong đền còn giữ được nhiều hiện vật như: Đỉnh đồng; bình hương đồng màu đen có khắc chữ: “Thiên cổ”; những chiếc bình bằng sứ; 5 chén bạc, ống đựng đũa; một bức họa chân dung Lê Đại Hành, tương truyền do thợ Trung Quốc vẽ; 14 đạo sắc phong của các đời vua từ 1674 - 1887 và một chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng Lê Hoàn. Khu vực đền thờ Lê Hoàn có tổng diện tích gần 4ha, rộng 13 gian, có sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường và hậu cung. Đền có kiến trúc chữ “công”, trên nóc tiền đường có 10 con nghê bằng đất, được nung thành sành, màu đen, tựa đồng hun. Ở điểm chót của mỗi đầu đao đều gắn một con trong dáng ngồi thu gọn như đang chầu.

Trong số những hiện vật quý giá tại đền thờ Lê Hoàn còn có hai tấm bia đá cổ được dựng lên dưới thời Lê Trung Hưng. Một bia nhỏ dựng năm 1602 thời Hoằng Định khắc ghi ruộng đất hương hỏa thờ cúng vua nhà Tiền Lê. Tương truyền, dưới thời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông cùng với việc cho xây dựng đền thờ khang trang còn cấp cho địa phương 67 mẫu công điền để nhân dân trồng trọt, hương hỏa thờ cúng. Bia thứ hai là “Lê Đại Hành Hoàng đế miếu điện bia” khắc ghi công đức, sự nghiệp của đức vua Lê Đại Hành trong thời gian trị vì. Cả hai bia đá cổ đều được chạm khắc hoa sen tinh xảo, tỉ mẩn, vô cùng đẹp đẽ.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân, hiện nay tượng thờ đức vua Lê Hoàn được đúc bằng đồng, thay thế tượng gỗ. Kinh phí đúc tượng đức vua Lê Hoàn từ nguồn xã hội hóa và huy động hợp pháp khác. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc anh hùng dân tộc Lê Đại Hành hoàng đế, tôn vinh công lao to lớn của đức vua Lê Hoàn, góp phần nâng cao giá trị của khu di tích đền thờ Lê Hoàn, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân.

Đưa sản vật địa phương vào lễ hội

Theo đó, Lễ hội Lê Hoàn 2019 còn đón nhận Quyết định công nhận điểm du lịch cấp tỉnh đối với Đền thờ Lê Hoàn. Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Trong khuôn khổ 3 ngày diễn ra lễ hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như: Hội chợ quê gồm các gian hàng sản phẩm du lịch - văn hóa, các đặc sản của địa phương như bánh răng bừa, bánh gai, nem chua, bánh chưng nung, kẹo lạc, hàng thủ công mỹ nghệ; tổ chức trò diễn Xuân Phả và các tiết mục văn nghệ đặc sắc của các dân tộc như nhảy sạp, múa Pồn Pôông; giao lưu văn nghệ quần chúng...

Giới thiệu về những sản vật của địa phương, ông Phạm Văn Luận, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lập cho biết: Trước kia, bà con trong vùng thường làm những sản vật bằng đôi tay khéo léo của mình để dâng lên vua như cốm, bánh chưng nung, bánh răng bừa, xôi nén... và cho đến ngày nay, dân địa phương vẫn giữ được truyền thống làm những món ăn ấy, đặc biệt là bánh chưng nung và bánh răng bừa. Chiếc bánh chưng bình thường sau khi đã gói xong chỉ cần cho vào nồi, đổ nước và nấu trên bếp củi khoảng 8 - 10 tiếng, nhưng chiếc bánh chưng nung của xã Xuân Lập được làm khá cầu kỳ, nhất là công đoạn làm chín. Bánh sau khi gói được xếp vào chum sành, đặt trong chiếc lò đắp bằng gạch chỉ, xung quanh lò chỉ bỏ chấu, cứ thế nung trong 48 tiếng cho đến khi bánh thật dền rồi mới bắc ra. Chính vì cầu kỳ đến thế nên ngày nay chỉ những ngày lễ hội, khai xuân, xã Xuân Lập mới tổ chức làm loại bánh này.

Còn bánh răng bừa hiện nay đã trở thành món ăn thân thuộc của người dân xã Xuân Lập, nhất là thôn Trung Lập. Cả thôn có hàng trăm hộ làm bánh, cung cấp cho bà con trong vùng và những vùng phụ cận. Nhiều gia đình làm đến 2 - 3 nghìn chiếc/ngày, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ trong làng mỗi lúc nông nhàn, cho thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng. Bà con, du khách về thăm đền thờ Lê Hoàn, thăm quê hương cũng không quên mua loại bánh này để làm quà cho người thân, bạn bè.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận