Làng Đại Bái, xưa có tên gọi là làng Văn Lãng hay làng Bưởi, nằm bên bờ Bái Giang, thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Nhiều chủ cửa hàng ở phố Hàng Đồng trong khu phố cổ Hà Nội ngày nay chuyên buôn bán đồ đồng gia dụng mỹ nghệ có nguồn gốc là dân làng Đại Bái.
Làng Đại Bái từ lâu nổi tiếng với nghề gò, đúc đồng thủ công. Sau nhiều thế kỷ thăng trầm với nghề, Đại Bái ngày nay được biết đến là một làng nghề truyền thống phát triển mạnh mẽ, với những sản phẩm đa dạng, từ những sản phẩm đúc, gò đồng đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đến những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo nức tiếng gần xa, có giá trị kinh tế lớn, giúp làng nghề ngày một “thay da đổi thịt”.
Trò truyện với các cụ cao niên trong làng, được biết, vào đầu thế kỷ XI, nhờ công của ông Nguyễn Công Truyền mang nghề gò đồng truyền dạy cho người dân Đại Bái mà dần trở thành nghề chính của làng. Sau khi ông mất, dân làng đã tôn vinh ông là tổ nghề. Thế hệ thứ 2 của làng nghề có 5 cụ đỗ đạt tiến sĩ, làm quan trong triều, quan tâm đến nghề của quê hương đã tổ chức thành lập các phường hội làng nghề, đi vào chuyên môn hóa. Kể từ đó, 4 xóm trong làng làm 4 sản phẩm khác nhau: Xóm Ngoài gò nồi đồng; Xóm Tây làm mâm, chậu; Xóm Giữa làm cái siêu đun nước và niêu con; Xóm Sơn làm âu đựng trầu và các loại đồ thờ. Đến nay, xóm Sơn vẫn phát triển làm đồ thờ, chạm khảm tam khí, tranh chạm nổi, tượng thờ và nhiều sản phẩm mỹ nghệ khác. Ngày nay, dù đã có sự thay đổi, đưa các máy móc, khoa học vào nghề, nhưng 4 thôn vẫn phân nghề theo truyền thống xưa.
Nếu trước kia, Đại Bái chỉ sản xuất các đồ thờ cúng thì nay đã chuyển sang các mặt hàng như: các loại tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh tứ quý, bình hoa, các bộ đồ trà, các bộ đờ thờ, tranh chạm khảm… đòi hỏi kỹ thuật, mỹ nghệ cao, được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước ở khu vực châu Á, Đông Nam Á./.