'Để mỗi tác phẩm đều góp phần thay đổi tích cực cho cộng đồng'

Mỗi tác phẩm phát thanh là một hành trình khám phá và chia sẻ, là con người, sự việc không bao giờ lặp lại, là một câu chuyện mới mẻ, độc đáo...

 

“Để mỗi tác phẩm đều góp phần thay đổi tích cực cho cộng đồng” là điều tâm huyết của nhà báo Lê Kiều Oanh, Đài Phát thanh - Truyền hình (Đài PT-TH) tỉnh Lâm Đồng. Mỗi tác phẩm phát thanh là một hành trình khám phá và chia sẻ, là con người, sự việc không bao giờ lặp lại, là một câu chuyện mới mẻ, độc đáo, có ý nghĩa thực sự đối với người nghe.

Đâu là giá trị thực?

Đây là câu hỏi được đặt ra trong tác phẩm “Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, đâu là giá trị thực” của nhóm tác giả Ngọc Dũng - Anh Đào, Đài PT-TH Nghệ An mang đến Liên hoan Phát thanh (LHPT) toàn quốc lần thứ XVI năm 2024, loại hình phát thanh trực tiếp. Đây cũng đồng thời là câu hỏi được đặt ra trong nhiều vấn đề kinh tế - xã hội được nêu tại các tác phẩm báo chí ở nhiều loại hình khác nhau tham gia liên hoan. Và câu hỏi này cũng xảy ra với chính những người làm báo.

Nhóm tác giả chia sẻ: Câu chuyện về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thực sự đã gây nên những phản ứng trong dư luận khá gay gắt, và có lý, đặc biệt là đối với những công chức, viên chức nhà nước thuộc diện “phải có” theo yêu cầu.

Bởi thực tế, việc học và thi lấy các loại chứng chỉ này đang được thực hiện rất hình thức, qua loa, gây tốn kém và lãng phí lớn về tiền bạc, thời gian, công sức,... của rất nhiều người. Ấm ức nhưng không phải ai cũng dễ dàng nói ra, bởi suy nghĩ “im lặng cho lành”.

“Điều này cũng xảy ra đối với chính chúng tôi, những người làm báo. Đó chính là động cơ, cơ hội và cũng là trách nhiệm để chúng tôi đi sâu phân tích đề tài này trong một chương trình phát thanh trực tiếp, với những nhận định chuyên sâu từ các chuyên gia trong lĩnh vực hành chính nhà nước; với nghĩ suy và phát biểu, trò chuyện thẳng thắn của nhiều người làm báo trên khắp cả nước”.

Mong muốn của nhóm tác giả là góp một tiếng nói để đưa việc bồi dưỡng, đào tạo về với giá trị thực của nó, với hy vọng: “Một xã hội phát triển là một xã hội trọng thực chất, trọng giá trị chứ không phải trọng giấy tờ, chứng chỉ, bằng cấp”.

“Nếu quan tâm tới vấn đề tận cùng, nhà báo không chỉ sẽ có được những tác phẩm báo chí tốt, mà điều tốt hơn là giá trị tích cực của nó đối với đời sống xã hội”, nhà báo Ngọc Dũng, chia sẻ.

Ở một thể loại khác, tác phẩm “Oh Mi Kơ Ho Coffee - Cà phê của tình anh em” của nhóm tác giả đến từ Đài PT-TH Lâm Đồng phỏng vấn về mô hình sản xuất cà phê hữu cơ độc đáo của Tổ hợp tác Oh Mi Kơ Ho, được thành lập bởi sáu người phụ nữ K’Ho đầy nghị lực tại xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Họ đã tiên phong chuyển đổi mô hình canh tác cà phê truyền thống sang hướng hữu cơ sinh thái, gìn giữ hương vị cà phê nguyên bản và bảo vệ môi trường, đồng thời xây dựng thành công thương hiệu cà phê sạch “Oh Mi Kơ Ho”.

“Mong muốn của chúng tôi là đưa câu chuyện của họ đến với đông đảo khán, thính giả trên cả nước. Qua tác phẩm, chúng tôi muốn giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê hữu cơ tâm huyết, gắn liền với đời sống người K’Ho và những người trồng cà phê ở Lâm Đồng.

Đồng thời, truyền tải thông điệp về sự nỗ lực của những người con gái K’Ho trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa trong phát triển kinh tế cộng đồng và ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời đại công nghệ số”, nhà báo Lê Kiều Oanh chia sẻ về tác phẩm “con cưng” của mình mang đến Liên hoan phát thanh lần thứ XVI.

Đến với liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, nhóm tác giả Phạm Hương - Mai Liên, Đài PT-TH Thái Bình tham gia chương trình phát thanh trực tiếp “Vấn đề hôm nay” với chủ đề “Hành trình thu hút đầu tư - dọn ổ đón đại bàng”.

Câu chuyện thu hút đầu tư với các tỉnh lớn có giá trị hàng tỷ USD vốn không có gì đặc biệt, nhưng lại rất đặc biệt đối với một tỉnh nông nghiệp như Thái Bình. Với sự đoàn kết dám nghĩ dám làm của hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân trong việc hiến đất giải phóng mặt bằng cho dự án, Thái Bình đã có tên trên bản đồ công nghiệp của cả nước. Đây là một sự bứt phá đầy ngoạn mục.

“Thông qua chương trình chúng tôi muốn gửi thông điệp là muốn thu hút đầu tư thì cần phải có những ổ đại bàng lớn, và không gì bằng sự ổn định từ một môi trường an toàn”, nhà báo Phạm Hương, Đài PT-TH Thái Bình chia sẻ.

“Đường về “nhà” - con đường chính nghĩa” vừa là sự khẳng định chắc chắn mà tác giả Trần Lê Dung, Cục Truyền thông Công an nhân dân gửi gắm, đồng thời cũng là tên gọi của loạt phóng sự dài kỳ phản ánh cuộc đấu tranh chống Fulro và những bài học xương máu trong công tác đảm bảo an ninh chính trị ở vùng đất Tây Nguyên. Đây là loạt phóng sự cho chúng ta thấy có những con đường thật gần để đi đến ấm no, hạnh phúc. Đó chính là tình yêu đất đai, núi rừng, yêu lao động... Đó là sự trở về với chính nghĩa của những người từng quay lưng lại với đất nước, với buôn làng.

Đây là đề tài mà tâm đắc và đã trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm phát thanh của nhà báo Trần Lê Dung thông qua những câu chuyện chân thực, cảm động, đầy tính giáo dục và triết lý: Sự quay đầu của những người từng lầm đường lạc lối, những thủ lĩnh Fulro một thời; Con đường thu phục nhân tâm đầy nhân văn và tài trí của những người cán bộ, chiến sĩ an ninh…

Làm báo với tất cả niềm say mê

Nói về loạt phóng sự dài kỳ “Đường về “nhà” - con đường chính nghĩa”, một đề tài đã được tác giả ấp ủ từ lâu, nhà báo Trần Lê Dung chia sẻ: Tôi không gặp nhiều khó khăn khi thực hiện đề tài này, nhưng có những tình huống không được như ý phát sinh.

Ban đầu tôi dự tính đi cùng Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà, Nguyên Phó cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, xuống xã Hà Bầu để thăm và trò chuyện với Jana, người từng giữ chức tỉnh trưởng tỉnh Gia Lai của Fulro và đặc phái viên của Fulro ở Tây Nguyên.

Nhưng khi tôi có mặt ở Gia Lai thì Thiếu tướng Hà lại có việc phải ra Hà Nội. Không thể ghi âm lại cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa 2 con người từng ở 2 chiến tuyến, tôi phải liên hệ kết nối để ghi lại cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa họ.

“Hồi sinh viên, tôi không thích phát thanh và thời đấy chúng tôi chỉ được học phát thanh có 5 đơn vị học trình. Sau này đi làm, tôi học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp rồi làm nhiều, làm mãi cũng thành quen, và thích phát thanh. Thích nhất là khi gặp được đề tài tâm đắc. Lúc đấy có trèo đèo, lội suối... có vất vả đến đâu cũng vui, cũng làm với tất cả bút lực và niềm say mê”, nhà báo Trần Lê Dung chia sẻ.

Giống như nhà báo Trần Lê Dung, nhóm tác giả Ngọc Dũng - Anh Đào cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi đặt vấn đề sẽ thực hiện đề tài liên quan đến vấn đề chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Hầu hết các đồng nghiệp là những nhà báo rất hoan nghênh và ủng hộ chúng tôi. Nhưng khi bắt tay thực hiện, chính những người đồng nghiệp này không trả lời phỏng vấn với lời từ chối khéo “thôi, hỏi người khác đi vậy”.

Chúng tôi hiểu sự từ chối này và thực sự chúng tôi đã buồn, đã gặp khó khăn để tìm kiếm được những người dám nói, dám lên tiếng. Đây lại là tác phẩm tham gia LHPT toàn quốc, nên thử thách và áp lực tăng lên rất nhiều lần.

“Tìm khách mời là một trong những khâu mà tôi thấy đáng nhớ nhất. Chuyên gia về lĩnh vực này không thiếu, nhưng tìm được người vừa có chuyên môn, khả năng nói tốt, vừa có thể sắp xếp lịch trình, thời gian cho phù hợp với lịch lên sóng trực tiếp của chương trình tại Thanh Hóa, lại vừa không ngại đụng chạm là không dễ.

Chúng tôi đã gần như thất bại khi bắt tay thực hiện đề tài này. Tuy nhiên, trong một cuộc họp nhóm, một đồng nghiệp đã động viên: “Đừng bao giờ nghĩ đến từ “Chấp nhận” mà là phải nghĩ là “Vượt qua” khi gặp khó khăn”. Và đúng là lửa, ngọn lửa nghề đã được chúng tôi nhóm lên!”, nhà báo Ngọc Dũng cho biết.

“Để gặp được chị Njan Lum, đại diện tổ hợp tác Oh Mi Kơ Ho Coffee, tôi phải hẹn lịch tới 3 lần. Lịch trình của chị khá dày đặc, do vậy, nhiều lần hẹn gặp của chúng tôi buộc phải hoãn lại vì những công việc đột xuất của chị. Gặp chị Njan Lum lúc đó đang vào mùa nắng nóng, Di Linh đang hạn hán vì thiếu mưa. Buổi trưa hôm ấy, trời nắng như đổ lửa. Khi tiến hành phỏng vấn được khoảng một nửa, bất ngờ trời đổ mưa rào rất to.

Mưa lớn khiến chúng tôi buộc phải tạm dừng ghi âm, nhưng thay vì lo lắng, mọi người đều reo hò phấn khởi vì “rất lâu rồi Di Linh không có trận mưa nào”. Các chị trong tổ hợp tác vui vẻ gọi chúng tôi là “người mang mưa về cho Di Linh”. Với người làm báo phát thanh, có lẽ những kỷ niệm nghề nghiệp như thế này rất khó quên, vừa là niềm vui vừa là động lực để những người làm báo vượt qua khó khăn thách thức, gắn bó với nghề”, nhà báo Lê Kiều Oanh chia sẻ./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận