Phát thanh Việt Nam - Vươn mình trong chuyển đổi số

  • 11/07/2024 12:00:00
  • Quang Tuấn - Thu Thùy
  • Chính trị
  • 0

Điểm nhấn của kỳ Liên hoan Phát thanh lần này; cơ hội, thách thức đối với những người làm phát thanh.

 

Qua 30 năm tổ chức, mỗi lần Liên hoan Phát thanh toàn quốc là một lần biểu dương, tôn vinh những người làm báo phát thanh; đồng thời thể hiện sự vươn mình mạnh mẽ của ngành phát thanh, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Trước thềm Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI - năm 2024 tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI- năm 2024 về ý nghĩa, điểm nhấn của kỳ Liên hoan Phát thanh lần này; cơ hội, thách thức đối với những người làm phát thanh.

Thưa Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ, đã có 15 kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc được tổ chức, điều gì để lại ấn tượng đối với ông?

Liên hoan Phát thanh toàn quốc được tổ chức 2 năm một lần, là ngày hội của những người làm báo phát thanh. Liên hoan Phát thanh toàn quốc được tổ chức tại địa phương nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo các địa phương và đều đã thành công tốt đẹp. Lần nào chúng tôi cũng nhận thấy sự háo hức, tham gia nhiệt tình của đài PT-TH địa phương các địa phương.

Tại vòng sơ khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI - 2024, chúng tôi đánh giá, tác phẩm dự thi có chất lượng tốt, phản ánh đa dạng các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Nghe các tác phẩm phát thanh, chúng ta được cung cấp thông tin, được cảm nhận hơi thở cuộc sống, được nghe “thanh âm cuộc sống”, được phân tích, dự báo các vấn đề, xu hướng kinh tế - xã hội đang diễn ra... Sự miệt mài lao động của các phóng viên, nhà báo phát thanh như những cánh chim không mỏi đáp ứng nhu cầu thông tin của khán, thính giả; đồng thời cũng là những “cánh chim báo bão”, cảnh báo, đấu tranh với thông tin xấu, thông tin độc hại.

Thưa ông, chủ đề của Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay là “Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số”. Chủ đề này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của ngành phát thanh trong bối cảnh hiện tại?

Chúng tôi luôn xác định thay đổi là yếu tố sống còn và không ngừng tăng cường sự tương tác để đến gần hơn với trái tim của khán, thính giả. Chuyển đổi số trong báo chí nói chung và phát thanh nói riêng không chỉ chuyển đổi về công nghệ, về cách làm; mà quan trọng nhất, đó là chuyển đổi về mặt tư duy, từ cấp quản lý, lãnh đạo cho đến các khâu, các công đoạn của quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm báo chí. Đây là giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các cơ quan báo chí nói chung và phát thanh nói riêng trong thời kỳ mới.

Chuyển đổi số chính là những gì mà những người làm phát thanh; bao gồm đội ngũ quản lý, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ sư, phát thanh viên và người lao động đang hằng ngày thực hiện để từng bước thay đổi tổng thể quá trình làm báo phát thanh theo hướng ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI năm 2024 với chủ đề “Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số” là sự khẳng định nỗ lực chuyển đổi số của ngành phát thanh.

Là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, chỉ 5 ngày sau khi đất nước giành Độc lập, trải qua 79 năm hình thành và phát triển, đến nay Đài Tiếng nói Việt Nam đã hội tụ đủ 4 loại hình báo chí. Đài Tiếng nói Việt Nam có ưu thế so với các cơ quan báo chí khác về phạm vi và mức độ phủ sóng, với việc sản xuất, phát sóng và đăng tải nhiều ngôn ngữ nhất (13 thứ tiếng Dân tộc và 12 thứ tiếng nước ngoài).

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ, chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, thực hiện tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp Cách mạng của Đảng, sự nghiệp Đổi mới của đất nước, đảm bảo vai trò dẫn dắt định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng, đổi mới trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới cho ngành công nghiệp nội dung số. Đây chính là mục tiêu mà Đài Tiếng nói Việt Nam và những người làm phát thanh hiện đại hướng đến.

Đài Tiếng nói Việt Nam đã xây dựng Đề án nền tảng số phát thanh Quốc gia nhằm tạo lập hạ tầng số một cách hiệu quả và trong thời gian nhanh nhất. Việc đưa nội dung tác phẩm phát thanh lên các nền tảng số được chúng tôi xác định rất quan trọng và đã được triển khai nhiều năm nay. Từ năm 2005, nắm bắt được xu thế phát triển, Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định đưa các hệ phát thanh lên internet theo hình thức trực tuyến. Năm 2012, kể từ khi tất cả các kênh phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam phát triển trang web riêng, thì đó là bước khởi đầu để các kênh phát thanh thực hiện chuyển đổi sang nền tảng số, để phát trực tuyến và lưu giữ chương trình phát thanh phục vụ các đối tượng nghe, xem và tương tác. Hiện nay, các ban biên tập phát thanh đều đầu tư studio đa phương tiện hiện đại. Đài Tiếng nói Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực tiếp cận và thu hút công chúng ở nhiều nền tảng khác nhau trên không gian mạng.

Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phát thanh cho phép tự động hóa  quy trình tác nghiệp, làm giảm chi phívận hành hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn các công đoạn, đáp ứng kịp thời nhu cầu và sự quan tâm của công chúng. Trên cơ sở các ứng dụng đa nền tảng, những người làm phát thanh tự tạo ra nhu cầu mới với công chúng, làm tăng tính tương tácvới công chúng và với các cơ quan hoạch định chính sách của Nhà nước.

Chuyển đổi số mở ra những điều kiện tập hợp và thống nhất các nguồn lực vào một mạng lưới trung tâm, hỗ trợ quá trình sản xuất. Hiệu quả sử dụng nguồn lực vì thế được nâng cao hơn rất nhiều. Chuyển đổi số còn cho phép tạo ra hệ thống để thu thập số liệu của công chúng một cách phù hợp, liên kết các dữ liệu với nhau, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa  dạng của công chúng. Chỉ có như vậy, phát thanh mới thu hút được sự quan tâm của công chúng. Và đó chính là cơ sở phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Cũng như Đài Quốc gia, ở các đài địa phương, nền tảng số quốc gia là một kênh phân phối nội dung giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, là điều kiện cần thiết để tạo ra những “Đài phát thanh không cần ăng-ten”, đáp ứng nhu cầu nghe theo yêu cầu, nghe bất kỳ lúc nào, nghe bất kể cái gì và có thể “nhìn” thấy phát thanh...

Trong bối cảnh phải cạnh tranh với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông khác, người làm phát thanh chú trọng thích nghi với yêu cầu chuyển đổi số để sáng tạo nhiều tác phẩm có nội dung hay, hình thức hấp dẫn,  góp phần định hướng dư luận tốt hơn. Đây cũng sẽ là vấn đề sẽ được thảo luận,  làm rõ tại Liên hoan Phát thanh năm nay, thưa ông?

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, phát thanh đã có sự chuyển đổi linh hoạt cách thức sản xuất chương trình, phương thức truyền dẫn theo xu hướng chuyển đổi số; chuyển đổi phương thức, cách tiếp cận thính giả, tăng cường sự tương tác với thính giả để trở thành “người bạn tâm tình”, gần gũi hơn với thính giả ở nhiều nơi.

Khi mạng xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ, những người làm phát thanh  phải tự thích ứng để vượt lên chính mình, khẳng định vai trò của phát thanh trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay được đầu tư nhiều công sức, chất xám, công nghệ, nội dung hay, tác phẩm có sáng tạo, phản ánh nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh lần này tại tỉnh Thanh Hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề: “Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam” với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả truyền thông từ các đài PT-TH uy tín trong khu vực. Hội thảo tập trung chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số của một số đài PT-TH trên thế giới, cập nhật xu hướng công nghệ về hệ thống lưu trữ số, các nền tảng phân phối và quản lý nội dung số… Hội thảo còn là dịp để các bên trao đổi kinh nghiệm quản lý mô hình tòa soạn hội tụ, kinh nghiệm thực tiễn từ quốc tế và Việt Nam khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào sản xuất chương trình, sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng.

Tính từ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần đầu tiên (tổ chức vào năm 1994) đến Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI - năm 2024 vừa tròn 30 năm. Con số 30 năm này khẳng định sức sống và khả năng lan tỏa của phát thanh và đây là ngày hội nghiệp vụ lớn của những người làm phát thanh, thưa ông?

Đúng vậy, việc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng các đơn vị trong ngành phát thanh và các địa phương, đơn vị đối tác phối hợp tổ chức16 kỳ Liên hoan Phát thanh trong suốt 30 năm qua, kể cả khi thế giới đang trải qua đại dịch Covid-19 với những tác động nặng nề, cho thấy sức sống mạnh mẽ của phát thanh cũng như khả năng lan tỏa vượt trội của ngày hội nghề nghiệp này.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc là hoạt động nghiệp vụ của ngành phát thanh Việt Nam, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, nhằm phát hiện, tôn vinh  những tác giả, tác phẩm xuất sắc của những người làm báo phát thanh cả nước. Liên hoan Phát thanh toàn quốc còn là cơ hội để các nhà báo, biên tập viên, phóng viên giao lưu, học hỏi, nâng cao nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1994 tại Hà Nội, tiếp đó là các địa phương khác như Quảng Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Nghệ An, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh... Liên hoan Phát thanh lần thứ XVI - năm 2024 được tổ chức tại Thanh Hóa tiếp tục là dịp để những người làm phát thanh cả nước thể hiện tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và những phẩm chất của người làm báo, biểu dương, tôn vinh những tác phẩm, tác giả tiêu biểu của ngành phát thanh cả nước. Đây cũng là cơ hội để các đài PT-TH cả nước cùng trao đổi về những xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, tìm ra những cách làm mới phù hợp với công chúng.

Kể từ lần đầu tiên được tổ chức năm 1994 đến nay, Liên hoan Phát thanh toàn quốc đã qua chặng đường 30 năm với 16 kỳ liên hoan, đánh dấu sự trưởng thành cả về lượng và chất của những người làm phát thanh cả nước. Mỗi lần đều có những đổi mới trong cách thức tổ chức và mở rộng đơn vị tham gia đáp ứng nhu cầu của những người làm báo phát thanh đông đảo từ Trung ương đến cơ sở. Liên hoan Phát thanh toàn quốc đã tạo tiền đề cho đài PT-TH các tỉnh, thành phố tổ chức Liên hoan Phát thanh tại địa phương nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của các đài truyền thanh cơ sở, cũng như đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên, đáp ứng nhiệm vụ thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Mỗi kỳ Liên hoan Phát thanh có nhiều hoạt động ý nghĩa đối với những người làm nghề. Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI - năm 2024 có những điểm nhấn đáng chú ý nào, thưa ông?

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI - năm 2024 do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa từ ngày 9/7 - 14/7/2024. Chủ đề của Liên hoan là “Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số”. Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ  XVI có sự tham gia của 81 đơn vị (bao gồm 63 đài PT-TH tỉnh, thành phố, các đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân đội nhân dân, Cục Truyền thông Công an nhân dân) với 380 tác phẩm thuộc 6  thể loại: Phóng sự, Chương trình chuyên đề, Phỏng vấn, Chương trình Phát thanh tiếng dân tộc, Câu chuyện truyền thanh, Chương trình phát thanh trực tiếp; và 5 hạng mục Giải thưởng: Ứng dụng nền tảng số, Podcast, Kỹ thuật dàn dựng xuất sắc, Giọng vàng, Người dẫn chương trình xuất sắc. Đặc biệt, Liên hoan năm nay có sự tăng mạnh của Chương trình Phát thanh trực tiếp với số lượng lên tới 37 đơn vị tham gia, tăng 8 đơn vị so với kỳ trước.

Các tác phẩm dự thi Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI  có sự đồng đều về chất lượng, các đề tài đều đúng, trúng và mang tính thời sự, được dàn dựng  công phu và có nhiều đổi mới, sáng tạo. Năm nay cũng là năm đầu tiên hạng mục podcast được đưa vào Liên hoan Phát thanh để trao thưởng, với mong muốn khích lệ sự phát triển đa dạng của các loại hình truyền thông, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng.

Trong khuôn khổ Vòng Chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thanh Hóa tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, văn hóa, thể thao sôi nổi, tạo diễn đàn cho những người làm phát thanh Việt Nam giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài hội thảo nghiệp vụ, còn có chương trình “Giao lưu những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc lần thứ IX năm 2024” và giải chạy “Vì làn sóng khỏe”.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Quang Tuấn - Thu Thùy thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận