Podcast - 'Lính' mới của Liên hoan phát thanh

'Các tác phẩm podcast tham gia Liên hoan Phát thanh năm nay đã thể hiện được 'chất' của thể loại này'.

 

Có ý kiến cho rằng, “Podcast hay là podcast có cá tính và sứ mệnh riêng”. Còn nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký Biên tập - Đài TNVN, Tổng Thư ký Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, nhấn mạnh: “Podcast hay là podcast chạm tới cảm xúc người nghe. Và các tác phẩm podcast tham gia Liên hoan Phát thanh năm nay đã thể hiện được “chất” của thể loại này”.

Podcast tham gia đường đua

Podcast - một thể loại mới trong thời đại truyền thông số - lần đầu tiên được đưa vào hạng mục giải thưởng tại Liên hoan Phát thanh (LHTP) toàn quốc lần thứ XVI năm 2024 với mong muốn khích lệ sự phát triển đa dạng của các loại hình truyền thông, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng. Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, giám khảo chấm thi các tác phẩm thể loại podcast, nhận định: “Các tác phẩm podcast dự thi đã nhận dạng được cách thức làm podcast để phục vụ một đối tượng công chúng trên mạng xã hội. Đề tài các tác giả lựa chọn phù hợp với thể loại podcast - đó là những vấn đề rất đời sống, mang tính cá nhân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của con người. Một số tác phẩm thể hiện được những tiêu chí phổ biến của podcast, đó là: Giọng nói hay, tiếng động, âm nhạc, chất lượng âm thanh, nội dung hấp dẫn, bổ ích”.

nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký Biên tập - Đài TNVN, Tổng Thư ký Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, giám khảo chấm thi các tác phẩm thể loại podcast.

Dựa trên những tiêu chí ấy, tôi tìm nghe podcast dự thi LHPT năm nay. Một trong số đó là tác phẩm “Đêm trắng” đề cập đến tình trạng ô nhiễm do hoạt động giết mổ lợn đã tồn tại trong thời gian dài ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), đặc biệt là ô nhiễm tiếng ồn, gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sống của người dân địa phương. Nhà báo Đặng Thị Lương Hồng, Phó Trưởng phòng Chuyên đề, Đài PT-TH Hải Phòng - tác giả của podcast này - chia sẻ: “Triển khai tác phẩm “Đêm trắng”, tôi thực hiện trải nghiệm thực tế tại hiện trường để thể hiện tác phẩm một cách chân thực, khách quan, hấp dẫn, sinh động nhất. Podcast là một dạng thức âm thanh kỹ thuật số được phát triển trên nền công nghệ Internet nên không giới hạn về địa lý. Hơn nữa, thể loại này có khả năng tương tác cao, có thể nghe, gần gũi, thân thiện, dễ thao tác, thính giả có thể gửi phản hồi dễ dàng qua phần bình luận, comment… Chính vì thế, lựa chọn thể loại podcast để triển khai đã giúp tác phẩm mang lại hiệu ứng xã hội cao”.

Ngay khi nhận được thông tin LHPT toàn quốc năm nay đưa podcast vào dự thi, nhà báo Lương Hồng đã quyết định lựa chọn tham gia LHPT ở thể loại này. Với chị, đây là sân chơi để thể hiện sự đam mê với nghề, khám phá sức sáng tạo tác phẩm phát thanh trên nền tảng số và được học hỏi ở các đồng nghiệp, từ đó trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cho công việc hằng ngày của mình. “Khi lựa chọn sản xuất thể loại podcast chính là giải pháp giúp cho phát thanh bắt kịp xu thế công nghệ hiện đại, kịp thời hòa mình vào cuộc chạy đua không ngừng nghỉ của các xu hướng báo chí mới”, nhà báo Lương Hồng nhận định.

Nhà báo Đặng Thị Lương Hồng, Phó Trưởng phòng Chuyên đề, Đài PT-TH Hải Phòng - tác giả của podcast “Đêm trắng”.

Tham gia LHPT toàn quốc năm 2024 với tác phẩm podcast “Áp lực dạy con học”, nhà báo Bùi Đăng Mạnh - Đài PT-TH Hưng Yên - cho hay: Hiện đang là thời điểm diễn ra kỳ tuyển sinh vào lớp 1, cũng là lúc cha mẹ bắt đầu đồng hành với con trên chặng đường học tập. Không ít phụ huynh đã và đang gặp phải tình trạng khủng hoảng khi con vào lớp 1, bởi chưa biết phải dạy và đồng hành với con ra sao cho đúng và hiệu quả, làm thế nào để con hợp tác với mình, có được thói quen học tập tốt. “Áp lực dạy con học” đã nêu thực trạng, tìm nguyên nhân và bàn đến cách giải quyết thực trạng ấy. “Đây là vấn đề mang tính xã hội và cũng gần gũi với mỗi gia đình, vì thế, tôi thực hiện nội dung này bằng podcast để người nghe dễ tiếp nhận, quan trọng hơn là thấy có mình trong câu chuyện đó. Thể loại podcast sẽ thể hiện được tốt nhất mong muốn, mục đích của tôi”, nhà báo Bùi Đăng Mạnh chia sẻ.

 “Những vấn đề đời sống xã hội mà công chúng quan tâm thì làm podcast dễ đi vào lòng người hơn, người ta xem, nghe nhiều hơn”. Nhận định như vậy nên ê-kíp của Đài PT-TH Bình Phước quyết định triển khai tác phẩm “Tình muộn” tham gia LHPT toàn quốc lần thứ XVI ở thể loại podcast. Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Đài PT-TH và Báo Bình Phước chia sẻ về “Tình muộn” của chị và ê-kíp: “Có những mối tình dù hai người trong cuộc rất yêu nhau, hiểu nhau, cần nhau, muốn sống bên nhau trọn đời nhưng mối tình ấy lại đến sai thời điểm. Vậy chúng ta phải làm gì khi gặp tình huống này? Đây là điều mà nhóm tác giả muốn gửi tới thính giả khi thực hiện tác phẩm này”.

Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (ngồi bên phải) cùng ê kíp thảo luận và dàn dựng podcast “Tình muộn”.

 

“Podcast đang là một lĩnh vực tiềm năng mới trong ngành công nghiệp báo chí hiện đại. Nếu không muốn đứng ngoài “cuộc chơi”, các cơ quan báo chí cần đầu tư, phát triển nghiêm túc hình thức này”.

Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Đài PT-TH và Báo Bình Phước

Xu hướng của báo chí hiện đại

Podcast đang dần trở nên phổ biến trong xã hội, đặc biệt được các bạn trẻ yêu thích, trở thành một nguồn thông tin, kiến thức về nhiều chủ đề khác nhau. Nói về thế mạnh của thể loại podcast, nhà báo Đặng Thị Lương Hồng cho rằng, podcast mang đến cho người nghe sự trải nghiệm công nghệ tuyệt vời, nhanh chóng và tiện lợi. Podcast cũng truyền cảm hứng cho thính giả từ việc cung cấp thông tin, giáo dục, giải trí, lấp đầy thời gian rảnh của họ một cách hữu ích. Được cá nhân hóa sâu sắc, podcast trở thành một mối quan hệ gần như cá nhân, riêng tư với người dùng. Bên cạnh đó, podcast mang đến cho người nghe sự tin tưởng từ việc tin tưởng thông qua uy tín của người dẫn chương trình.

Theo nhà báo Đặng Thị Lương Hồng, với những lợi thế đó của podcast, trong tương lai, xu hướng nghe phát thanh qua kỹ thuật số sẽ từng bước đưa phát thanh chuyên biệt lên một tầm cao mới. Công nghệ podcast đưa các tác phẩm âm thanh chất lượng cao, sống động, ổn định trên mọi thiết bị có kết nối Internet đến với công chúng. Với sự phong phú về nội dung và thuận tiện về phương tiện, phương thức tiếp cận, podcast đã và đang tạo ra thói quen sử dụng của công chúng. Hiện tại nó đã trở thành trend của công chúng toàn cầu và trong tương lai không xa, podcast sẽ trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hằng ngày của họ.

“Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, thị trường podcast đang dần được khai thác và mở rộng tại Việt Nam và sẽ là một miền đất hứa đối với báo chí - truyền thông Việt Nam”.

Nhà báo Đặng Thị Lương Hồng, Đài PT-TH Hải Phòng

Là thể phát thanh phát triển mạnh trong kỷ nguyên số hóa, trên thực tế, podcast đã trở thành một loại hình báo chí mới, mọi người gọi nó là phương tiện hội tụ của âm thanh, internet và thiết bị di động. Thế mạnh của podcast so với phát thanh truyền thống là khả năng tải xuống và nghe bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu cũng như tua lại những đoạn thông tin mà người dùng muốn nghe. Ngoài ra, việc phổ cập điện thoại thông minh, tai nghe không dây, loa thông minh, hỗ trợ Apple Carplay và Android Auto trên ô tô chính là các công cụ tạo thuận lợi cho podcast phát triển. Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Nhàn khẳng định: “Podcast đang là một lĩnh vực tiềm năng mới trong ngành công nghiệp báo chí hiện đại. Nếu không muốn đứng ngoài “cuộc chơi”, các cơ quan báo chí cần đầu tư, phát triển nghiêm túc hình thức này”.

Đồng quan điểm này, nhà báo Bùi Đăng Mạnh phân tích thêm, podcast là một thể loại phát thanh hiện đại mới, rất gần gũi trong cách chọn vấn đề, đặt vấn đề và cách người ta nói chuyện với nhau. Bởi vậy, podcast giúp chúng ta chạm tới thính giả của mình, sẽ không bỏ sót bất cứ đối tượng thính giả nào và bất cứ vấn đề nào mà thính giả của mình quan tâm. Podcast như một cánh tay nối dài của PT-TH truyền thống.

Nhà báo Bùi Đăng Mạnh thực hiện podcast Áp lực dạy con học.

Ở Việt Nam, báo điện tử có xu hướng chuyển dịch và chiếm lĩnh mảng âm thanh podcast. Trong xu thế hiện nay, phần lớn công chúng thích nghe hơn là đọc và xem, podcast lại cho phép người dùng tải xuống để nghe vào thời điểm người ta muốn. Hơn nữa, podcast hiện được đón nhận ở nhiều nền tảng hạ tầng khác nhau như: youtube (vodcast), spotify, intasgram, apple podcasts, facebook… Vì thế, podcast tiếp cận được rất đa dạng công chúng.

Hiện nay, các cơ quan báo chí đầu tư khá nhiều cho kênh podcast. Tuy nhiên, theo nhà báo Đồng Mạnh Hùng, muốn sản xuất được một podcast hay, thì podcast đó phải là sản phẩm của một kênh hướng tới một đối tượng công chúng nhất định, nội dung phù hợp với hệ công chúng ấy, cách kể chuyện thích hợp theo lối cá nhân nói với cá nhân. Nội dung gần gũi đời thường, hình thức nhẹ nhàng, sử dụng âm nhạc và tiếng động hợp lý, khiến người nghe tưởng tượng được nhiều nhất có thể.

Đối tượng công chúng nghe podcast là người quyết định chúng ta phải làm podcast như thế nào. Công chúng trên podcast nghe rất riêng tư, không bị ấn định, họ nghe bất cứ lúc nào, bất cứ chủ đề gì cho nên cách nghe của họ cũng rất khoáng đạt, thoải mái. Vì vậy, cách làm podcast cũng phải phục vụ được đối tượng đó. Nhà báo Đồng Mạnh Hùng cho hay: Làm phát thanh là làm cho đại chúng, cho rất nhiều người nghe, vì vậy, cách nói năng, giao tiếp trên sóng phát thanh rất khác với giao tiếp khi chúng ta thực hiện podcast. Cách kể chuyện của một chương trình trên đài luôn luôn là một câu chuyện khép kín, nó giải quyết rốt ráo tất cả vấn đề trong thời lượng có hạn. Còn podcast không phải như vậy. Không gian podcast có thể là sản phẩm của rất nhiều kỳ để đi hết được những gì người ta muốn nói.

“Hiện mỗi ngày trên thế giới có hàng triệu kênh podcast ra đời, bởi thế, khi các cơ quan báo chí làm podcast, nếu làm sai, làm chệch sẽ không đáp ứng được yêu cầu của công chúng, không thu hút được công chúng. Chẳng hạn, nếu sử dụng những sản phẩm phát thanh thông thường để đưa lên podcast sẽ không thể đạt được hiệu quả cao”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng khuyến cáo./.

Ngọc Nhi
 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận