Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt nhiều kết quả vượt bậc trong những năm qua, tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam trong năm 2025 và các mục tiêu lâu dài 50 năm, 100 năm.
Còn nhiều dư địa
Thúc đẩy hợp tác, đầu tư, cùng Việt Nam tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, đạt mục tiêu đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao,… là những nội dung chính trong chương trình toạ đàm của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tính đến cuối năm 2024, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam ước đạt 11,94 tỷ USD với trên 1.400 dự án, đứng thứ 11 trong số các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đều đã hiện diện và đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tham gia đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ.

Hiện nay, Nhật Bản có hơn 5.500 dự án đầu tư tại Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt hơn 46,2 tỷ USD. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới đạt 56,1%, mức đầu tư cao nhất của Nhật Bản tại ASEAN. Điều này minh chứng rõ ràng cho việc Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đầu tư của EU vào Việt Nam đạt hơn 30,4 tỷ USD, đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt 68,5 tỷ USD.
Với mục tiêu tăng trưởng năm nay đạt 8% trở lên, để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tới đạt mức tăng trưởng 2 con số, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam còn rất nhiều dư địa cho các nhà đầu tư. Việt Nam có đông dân số, nằm ở tâm điểm tăng trưởng, vị trí địa chiến lược thuận lợi, có môi trường hoà bình, hợp tác, phát triển, thuận lợi để trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Thủ tướng mong các doanh nghiệp FDI coi Việt Nam là cứ điểm đầu tư lâu dài, chất lượng cao với tầm nhìn 50 năm, 100 năm.
Đại diện Coca Cola, AmCham và các công ty tư vấn như Bower Group Asia, Bay Global Strategies,… đánh giá cao Việt Nam đang rất tích cực chủ động thực hiện các cam kết của mình; cũng như nỗ lực tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại các bộ ngành, làm thông thoáng thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng,… đồng thời cũng nêu một số kiến nghị liên quan việc tham vấn công chúng trong quá trình xây dựng chính sách, các luật thuế, ứng phó với các chính sách đang thay đổi trong thương mại toàn cầu…
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư
Về môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy thương mại, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực với tinh thần “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị và nhân lực thông minh” để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng các chính sách của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, nhanh chóng, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thời gian, chi phí, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.
“Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam tập trung vào cải cách thể chế nhiều như hiện nay để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các chủ thể, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động an toàn, bền vững và đạt hiệu quả ngày càng cao hơn, trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng khẳng định.
Vừa qua, nhiều tổ chức quốc tế lớn đã nâng hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm “ổn định”, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, chỉ số tự do kinh tế tăng 13 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, chỉ số phát triển bền vững tăng 1 bậc, Việt Nam lọt top 50 quốc gia dẫn đầu về chỉ số an toàn thông tin mạng.
Cùng với đó, Việt Nam quyết tâm cắt bỏ ít nhất 30% thủ tục hành chính, cắt giảm ít nhất 30% chi phí hành chính, 30% thời gian quyết định các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư./.
Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 09/3/2025 nêu: các Bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thực chất để giải quyết dứt điểm trong tháng 3/2025 các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đã được thống kê tại các Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị, buổi làm việc với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI của các đối tác lớn, quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, ASEAN; trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời đề xuất giải pháp cụ thể, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2025. |