Sáng 19/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh”.
Hội nghị và Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đồng tổ chức. Tham dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.
VBF là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hoá môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Tại diễn đàn, lãnh đạo IFC đánh giá, FDI quan trọng với Việt Nam, không nên đánh đổi môi trường mà phải gắn liền với trách nhiệm, xã hội, tăng trưởng bền vững; nhà đầu tư cần có cam kết về tăng trưởng xanh, bảo đảm thông điệp thống nhất, cam kết trải rộng từ trên xuống dưới. Các bên phải tích cực tham gia, có vai trò quan trọng.
IFC có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh. Mạng lưới ngân hàng bền vững của IFC, các tiêu chuẩn xanh được áp dụng ở ASEAN, tạo cơ hội xanh, giúp Việt Nam hiện thực hoá chiến lược tăng trưởng xanh.
Ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch VBF đánh giá, đây là sự kiện bản lề thể hiện sự quyết tâm phát triển của doanh nghiệp tại Việt Nam – một trong những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam.
"Chúng ta đang sống trong thời đại của những căng thẳng địa chính trị trên thế giới, do đó, cần có hệ thống tư pháp ổn định, dễ đoán định, cơ sở hạ tầng tốt, giúp thu hút ngày càng nhiều FDI. Chúng ta muốn có sự phát triển tốt đẹp, bền vững thì cần ít tác động nhất tới hành tinh. Điều quan trọng bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ của Chính phủ, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong công cuộc này", ông Nitin Kapoor cho biết, đồng thời đưa ra thông điệp mạnh mẽ: Hãy sát cánh cùng Việt Nam để cùng chăm sóc hành tinh, đạt mục tiêu tăng trưởng xanh tương lai.
Ngay sau phần khai mạc, diễn đàn đi vào phần thảo luận với 2 nội dung chính gồm: Vai trò của FDI trong bối cảnh mới; Trách nhiệm của doanh nghiệp FDI thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
Diễn đàn nghe các tham luận của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như BritCham; AmCham; KoCham; JCCI; EuroCham… đánh giá các tiềm năng, cơ hội hợp tác to lớn tại thị trường Việt Nam; đồng thời khuyến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam những giải pháp nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp đó là phần phản hồi của lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sự kiện này gồm 2 nội dung gặp gỡ doanh nghiệp FDI và Diễn đàn VBF. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn, gửi lời chào trân trọng, lời chúc tốt đẹp tới các đại biểu; cảm ơn các nhà đầu tư trong suốt những năm qua đã đồng hành, giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam đang giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm nợ công, bội chi ngân sách, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ trong mức cho phép; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường công bằng được bảo đảm; đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng; công tác ngoại giao đạt nhiều kết quả tích cực.
Thủ tướng nêu rõ, có được thành quả trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự ủng hộ của Quốc hội, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn cộng đồng quốc tế, các doanh nghiệp FDI luôn đồng hành, giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ khó khăn.
Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến đóng góp trí tuệ, trách nhiệm, thẳng thắng nói lên những cái được, chưa được, những cái cần phải khắc phục, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, đưa ra giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp này; xây dựng một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng xanh.
Qua các ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng chỉ rõ "3 cùng": Thứ nhất là cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; thứ hai là cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế, tăng trưởng xanh; thứ ba là cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Thủ tướng lưu ý, tình hình diễn biến nhanh và khó lường, bên cạnh thời cơ, thuận lợi thì có khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Việt Nam không chủ quan, không lơ là, thoả mãn với những gì đạt được mà chuẩn bị tâm thế, năng lượng. Tâm thế, kiên định để đói phó những gì xấu nhất xảy ra đối với kinh tế.
Thủ tướng nêu rõ, hiện nay, về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh. Tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng. Tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột. Từ đó dẫn đến khủng hoảng niềm tin, phân hoá về chính trị, khủng hoảng năng lượng, lương thực.
Những khó khăn đó tác động tình hình kinh tế Việt Nam, vì Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn có hạn, quá trình đổi mới đang diễn ra, nhưng luôn kiên định, bình tĩnh, linh hoạt, vững vàng, xử lý mọi khó khăn, luôn lắng nghe các ý kiến của người dân, doanh nghiệp, đối tác. Do đó, cần tạo ra môi trường cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, bảo vệ môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Thủ tướng cho biết, tình hình có nhiều khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi: nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao triển vọng kinh tế của Việt Nam. Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 là 6%, Ngân hàng HSBC dự báo 6,3%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo 6,7%; S&P dự báo 6,8%... Việt Nam có niềm tin các doanh nghiệp FDI, các đối tác, bạn bè quốc tế luôn ủng hộ, cùng với Việt Nam để phát triển.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 193 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 7 nước thành viên G7, 16 thành viên G20; ký 16 FTA với hơn 60 nước; Việt Nam có sự đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, hệ thống chính trị, đoàn kết quốc tế và đoàn kết dân tộc; càng áp lực, khó khăn thì Việt Nam càng nỗ lực; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng với Nhà nước vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI: năm 2023, thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 4,3 tỷ USD tăng 38,6 %; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%. Tính đến cuối tháng 2/2024, hiện còn trên 39,5 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 473 tỷ USD. Có 145 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam cũng mở rộng đầu tư Việt Nam ra nước ngoài và bắt đầu thu được hiệu quả.
Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện: xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc năm 2023 theo đánh giá của Tạp chí Nhà kinh tế (Tổ chức EIU). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được nâng lên (xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022 theo đánh giá của WIPO). Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam có tốc độ tăng mạnh nhất trên thế giới.
Không chỉ về số lượng, khu vực FDI có những đóng góp quan trọng góp phần cải thiện chất lượng của nền kinh tế Việt Nam: khu vực FDI là một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng pháp luật, cơ chế, chính sách trong nước. Đầu tư FDI là nguồn lực quan trọng, vừa bổ sung vốn, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; các tập đoàn đa quốc gia, quy mô lớn, công nghệ hiện đại góp phần nâng cấp công nghệ, kỹ năng quản lý, góp phần chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Vì vậy, Việt Nam rất coi trọng công tác tham mưu chính sách của các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức: sức ép lạm phát còn cao, giá dầu thô còn cao, đứt gãy chuỗi cung ứng; còn nhiều khó khăn, điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh, nhất là về xuất khẩu, thị trường, tiếp cận vốn, vướng mắc trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…; thị trường bất động sản, một số thị trường khác chưa vận hành thông suốt, hiệu quả chưa cao.
Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là cho các ngành, lĩnh vực mới nổi; chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt mục tiêu đề ra. Thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà; một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được sửa đổi, chưa đáp ứng với tình hình thực tiễn; chi phí tuân thủ, logistics còn cao… Việt Nam đang nhận thức rõ điều này và mong cùng làm, cùng thắng với các doanh nghiệp FDI.
Một số tồn tại, hạn chế đối với khu vực FDI, Thủ tướng nêu rõ, chất lượng đầu tư, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ở một số dự án còn hạn chế. Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp; sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư vào công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện môi trường còn khiêm tốn.
Còn có tình trạng một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao; còn phát sinh những bất cập trong quan hệ lao động, visa…
Nguyên nhân có cả hai chiều, về phía Việt Nam cần khắc phục; bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp nước ngoài, các đối tác tiếp tục cải thiện vốn đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; chuyển giao công nghệ phục vụ tăng trưởng xanh; góp phần xây dựng thể chế để phát triển xanh, chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực, quản trị tiên tiến cho phát triển xanh, tăng trưởng xanh.
Mục tiêu tổng quát của năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển nhanh và bền vững, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Thực tế những năm vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm xuống còn 2,9%. Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn bè, đối tác tốt trên thế giới, vì hoà bình, hợp tác và phát triển; thực hiện đường lối kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; kết hợp nguồn lực bên trong và bên ngoài, phát triển hài hoà, hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Thủ tướng nhấn mạnh, tại diễn đàn WEF Davos (Thuỵ Sĩ) vừa qua có thảo luận nhiều về vấn đề tái thiết lòng tin, do đó, Việt Nam đưa ra 3 nội dung: đó củng cố lòng tin chiến lược giữa các quốc gia thông qua tăng cường đối thoại, thực hiện các cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, lấy đối thoại thay cho đối đầu, lấy hợp tác thay cho xung đột.
Thúc đẩy cải cách, tiếp cận toàn cầu, toàn dân trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ nhất là trong hậu quả đại dịch Covid-19, giải quyết vấn đề già hoá dân số, biến đổi khí hậu, hạn chế xung đột… Đây đều là những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân do đó phải có cách giải quyết mang tính toàn toàn cầu, toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, tăng cường hợp tác.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, luôn làm tốt bình đẳng xã hội, an sinh xã hội.
Về quan điểm phát triển về tăng trưởng xanh, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi (bao gồm: chuyển đổi số và tăng trưởng xanh) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế; kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...
Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: cam kết tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…; ban hành nhiều Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII…; đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác phát triển: khái quát bằng 2 cụm từ “3 tiên phong” và “3 đẩy mạnh”, đó là kêu gọi và mong muốn các doanh nghiệp FDI tiên phong trong tăng trưởng xanh.
Một là, tiên phong trong đổi mới trong nhận thức, tư duy, hành động trong tăng trưởng xanh.
Hai là, tiên phong trong chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh.
Ba là, tiên phong trong triển khai các dự án, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để phục vụ tăng trưởng xanh hướng vào làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), bổ sung động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức;
Đối với các đối tác phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh “3 đẩy mạnh” là: đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, quản lý, tham vấn chính sách cho Việt Nam; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, đột phá, xoay chuyển tình thế; tìm kiếm và kết nối với các đối tác phù hợp; chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính xanh; đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quản trị cho Việt Nam, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trụ cột, các lĩnh vực quan trọng, mới nổi.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam có “3 bảo đảm”: thứ nhất là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng, bảo đảm cho doanh nghiệp FDI ổn định và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, xu thế lớn của thời đại như chống biến đổi khí hậu, già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên; thứ hai là bảo đảm về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài; Thứ ba là bảo đảm ổn định về năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hệ sinh thái về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số.
“3 đẩy mạnh”: thứ nhất là đẩy mạnh đột phá về thể chế, xây dựng luật pháp, Nghị định, Thông tư phù hợp; thứ hai là đột phá về hạ tầng, gồm hạ tầng kinh tế, xã hội, y tế, giao thông, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; đột phát về cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
“3 tăng cường”: thứ nhất là tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng với các cấp chính quyền; thứ hai là tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, tăng cường phòng, chống tham nhũng tiêu cực; thứ ba là tăng cường sự hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững, hướng vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, hợp tác công tư.
Với một tinh thần hợp tác cùng thắng, “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình phát triển, có cái được, chưa được, các doanh nghiệp FDI cũng có cái được, chưa được, nhưng quan trọng là chúng ta cùng chia sẻ, thấu hiểu, bảo đảm lợi ích, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, ra hiệu quả, "cân, đong, đo, đếm" được. Diễn đàn này thực sự chân thành vì lợi ích của hai bên, vì mục tiêu hoà bình, hợp tác và phát triển.
Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tặng một số doanh nghiệp FDI tiêu biểu.
Vũ Khuyên/VOV