ĐBQH: Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, việc sử dụng nguồn FDI là cơ hội để tăng trưởng, nhưng không phải là động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình.

 

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sáng nay 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

2/3 số chi thường xuyên không được chi dẫn đến hoạt động kinh tế xã hội bị kìm hãm

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết, chỉ số 9 tháng đầu năm tăng trưởng khá tạo nhiều ấn tượng. Đặc biệt tình hình thu ngân sách năm nào cũng tăng so với dự toán là những thứ đảm bảo thu ngân sách bền vững.

Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán Chính phủ trình Quốc hội, mới có 13.300 tỷ trên tổng số 43.281 tỷ đồng chi thường xuyên là được bố trí. Còn tới 29.981 tỷ đồng chưa được phân bổ. Trong khi thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng, đây là những con số sẽ làm cho công cụ kích thích phát triển kinh tế bị kìm hãm.

 “Nhiều khi chúng ta kêu gọi tiết kiệm chi thường xuyên là tốt nhưng chi thường xuyên có 7-8 mục, nếu tiết kiệm quá có một số hoạt động kinh tế - xã hội bị kìm hãm. Không phải cái gì tiết kiệm cũng là tốt”, đại biểu đoàn Bình Dương nhận định.

Theo ông Huân, có đến 2/3 số chi thường xuyên không được chi, hoặc tiết kiệm cũng dẫn đến hoạt động kinh tế xã hội lại bị kìm hãm. Bởi ngoài quốc phòng an ninh, mục chi thường xuyên còn phục vụ nhiều khoản khác, như chi y tế, giáo dục... Do đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, nên hạ mức ngay từ đầu, nêu rõ ràng chi thường xuyên sẽ sử dụng bao nhiêu cho đầu tư phát triển. Mặt khác, cần tách riêng mục chi thường xuyên cho quốc phòng an ninh, để đảm bảo chi cho quốc phòng an ninh không bị giảm.

Vì nếu gói tròn những mục chi thường xuyên như hiện nay và đặt mục tiết kiệm chi thường xuyên, phần nào còn những băn khoăn rằng chi thường xuyên vào quốc phòng an ninh cũng phải tiết kiệm có thể làm nguy hại cho an ninh quốc gia. Bởi vậy, cần tách bạch, rõ ràng để đảm bảo cả an ninh quốc phòng, song song phát triển kinh tế, cử tri sẽ yên tâm hơn.

Đại biểu Huân cho biết, theo dự kiến, đến năm 2025, GDP nước ta vào khoảng 500 tỷ USD, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng đều 7%/năm, đến năm 2035, GDP nước ta sẽ vào khoảng 1000 tỷ USD, định hướng đến năm 2045 đạt mốc 5000 tỷ USD để trở thành nước thu nhập cao, phá bẫy thu nhập trung bình. Để thoát được bẫy này, có nhiều công cụ về các khía cạnh như lao động, tái cơ cấu, đầu tư phát triển, tuy nhiên chúng ta chưa quan tâm đúng mức các khía cạnh này.

Do nền kinh tế vẫn dựa vào động lực FDI, tổng cán cân vẫn thặng dư nhưng tính bền vững của doanh nghiệp trong nước là chưa thấy. Và nếu chúng ta muốn duy trì nhịp độ phát triển bền vững, phải dựa vào nguồn lực trong nước.

Hiện nay có khoảng hơn 20 quỹ, trong đó có 1 số quỹ chuẩn bị đóng cửa, một số quỹ khác chuẩn bị hình thành theo các luật mới. Nhưng các quỹ này hoạt động tới đâu, báo cáo của Chính phủ đã nêu nhưng chưa có một đánh giá cụ thể. Đại biểu đề nghị Quốc hội nên tiến hành giám sát quỹ.

Đại biểu Huân lấy ví dụ, Quỹ Khoa học công nghệ (KHCN) thuần tuý chỉ là vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) hàng năm đầu tư 300 tỷ. Trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu, có một số hoạt động KHCN chi sang cả nhiệm vụ chi của NSNN. Báo cáo mặc dù cũng đã nêu, nhưng chủ yếu cân đối dương hay âm. Có những quỹ rất lớn như Quỹ BHXH, hiện nay đang dư hơn 1 triệu tỷ đồng.

“Quỹ Bảo hiểm xã hội hiện nay đang dư hơn 1 triệu tỷ đồng, liệu chúng ta có thiết lập thêm các quỹ đang chi không hiệu quả, thường xuyên dư? Không nên đánh giá quỹ bằng số lượng dự án, mà cần xem xét hiệu quả của hoạt động của quỹ, tác động của quỹ đối với tăng trưởng bao nhiêu % GDP”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nói, đồng thời bày tỏ, việc sử dụng nguồn FDI là cơ hội để tăng trưởng, nhưng không phải là động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình sắp tới.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương).Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) đề nghị, cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, tập trung khai thác các nguồn thu như sử dụng đất, xổ số kiến thiết.

Đại biểu đoàn Bến Tre cho rằng, cần sớm hoàn thiện các chính sách liên quan như bảng giá đất, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai. Hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong quá trình thu ngân sách, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Về tiết kiệm chi thường xuyên và đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho biết, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển. Để thực hiện được điều này, đại biểu đề xuất thực hiện cắt giảm 5% chi thường xuyên ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư công. Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong lập kế hoạch và bố trí nguồn vốn đầu tư công.

Đối với đầu tư công cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực hỗ trợ 13 tỉnh, thành phố trong chuẩn bị các chương trình, dự án đầu tư công. Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị sớm trình Chính phủ hoàn thiện Nghị quyết và phê duyệt các đề xuất đầu tư cho vùng này.

Bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung đánh giá tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến nội chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án.

Theo đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, nêu cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có đánh giá: “Công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, mang tính hình thức, sau khi được chấp thuận, chủ trương thì mới bắt đầu thực hiện một cách thực tế và lúc đó lại mất thời gian để điều chỉnh, dẫn đến lãng phí rất nhiều thời gian”.

Trong Báo cáo số 652 của Chính phủ cũng cho thấy, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Nguyên nhân chủ yếu do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung…

Đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án; người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt; việc bố trí kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước.

Đại biểu đoàn Lạng Sơn nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Cẩm Tú/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận