Ngành du lịch Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mang tính cách mạng nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Từ cá nhân hóa trải nghiệm du khách đến cải thiện hiệu quả vận hành của doanh nghiệp, AI đang dần dần trở thành “người đồng hành” không thể thiếu của du lịch trong thời đại số.
Từ câu chuyện robot nấu phở
Đầu tháng 12/2024, người dân và du khách đến Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 không khỏi ngỡ ngàng, thích thú khi có cơ hội thưởng thức những bát phở Hà Nội theo một cách hoàn toàn mới lạ, khác biệt với tên gọi “Phở số Hà Thành”. Điều mang lại sự khác biệt hấp dẫn tới từ một nhân viên phục vụ đặc biệt là một robot thông minh với bộ não số AI có khả năng tham gia một số công đoạn chế biến phở và bưng bê, phục vụ du khách tới tận bàn.
Trước đó, vào tháng 10/2024, robot bồi bàn xuất hiện ở một khách sạn tại Vũng Tàu cũng hấp dẫn nhiều du khách đến chiêm ngưỡng, trải nghiệm. Robot được Premier Pearl Hotel sử dụng với chức năng vận chuyển món ăn và thu dọn chén đĩa tại nhà hàng, bưng nước và khăn lạnh mời khách tại sảnh lễ tân...

Trên thực tế, robot không phải là minh chứng duy nhất cho việc ứng dụng công nghệ AI trong ngành du lịch ở Việt Nam. Những năm qua, các doanh nghiệp và nhiều địa phương đã không ngừng cập nhật ứng dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo để bắt kịp xu thế phát triển du lịch.
Trong đó, chatbot là công cụ phổ biến nhất được sử dụng để phục vụ khách hàng trực tuyến. Đây là phần mềm được lập trình hỗ trợ giao tiếp, tương tác tự động với khách hàng thông qua nền tảng Messenger, Zalo, WhatsApp hay website chính thức của doanh nghiệp. Chatbot cung cấp thông tin cơ bản cho khách hàng, trả lời những câu hỏi thường gặp mà không cần sự hỗ trợ của con người như: thông tin chuyến bay, khách sạn, dịch vụ, giá cả...
Thông qua công nghệ AI, Chatbot sẽ học hỏi để phân tích hành vi khách hàng, cung cấp gợi ý phù hợp với nhu cầu của từng người về điểm đến, tour phù hợp, thông tin cần biết, dự báo chuyến bay, lịch trình, nhu cầu của khách hàng... Đồng thời, ứng dụng này cũng có thể nhận diện và giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ, giúp phục vụ tốt khách hàng quốc tế.

Xu thế tất yếu
TS. Trịnh Lê Anh, Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực du lịch sẽ giúp du lịch Việt Nam “chuyển mình” và đáp ứng được các thách thức và cơ hội trong tương lai, tăng cường các biện pháp du lịch bền vững và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Theo TS. Trịnh Lê Anh, áp dụng công nghệ và AI trong ngành du lịch đóng vai trò quan trọng bằng cách cải thiện trải nghiệm du khách và tối ưu hóa quản lý ngành. Công nghệ & AI có thể giúp tối ưu hóa trải nghiệm du khách: Hệ thống AI có thể cá nhân hóa các gợi ý và đề xuất dựa trên dữ liệu cá nhân, giúp du khách có trải nghiệm tốt hơn và cá nhân hóa hơn.

Trên thực tế tại Việt Nam những năm gần đấy, bên cạnh ứng dụng chatbot và hệ thống tương tác AI giúp cung cấp thông tin nhanh chóng và hỗ trợ du khách suốt hành trình của họ đang được nhiều doanh nghiệp du lịch áp dụng. Việc Sử dụng AI để phân tích dữ liệu và dự đoán xu hướng, giúp các chiến lược tiếp thị hiệu quả đang ngày càng trở nên phổ biến. Một cách cụ thể hơn về ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong du lịch bao gồm:
Nhiều khách sạn đã triển khai hệ thống AI để dự đoán nhu cầu đặt phòng, tối ưu hóa giá và cung cấp dịch vụ cá nhân hóa cho du khách. Các trang web du lịch và ứng dụng di động thường sử dụng chatbot AI để cung cấp thông tin, hỗ trợ đặt vé và giải đáp tức thì câu hỏi của du khách.
Ứng dụng điện thoại thông minh có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để cung cấp hướng dẫn du lịch tương tác, điều chỉnh dựa trên sở thích và lịch trình của du khách. Công nghệ AI có thể phân tích dữ liệu lớn để dự đoán xu hướng giá vé và chỗ ở, giúp du khách lựa chọn thời điểm và địa điểm du lịch phù hợp.

Các khu du lịch có thể tích hợp hệ thống an ninh sử dụng AI để nhận diện nguy cơ và phản ứng nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho du khách. Ngoài ra, công nghệ AI cũng được ứng dụng trong định giá và quản lý các kênh phân phối của ngành du lịch như Traveloka, Agoda... AI có thể hỗ trợ đưa ra mức giá tối ưu mà vẫn hút khách hàng, đưa ra chiến lược phù hợp với từng sản phẩm, mang đến lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp.
Trong tương lai, ngành du lịch có xu hướng sử dụng AI nhiều hơn, hiệu quả hơn thông qua các mục tiêu như tối ưu hóa việc phân bổ hành khách, giảm thiểu rủi ro từ các lỗ hổng bảo mật, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, lên kế hoạch chuyến đi.../.
“Trong thời đại 4.0, AI đã có tác động sâu rộng, khiến diện mạo của nền kinh tế, trong đó có kinh tế du lịch biến đổi theo chiều hướng tích cực. Ứng dụng AI sẽ khiến diện mạo ngành du lịch thay đổi nhanh chóng. AI sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, từ đó đưa ra dự báo về xu hướng du lịch trong tương lai như: thị hiếu du khách, xu hướng ẩm thực, xu hướng trải nghiệm... Nếu các công ty du lịch biết cách tận dụng tốt nguồn dữ liệu từ hành vi khách hàng, họ có thể điều chỉnh các sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp để đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, khiến du khách chấp nhận móc hầu bao”.
ThS. Bùi Văn Niên, Giảng viên khoa Du lịch, Đại học Đại Nam.
|