Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày cùng với thời tiết thuận lợi đã tạo cơ hội cho hoạt động du lịch diễn ra sôi động, nhộn nhịp trên hầu khắp các điểm đến trong cả nước.
Cả nước rộn ràng mùa du lịch Tết
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành du lịch cả nước nước đón và phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2024). Tháng 1/2025 lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao kỷ lục, đạt gần 2,1 triệu lượt.
Đây là kỷ lục mới của ngành du lịch Việt Nam, vượt qua con số gần 2 triệu lượt khách quốc tế vào tháng 1/2020. So với cùng kỳ năm 2019, thời kỳ trước đại dịch Covid-19, lượng khách tháng 1/2025 cao hơn đến 37,8%.
Đáng chú ý, khách Trung Quốc đã quay trở lại là thị trường gửi khách số 1 của du lịch Việt Nam với 575 nghìn lượt, chiếm 27,7%.
Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 417 nghìn lượt, Campuchia xếp thứ 3 (100 nghìn lượt).

Trên khắp cả nước đều diễn ra các hoạt động văn hoá, sự kiện hấp dẫn du khách: Hà Nội tổ chức chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2025” tại khu vực phố cổ, “Tết làng Việt” ở làng cổ Đường Lâm, Chương trình “Hòa nhạc ánh sáng chào năm mới 2025” tại quận Tây Hồ...; Tại TP.HCM tổ chức nhiều sự kiện, quảng bá với thông điệp “TP.HCM chào đón bạn”, tổ chức Chợ Hoa Xuân trên bến dưới thuyền, tour Du xuân Thủ Đức, Xuân về trên bến Bình Đông, biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên sông Sài Gòn...
Nhìn chung, giá phòng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán tăng nhẹ từ 5 - 10%, không xảy ra tình trạng cháy phòng, chặt chém giá phòng, bán sai giá niêm yết. Dù chi phí vận chuyển (giá vé máy bay) tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ nghỉ Tết năm 2024 nhưng giá tour Tết chỉ tăng nhẹ nhờ sự vào cuộc của ngành đường sắt với sự ra mắt “Chuyến tàu Xuân” mang đến nhiều trải nghiệm thú vị. Đồng thời, ngành đường sắt tăng cường thêm nhiều chuyến tàu trên tuyến Bắc - Nam cũng như tàu địa phương để phục vụ nhu cầu di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Chưa có báo cáo ghi nhận những vụ việc vi phạm liên quan đến khách du lịch tại các điểm đến trong cả nước. Hoạt động du lịch trong những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025 diễn ra khá sôi động.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2025
Việc đón lượng khách kỷ lục gần 2,1 triệu lượt ngay trong tháng đầu năm 2025 là kết quả của những nỗ lực của toàn ngành du lịch Việt Nam trong suốt thời gian qua, trong bối cảnh ngành du lịch châu Á phục hồi ở mức thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới, tạo động lực mạnh mẽ cho du lịch phát triển trong năm 2025.
Trong đó, dấu ấn nổi bật là công tác tham mưu xây dựng thể chế, chính sách. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản, nghị quyết tạo thuận lợi cho du lịch phát triển. Cùng với đó là nỗ lực đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cả về thị trường, nội dung, phương thức, quy mô, khai thác tốt cơ chế hợp tác công tư, sự tham gia tích cực của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp; phát triển các sản phẩm mới phù hợp tiềm năng thế mạnh của đất nước và nhu cầu, thị hiếu của du khách sau dịch như du lịch nông nghiệp, du lịch đường sắt, du lịch ban đêm, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng...
Trong phiên họp Chính phủ diễn ra ngày 5/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh khu vực dịch vụ, du lịch là một trong hai nhóm động lực chính cần tập trung thúc đẩy. Thủ tướng đánh giá năm 2024, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ, tạo nền tảng quan trọng để tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2025. Thủ tướng chỉ đạo cần đẩy mạnh cải tiến sản phẩm du lịch, đồng thời nghiên cứu và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để thu hút khách du lịch quốc tế. Một trong những biện pháp quan trọng là cải thiện chính sách thị thực, trong đó xem xét miễn thị thực có thời hạn cho một số nhóm du khách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để khuyến khích khách quốc tế đến Việt Nam và lưu trú dài ngày hơn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế./.