Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 này đạt gần 411.000 tỷ đồng, đạt hơn 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Do đó, để thực hiện mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch thì vẫn còn khoảng 35% cần thực hiện trong thời gian hơn hai tháng còn lại của năm tài chính 2024 (năm tài chính 2024 kết thúc vào 31/1/2025).
Tính chung 11 tháng của năm nay tỷ lệ giải ngân thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Ước giải ngân 11 tháng, vốn ngân sách trung ương đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023 nhưng vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp. Hiện có 18 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Trao đổi với Báo Tiếng nói Việt Nam, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nêu giải pháp hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công:
Thưa PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, ông đánh giá như thế nào về thực tế giải ngân đầu tư công chậm trễ của 10 tháng qua?
Việc giải ngân đầu tư công chậm trễ 10 tháng qua là một thực tế đáng buồn. Theo quy luật thì thời gian đầu năm đến tháng 10 vẫn duy trì mức độ giải ngân thấp, nhưng năm 2024 này thấp hơn các năm trước đây. Có nhiều cái nguyên nhân, như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, các điều kiện phục vụ cho thi công khởi công, rồi nguyên nhân thời tiết, đặc biệt là ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu trên cả nước dẫn đến giải ngân của các dự án chậm. Trong đó có cả một nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta đang tái cơ cấu bộ máy, tổ chức đội ngũ cán bộ và vì thế nên ở một số địa phương, bộ, ngành thì việc mà thực thi nó cũng có cái sao nhãng không được như trước đây. Và vì thế cho nên cái tốc độ giải ngân vay vốn đầu tư công ở một số bộ, ngành, địa phương chưa được như mong muốn.
"Việc vận dụng cơ chế chính sách còn ở mức độ khác nhau giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, các ngành. Cùng văn bản pháp luật nhưng có địa phương làm tốt, có nơi thì không vận dụng được... Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công" - Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn.
|
Với thực tế đó, theo ông cần có những giải pháp nào để đạt được mục tiêu giải ngân ít nhất là 95% như Nghị quyết 01/NQ-CP đề ra đầu năm nay?
Thực tế để giải ngân được ít nhất 95% thì chúng ta phải thực hiện rất nhiều công việc khác nhau trong thời gian từ nay đến hết năm tài khóa 2024, ưu tiên đầu tiên là giải phóng mặt bằng. Hành lang pháp lý liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư công, kinh doanh bất động sản và nhiều luật khác đã có hiệu lực, đặc biệt là 3Luật Đất đai 2023. Thế nhưng biểu giá đất thì vẫn đang thực hiện theo khung giá đất của Luật Đất đai năm 2013 cho đến ngày 1/1/2026. Như vậy, rõ ràng là việc đền bù đất đai, hoa màu, tài sản của người dân sẽ có những khó khăn nhất định do người dân mong muốn chờ đợi Luật Đất đai 2024 đưa ra mức giá đền bù mới, theo giá thị trường, cao hơn. Do đó chúng ta phải giải quyết vấn đề này để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư công được nhanh chóng triển khai.
Các thủ tục hồ sơ theo Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng... cũng cần đưa vào thực hiện trong thực tiễn một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất vì rõ ràng là những luật này có hiệu lực rồi. Thế nhưng, việc thực hiện gặp một số vướng mắc, và từ đó gây khó khăn cho hoạt động giải phóng mặt bằng, khởi công dự án, do đó phải đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ.
Chúng ta phải số hóa tất cả hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến thủ tục hành chính để từ đó giúp các chủ đầu tư, các đơn vị, địa phương có thể tiếp cận với chính sách một cách đơn giản, dễ dàng và hiệu quả.
Cần chấn chỉnh hoạt động của bộ máy, từ các bộ, ngành, địa phương, đến các quận, huyện, ban quản lý dự án. Trong thời gian vừa qua cũng có một thực tế là có sự thay đổi, xáo trộn, điều chuyển cán bộ, đổi mới cơ cấu tổ chức. Do đó dẫn đến một số đơn vị hoạt động chưa ăn khớp, chưa được như mong muốn. Cuối cùng chúng tôi vẫn nhắc đến là chúng ta phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, từ chủ đầu tư dự án đến người đứng đầu ở các bộ, ngành, địa phương với việc giải ngân đầu tư công và coi đó là nhiệm vụ chính trị phải thực hiện trong thời gian này. Có như vậy thì họ mới chủ động nắm bắt, giải quyết. Dù cơ cấu bộ máy chưa thực sự ổn định nhưng người đứng đầu mà quyết tâm thì bộ máy vẫn phải chạy. Như vậy thì rõ ràng việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công tới đây.
"Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm mục đích sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước phồn vinh, thịnh vượng" - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc.
|
Vậy theo ông, ngoài câu chuyện thay đổi về mặt tổ chức hoặc trách nhiệm của người đứng đầu dẫn đến những khó khăn nội tại, thì các địa phương có đủ nguồn lực, vốn đối ứng để thực hiện hoạt động giải ngân đầu tư công không?
Thực tế mà nói thì năm 2024 nguồn thu ngân sách của các địa phương tương đối tốt so với các năm trước. Cho nên thực tế nguồn vốn đối ứng để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công không quá khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến tổ chức quản lý cũng như điều hành chính sách mới làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Tất nhiên là cũng có thể có một vài địa phương, đặc biệt là những địa phương chịu ảnh hưởng tương đối lớn của hoàn lưu cơn bão số 3 vừa qua, gặp khó khăn nhất định. Chúng tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cần xem xét để có sự điều chỉnh phù hợp đối với các địa phương khó khăn này theo cơ chế chính sách về quản lý tài chính công.
"Chúng tôi xác định công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cần phải tập trung cao, không được để tình trạng dự án chờ mặt bằng - nhất là các dự án lớn, dự án trọng điểm. Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công các dự án mới. Chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch của năm 2024 đối với các dự án có tiến độ giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu vốn và tiến độ giải ngân tốt. Chỉ đạo các nhà thầu xây dựng phương án thi công hợp lý trong mua mưa bão và tổ chức tập trung tăng ca trong những ngày thời tiết thuận lợi" - Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạc và Đầu tư Hà Tĩnh.
|
Với tư cách một chuyên gia tài chính, ông đánh giá mục tiêu 95% đó của Chính phủ có thể thực hiện được trong thời gian cuối năm tài chính 2024 không?
Từ nay đến hết năm tài chính năm 2024 còn hơn hai tháng nữa, tức là đến hết 31/1/2025. Vì thế chúng tôi cho rằng nếu như các bộ, ngành, địa phương hạ quyết tâm, Chính phủ cùng với các địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện đầu tư các dự án thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu giải ngân đầu tư công từ 95% trở lên như Nghị quyết 01/NQ-CP đề ra. Theo Tổng cục Thống kê, hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng một điểm phần trăm sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm khoảng 0,12 điểm phần trăm. Do đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhanh, hiệu quả sẽ có tác động rất tích cực tới nền kinh tế./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
"Chúng tôi giảm thiểu thời gian kiểm soát còn 1 đến 2 ngày, giảm hơn so với quy định của Chính phủ, và trong thời gian cao điểm thì tăng cường cán bộ đi làm thứ bảy, chủ nhật để kiểm soát nhanh hồ sơ cho chủ đầu tư và Ban quản lý nên ước đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 95% kế hoạch Chính phủ giao" - Ông Lê Hoài Thanh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Hòa Bình.
|