Giải ngân đầu tư công cần nỗ lực rất lớn để đạt mức 95%

Hết tháng 9/2024 mới chỉ đạt 47,29% kế hoạch được giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Do đó, việc đạt được mục tiêu này đòi hỏi những giải pháp quyết liệt

 

Mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP là phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch. Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2024 mới chỉ đạt 47,29% kế hoạch được giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Do đó, việc đạt được mục tiêu này đòi hỏi những giải pháp quyết liệt và đồng bộ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân đầu tư công chậm, như thủ tục hành chính còn rườm rà, giá nguyên vật liệu phục vụ các dự án đầu tư công liên tục biến động khiến dự án bị đội vốn, hay những vướng mắc trong Luật Đấu thầu… Đáng chú ý là nguồn thu ngân sách địa phương đảm bảo cho chi đầu tư phát triển thấp hơn kế hoạch, nguyên nhân bắt nguồn từ việc thu ngân sách địa phương đạt thấp hơn kỳ vọng. Cụ thể, số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương được giao trong năm 2024 là 432.300 tỉ đồng, cao hơn khoảng 89.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2023, chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản nhiều biến động, các địa phương chưa thực hiện được kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất dẫn đến hụt thu, chưa có nguồn vốn để bố trí cho các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch

Trong khi đó, chi đầu tư công cũng có những vướng mắc như hiện trạng thiếu đất để san lấp, bởi đất phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản. Do đó, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc cần cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công.

Đây là những vấn đề không mới nhưng đã tạo ra những lực cản rất lớn đối với giải ngân đầu tư công. Bởi vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công theo kế hoạch. Cụ thể là đẩy mạnh hoàn thành phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia... Chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả; bám sát và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024 của tập thể, cá nhân; tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, phục vụ các dự án; xử lý nghiêm tình trạng tạo khan hiếm giả, liên kết để nâng giá, khai thác, cung cấp không đúng quy định.

Theo Tổng cục Thống kê, hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng một điểm phần trăm sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm khoảng 0,12 điểm phần trăm. Do đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhanh, hiệu quả sẽ có tác động rất tích cực tới nền kinh tế./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận