Thị trường vốn 2023 - hướng dần tới sự chuyên nghiệp

Giai đoạn 2016 - 2021, quy mô của thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Đến cuối quý 1-2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021.

 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2021, quy mô của thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Đến cuối quý 1-2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP.

Đối mặt với nhiều thách thức

Tính đến hết năm 2021, mặc dù chịu tác động bất lợi từ dịch Covid-19, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán (TTCK) - hợp phần quan trọng của thị trường vốn - vẫn đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ đạt trên 318 nghìn tỷ đồng, huy động vốn của khối doanh nghiệp qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần đạt trên 143,5 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020. Thị trường trái phiếu Chính phủ đã hỗ trợ tích cực trong việc cơ cấu lại danh mục nợ của Chính phủ cả về kỳ hạn, khối lượng, chi phí. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có sự tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua... Với những kết quả như vậy, dường như thị trường vốn Việt Nam đã rất sẵn sàng để cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngay từ cuối năm 2021, các nhà quản lý đã cảnh báo về những bất ổn đối với thị trường vốn, ngay cả khi VN-Index đã vượt ngưỡng 1500 điểm và phát hành TPDN của năm 2021 bằng cả giai đoạn 2011-2018, trong đó 95% là phát hành riêng lẻ, 5% phát hành ra công chúng.

Thị trường vốn còn nhiều cơ địa phát triển

Và không phải chờ đợi lâu, phiên giao dịch 10/1/2022 đã thành "giọt nước làm tràn ly" khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bán 75 triệu cổ phiếu FLC không báo cáo, không công bố thông tin . Với “cú sốc” mà FLC gây ra, ngay phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index đã mất 24,77 điểm, đến phiến 11/1 mất mốc 1500 điểm, nhiều nhà đầu tư tài khoản bị âm 5 - 10% do thị trường chứng khoán sụt giảm. Ngay hôm sau đến lượt Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm đã khiến thị trường thêm một phen dậy sóng. Bởi sau đó, cơ quan chức năng cũng công bố việc hủy kết quả niêm yết TPDN của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cho thấy sự bất ổn của những trái phiếu 3 không (không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm). Hơn thế nữa, theo nhiều chuyên gia tài chính, có nhiều yếu tố còn gây bất ổn hơn cả 3 không, ví dụ như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích…

Ngày 11/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống. Phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cố phiếu và trái phiếu. Mục tiêu đến hết năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP.

Trước sai phạm của một số doanh nghiệp khiến thị trường TPDN diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Đồng thời, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát hành, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam: 11 tháng của năm 2022, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2021 và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%. Hiệp hội cho biết năm 2023 sẽ có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Còn TTCK, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/12/2022, quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 64,2% GDP, giảm 29,9% so với cuối năm 2021

Cần chính sách linh hoạt

Nhìn lại năm 2022 để thấy thị trường vốn đang bước vào năm 2023 với một nền tảng nhiều thách thức. Đối với TTCK trong trung và dài hạn vẫn còn tiềm năng tăng trưởng. Các chuyên gia đều kỳ vọng, năm 2023 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED sẽ giảm cường độ tăng lãi suất. Từ đó, áp lực tỷ giá trong nước cũng sẽ giảm dần. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế dần được khôi phục, doanh nghiệp hoạt động khả quan...sẽ tác động tích cực đến TTCK.         

Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023. Ngoài ra, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện đang ở mức 11,3 và được đánh giá ở mức hấp dẫn.

Tuy nhiên, thách thức lớn chính là nếu lãi suất huy động tiếp tục gia tăng như trong giai đoạn vừa qua thì dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng, đồng thời gây áp lực đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới có thể khó khăn hơn. Nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu của người dân các nước này sụt giảm, nhất là tại các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU...sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như làm chậm lại tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục kéo dài cũng tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng.

Thị trường chứng khoán cuối năm vẫn thiếu dấu hiệu tích cực

Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt của TTCK, thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, UBCKNN đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó coi trọng tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán để bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2022, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề xuất: Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ nhà đầu tư và thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư như kinh nghiệm quốc tế, đồng thời sửa đổi Nghị định 128/2021/ND-CP theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên TTCK, tăng tính răn đe và hiệu lực thực thi pháp luật; Ban hành Quy chế hướng dẫn Thông tư 120/2020/TT-BTC về giao dịch T+0 theo đúng kế hoạch, lộ trình; Nghiên cứu sửa đổi một số tiêu chí của VN30 đảm bảo chất lượng, quy mô, hiệu quả của các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường; Phát triển các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa, hạn chế rùi ro; Quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính (nhất là mối quan hệ liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - BĐS - bảo hiểm). Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm quy định trên TTCK và thị trường TPDN để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, tăng cường giáo dục tài chính.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: "Năm 2022 do việc chấn chỉnh thị trường TPDN, TTCK và chống một cách mạnh mẽ những hoạt động thao túng thị trường, phát hành trái phiếu không đúng quy định, làm thị trường chững lại, giảm sâu khoảng 50 - 52%. Sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức, giám sát, quản lý có thể giúp TTCK Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng và phát triển trong năm 2023.  Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được kết quả tốt, đây sẽ là yếu tố tác động tích cực lên TTCK. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính lấy ý kiến chỉnh sửa các điều kiện, thực hiện giám sát quản lý đối với TPDN. Do đó cũng hy vọng trong năm 2023 doanh nghiệp có thể lấy lại được lòng tin của các nhà đầu tư, huy động được nguồn vốn tốt hơn từ thị trường vốn trung và dài hạn.

Đối với thị trường TPDN, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện tài chính - phân tích: “Nếu các tổ chức tài chính có thể gom các trái phiếu đơn lẻ của nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau để tổng hợp thành một trái phiếu duy nhất, tức là trái phiếu tổng hợp, thì mức độ rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều, trong khi lợi tức vẫn hấp dẫn. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là các cơ quan quản lý phải có cái nhìn thông thoáng, theo kịp được những diễn biến trên thị trường để ban hành các quy định quản lý phù hợp, kịp thời, tránh tình trạng không quản được thì cấm. Chẳng hạn như các hạn chế tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ đối với nhà đầu tư cá nhân, mặc dù có thể hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, nhưng cũng cản trở sự tham gia của họ nói riêng và sự phát triển của thị trường nói chung".

Nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, để có một thị trường vốn đáp ứng được nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thì cần phát triển đội ngũ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đặc biệt chú trọng đến việc thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài và phát triển các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức trong nước (gồm cả công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mở, quỹ hưu trí…). Để phát triển thị trường vốn hiệu quả và bền vững thì chính sách cần được triển khai đồng bộ, trong đó chú ý tính hai mặt của các chính sách, giải pháp./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận