Minh bạch để thị trường lành mạnh

Năm 2022 này, câu chuyện thiếu minh bạch cần được nghiên cứu để xử lý, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư và Nhà nước khi đồng tiền đầu tư sai đối tượng.

 

Tháng 10/2021, những thông tin hấp dẫn về một cổ phiếu nhóm ngành thép lan truyền: Là một trong những doanh nghiệp thép được đánh giá cao trên thế giới; ngành có cơ hội phát triển tốt, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tốt; định giá dự kiến có thể lên đến 60.000 đồng/cố phiếu, thậm chí 80.000 đồng/cổ phiếu…đã khiến cho cổ phiếu này “chạy” và tăng gần 2.000 đồng/cổ phiếu leo lên mức đỉnh 57.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong phiên giao dịch chứng khoán buổi sáng. Nhiều nhà đầu tư hưng phấn đặt lệnh mua. Thế nhưng, chỉ sang phiên hôm sau, cổ phiếu này bắt đầu tụt dốc và giảm giá không phanh. Đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu chỉ còn 45.800 đồng, có thời điểm trong phiên còn xuống mức dưới 45.000 đồng. Những người đã trót “ôm” cổ phiếu này nếu không bán sớm để giảm lỗ thì chỉ còn cách ngậm ngùi chờ đợi lúc giá lên, mà cũng chưa biết bao giờ, khi có nhiều ý kiến cho rằng toàn ngành thép đã bị định giá quá cao.

ảnh minh họa

Câu chuyện này không mới với những người tham gia thị trường chứng khoán, bởi có những cổ phiếu đã từng từ mức giá xấp xỉ 200.000 đồng giảm xuống chỉ còn 10.000 - 20.000 đồng. Nguyên nhân là nhiều thông tin sai lệch về thực lực của doanh nghiệp và cổ phiếu được tung ra. Chính vì vậy, trong những ngày cuối năm 2021, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) đã phải khuyến cáo nhà đầu tư cẩn thận, tránh bị lôi kéo và cuốn theo các luồng thông tin trên mạng xã hội khi mua bán cổ phiếu. Trong thông cáo ngày 28/12/2021, SCC cho biết đã phát hiện có những hội nhóm tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật để lôi kéo và xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán. "Uỷ ban khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh bị lôi kéo, cuốn theo các luồng thông tin trên không gian mạng, các nhóm chat này", thông báo viết.

Theo quy định tại Luật Chứng khoán, hành vi tung tin đồn sai sự thật, cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán bị cấm. Mức phạt tối đa cho hành vi thao túng thị trường (được định nghĩa là là đưa ra ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về chứng khoán hoặc tổ chức phát hành nhằm gây ảnh hưởng đến giá sau khi đã giao dịch) có thể lên tới 2-3 tỷ đồng trong trường hợp không có khoản thu trái pháp luật. Nếu có khoản thu nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền gấp 10 lần khoản thu đó.

ảnh minh họa

Việc cảnh báo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thị trường chứng khoán đặc biệt hưng phấn trong nửa cuối năm 2021 với hàng trăm nghìn tài khoản chứng khoán cá nhân được mở mới. Yêu cầu minh bạch thông tin phải áp dụng cho tất cả. Cùng với khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân cần phải xử phạt thật nặng những doanh nghiệp phát hành cổ phiếu nếu có hành vi cấu kết để thao túng.

Một nhà đầu tư đã nói vui: Ở Việt Nam bây giờ, mua vàng, đầu tư chứng khoán cần lật ngược thông tin trên mạng xã hội và một số trang điện tử, thấy báo giá lên là sẽ xuống, giá xuống là sẽ lên. Năm 2022 này, câu chuyện đó cần được nghiên cứu để xử lý, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư và Nhà nước khi đồng tiền đầu tư sai đối tượng.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận