Thị trường tài chính tiền tệ ngày càng nhiều thách thức

Ngày đầu tuần, một loạt thách thức đã xuất hiện trên thị trường tài chính - tiền tệ.

 

Ngày đầu tuần, một loạt thách thức đã xuất hiện trên thị trường tài chính - tiền tệ.

Khi nêu ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) vào ngày 24/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông "rất sốt ruột" trước tình trạng dù không được pháp luật công nhận nhưng giao dịch tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền ảo) vẫn diễn ra với số lượng ngày càng lớn. Trước thực trạng này, "cần nghiên cứu chế tài phù hợp, và nên giao Chính phủ quy định chi tiết". Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị dự luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) cần bổ sung quy định về tiền ảo, giao dịch tiền ảo. Đây là một bước tiến tích cực để các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ hơn nhằm quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh việc tiền ảo bị biến thành công cụ rửa tiền phạm pháp, gây bất ổn xã hội.

Cũng trong ngày đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành với mức lãi suất tái cấp vốn tăng lên 5%/năm, tái chiết khấu lên 3,5%/năm và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm; với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm... Việc này giúp giảm áp lực lên hệ thống tiền tệ và tỷ giá hối đoái của Việt Nam, ổn định kinh tế vĩ mô trong nước. Đây được coi là phản ứng nhanh chóng và linh hoạt của NHNN Việt Nam trước biến động của thị trường tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, nếu như các ngân hàng thương mại không giữ được mức lãi suất cho vay ổn định như mong muốn, thì chi phí đầu vào và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nhiều mức độ khác nhau.

Lãi suất điều hành và tỷ giá cùng tăng

Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.700 đồng/USD, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ 5%, các ngân hàng hiện được phép giao dịch mức giá cao nhất 24.885 đồng. Đây là lần thứ 4 liên tiếp NHNN tăng giá bán USD tổng cộng 1.470 đồng chỉ trong 3 tháng. Theo đà đó, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh giá mua bán USD lên kịch trần được phép và tăng hơn 8,5% so với đầu năm. Đáng chú ý là dù giá mua bán đã tăng chóng mặt, nhưng USD trên thị trường tự do vẫn khan hiếm và khách mua lẻ tại nhiều điểm ở Hà Nội đã nhận được câu trả lời đồng loạt "hết USD" khi muốn mua ngoại tệ này.

Ngược lại với giá USD, hầu hết các mã chứng khoán trên thị trường trong nước đều giảm điểm khi VN-Index "thủng" mốc 1000 điểm, còn 986,15 điểm - mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Sàn TPHCM có 430 cổ phiếu giảm, trong đó gần 150 mã giảm sàn. Thanh khoản thị trường xấp xỉ 12.100 tỷ đồng và nhiều nhà đầu tư cá nhân đã mất 30 - 60% giá trị tài khoản so với đầu năm 2022. Với đà sụt giảm liên tục như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có còn đủ sự hấp dẫn?

Chứng khoán tiếp tục lùi xa ngưỡng 1000 điểm và gần hết tuần vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi

Những thông tin vừa kể cho thấy, thời gian tới, công tác điều hành thị trường tài chính - tiền tệ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, vừa ứng phó với tác động tiêu cực trên thế giới, vừa tìm giải pháp ổn định trong nước. Chỉ có sự linh hoạt và nhất quán trong điều hành mới có thể đưa ra được quyết định phù hợp để ổn định kinh tế vĩ mô và giữ được lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận