Mở cửa du lịch an toàn để kích cầu kinh tế

Theo chủ trương sống chung an toàn với dịch Covid-19, ngành du lịch cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả 2 thị trường du lịch nội địa và quốc tế...

 

Theo chủ trương sống chung an toàn với dịch Covid-19, ngành du lịch cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả 2 thị trường du lịch nội địa và quốc tế, để kích cầu kinh tế.

Tái khởi động

Dịch Covid-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23% năm về lượng khách quốc tế trong giai đoạn 2015 - 2019 của du lịch Việt Nam. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách du lịch nội địa, giảm 34,1% và tổng thu du lịch giảm khoảng 58,7%. Trong 9 tháng năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Các doanh nghiệp du lịch gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, lao động rời bỏ ngành.

Báo cáo Thường trực Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 24/10 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, Việt Nam sẽ đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vaccine” từ ngày 20/11; đồng thời cũng triển khai chương trình kích cầu, phục hồi du lịch nội địa toàn quốc.

Phục hồi du lịch nội địa phải đảm bảo an toàn cho du khách. Ảnh: Trube

Theo đó, trên cơ sở Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai của địa phương, chỉ đạo doanh nghiệp du lịch tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên, nhân viên được hướng dẫn và phổ biến các quy định về cách phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL và quy định của địa phương. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần ứng dụng Hệ thống đăng ký và đánh giá an toàn Covid-19 tại địa chỉ https://safe.tourism.com.vn.

Kế hoạch từng bước mở cửa đón khách quốc tế được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021: Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và chuyến bay thương mại tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn. Địa điểm được phê duyệt là Thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cùng các tỉnh, thành: Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.

Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 01/2022: Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê bao và quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày (trước mắt kết nối Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh) và có thể bổ sung thêm một số địa phương khác (nếu đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn đón khách và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế).

Giai đoạn 3: Mở cửa hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

Kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch nội địa toàn quốc tập trung vào 06 nhóm nhiệm vụ, gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.

“Chúng ta đã bị muộn và không thể muộn thêm. Phải tích cực mở cửa từ Phú Quốc để tạo hình mẫu và tọa độ kết nối các điểm du lịch khác, nhất là ở miền Bắc. Từ đó, tạo khả năng thông thương du lịch quốc gia theo chuỗi kết nối. Vấn đề nằm ở khả năng phủ vaccine, tạo thành những luồng xanh thông thoáng”. PGS. TS. Trần Đình Thiên

Thời điểm chín muồi

Tại buổi tọa đàm “Mở cửa du lịch thế nào để an toàn?” nhằm đánh giá thời điểm mở cửa du lịch, các điều kiện để mở cửa du lịch an toàn, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng, sau 4 đợt dịch bùng phát, nguồn lực doanh nghiệp đã cạn kiệt, du lịch đã “chạm đáy”. Do đó, cần phương án, kế hoạch thí điểm đón khách và xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn trong điều kiện bình thường. Việc khôi phục du lịch là một trong những mong muốn cấp bách của tất cả doanh nghiệp và lao động trong ngành du lịch.

“Việc mở cửa sẽ giúp hoạt động du lịch dần dần quay trở lại; các doanh nghiệp sẽ kết nối lại với đối tác, bạn hàng, tìm kiếm thị trường sau hai năm đứt gãy; thu hút, đào tạo lại lao động đặc thù; đồng thời cũng sẽ lan tỏa, kích thích phục hồi các ngành nghề khác. Đây là thời điểm chín muồi để chúng ta mở cửa du lịch. Về chủ trương, Đảng và Chính phủ trong thời gian vừa qua ủng hộ việc vừa phòng chống dịch an toàn vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định.

Chỉ khi nào có khách quốc tế vào thì các hoạt động kinh tế đối ngoại mới khởi động trở lại

Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp du lịch, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều đã có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ. Người dân cũng nâng cao ý thức phòng dịch, đồng thời tích luỹ kinh nghiệm trong 4 đợt dịch vừa qua. Đó là những yếu tố quan trọng để ngành du lịch có thể hồi phục.

Đánh giá việc mở cửa lại thị trường quốc tế thời điểm hiện nay, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết: “Tôi nghĩ rằng đây là con đường duy nhất chúng ta khôi phục du lịch. Có thể chúng ta làm chậm lại một chút nhưng cái đích vẫn là phải mở cửa cho khách quốc tế vào trong thời gian sớm nhất. Chỉ khi nào có khách quốc tế vào thì các hoạt động kinh tế đối ngoại mới khởi động trở lại và xã hội mới phát triển bình thường được. Vì thế mở cửa đón khách quốc tế là bắt buộc”.

Bên cạnh đó, theo ông Bình, trong thời điểm này, thị trường khách du lịch nội địa cũng cần được đưa vào mục tiêu quan trọng. Chính khách nội địa khi đi du lịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và các ngành kinh tế khác. Mặt khác, nếu du lịch nội địa khởi sắc, sôi động, khách quốc tế sẽ cảm nhận được Việt Nam chúng ta đã là điểm du lịch an toàn và “đáng đến” sau khi dịch bệnh qua đi.

Nhiều khó khăn

Mặc dù nhiều tỉnh, thành phố hiện nay đã sẵn sàng như: Kiên Giang, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh,… nhưng việc mở cửa lại không phải dễ dàng. Để triển khai các tour khép kín, các công ty du lịch đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Đội ngũ phục vụ, hướng dẫn viên đều được tiêm đủ vaccine, xét nghiệm định kỳ, tập huấn thuần thục quy trình phục vụ khách an toàn… Khách du lịch tham gia các chương trình khép kín cũng được khảo sát kỹ thông tin dịch tễ, lịch sử di chuyển, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm… của trước ngày khởi hành. Tuy nhiên, thực tế điều kiện đón khách giữa các địa phương không thống nhất, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc tổ chức tour.

Điều kiện đón khách giữa các địa phương không thống nhất, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc tổ chức tour

Tại toạ đàm “Dìu nhau vượt khó - khởi đà du lịch” do Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) tổ chức chiều 23/10, đại diện nhiều hiệp hội du lịch địa phương và các công ty du lịch đã phản ánh tình trạng mỗi nơi 1 kiểu, không thừa nhận kết quả test Covid-19 của nhau, dù là vùng xanh nhưng nhiều nơi vẫn chưa sẵn sàng mở cửa hoặc sẵn sàng rồi nhưng chưa thể đón khách vì nhân viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Ông Lê Hồng Thái, Phó giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, nêu ví dụ: “Ngày 23/10, chúng tôi đã tổ chức đoàn khách đầu tiên từ Hà Nội đi Bắc Giang theo hình thức tour khép kín. Tuy nhiên, đến đêm 22/10 đoàn vẫn chỉ được phép bố trí hành khách ngồi giãn cách một ghế và không vượt quá 50% số ghế ngồi được cấp phép để phòng chống dịch”./.

Tính đến 22/10/2021, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai Hệ thống đăng ký và đánh giá an toàn Covid-19, với 13.962 đơn vị đăng ký tự đánh giá trên hệ thống. Trong đó có trên 13.000/30.000 cơ sở lưu trú du lịch, 849 doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc đã đăng ký tương tác trên hệ thống.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận