Khi Lạng Sơn không còn buôn lậu

Nâng cao hiểu biết về pháp luật của người dân, doanh nghiệp sẽ là những phương thức hữu hiệu trong chống buôn lậu, gian lận thương mại "hậu đại dịch"

 

Cuối năm 2022, nếu hỏi về tình hình buôn lậu, các cán bộ Hải quan tỉnh Lạng Sơn sẽ cảm thấy như lạc lõng, bởi cả năm qua, đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được phía bạn rào kín để thực hiện chính sách zero Covid với tường rào cao 3 - 4m, có cảm ứng nhiệt, camera và loa phóng thanh có thể phát hiện và cảnh báo sớm khi có thực thể sống đến gần, "con kiến không chui lọt". Còn ông Hoàng Văn Đoàn - Đội phó đội kiểm soát Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn - bình luận: "Chưa bao giờ Tân Thanh "yên bình" như thế này".

Nhưng đó chỉ là "yên bình" trong công tác chống buôn lậu, còn trong hoạt động xuất nhập khẩu, chưa bao giờ giao thương biên mậu tại Lạng Sơn lại khó khăn như vậy. Suốt thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, hàng nghìn xe tải chở hàng nông sản, chủ yếu là hoa quả, bị ùn ứ tại biên giới, đặc biệt là tại Lạng Sơn và Quảng Ninh, trong đó có thời điểm lên tới 1800 xe tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma thuộc tỉnh Lạng Sơn. Thời điểm đó, Hải quan Lạng Sơn vừa phải xây dựng vùng xanh tại các cửa khẩu, vừa từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cố gắng để thông quan nhanh nhất có thể. Chính sách "giao hàng không tiếp xúc" cũng khiến công việc của các lực lượng chức năng thêm phần khó khăn.

Cảnh ùn tắc ở cửa khẩu đầu năm

Sau rất nhiều nỗ lực ngoại giao kinh tế, từ cấp cao đến cấp trực tiếp làm việc, tình trạng này dần dần được tháo gỡ. Hàng hóa từng bước được thông suốt, song song với đó là những giải pháp ngay từ trong nội địa để hạn chế tình trạng hàng đã lên đến biên giới lại ùn ứ hoặc phải quay về, nhờ người tiêu dùng giải cứu. Cụ thể nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng kiểm dịch, kết nối chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên giữa lực lượng chức năng tại các địa phương có cửa khẩu với đơn vị đồng cấp ở nước bạn và địa phương có hàng nông sản trong nước để liên tục cập nhật quy định mới của phía bạn về phòng chống Covid-19, định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đó. Từ tháng 10/2022 đến nay, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản qua biên giới thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều dấu hiệu tích cực với số lượng khoảng 200 - 300 xe mỗi ngày. Ngay cả cửa khẩu Cốc Nam phía bạn vẫn coi là lối mở cũng làm thủ tục xuất khẩu mỗi ngày khoảng 5 xe mít từ tháng 10/2022.

Cửa khẩu Cốc Nam chiều cuối năm. Phía bạn vẫn thực hiện nghiêm ngặt zero Covid

Năm 2023 được kỳ vọng sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực hơn đối với công tác xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, khi dịch Covid-19 dần dần được coi như bệnh đặc hữu. Khi đó, có thể Tân Thanh sẽ không "yên bình" như năm qua, và các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại sẽ phải bổ sung thêm những giải pháp hiện đại, thích nghi với tình hình mới để tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện "cửa khẩu số" theo kế hoạch của UBND tỉnh Lạng Sơn, đồng thời nâng cao hiểu biết về pháp luật của người dân, doanh nghiệp - nhất là hiểu biết về chính sách thuế - sẽ là những phương thức hữu hiệu trong chống buôn lậu, gian lận thương mại "hậu đại dịch"./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận