Giải cứu và cơ hội

Chỉ sau một tiếng, chiếc container 40 feets chở 40 - 50 tấn mít đã được bán hết, nhiều người đặt ship còn không mua được.

 

Tối muộn 25/12/2021, một dòng trạng thái được đăng trên mạng xã hội Facebook kêu gọi giải cứu xe container mít sau khi chờ nhiều ngày ở Lạng Sơn không được thông quan, phải quay về. Khi xe về đến Hà Nội, chỉ sau một tiếng, chiếc container 40 feets chở 40 - 50 tấn mít đã được bán hết, nhiều người đặt ship còn không mua được. Đây tiếp tục là một ví dụ về sức mạnh của cộng đồng mạng khi cần hỗ trợ nhà nông, thương gia giải cứu hàng hóa.

Mít giải cứu (ảnh Vietnamnet)

Nhưng kinh tế nông nghiệp và hoạt động thương mại không thể trông chờ vào giải cứu. Giải cứu chỉ là biện pháp tình thế, và cũng chỉ được một lượng rất nhỏ. Nếu so với số lượng hơn 4.000 xe nông sản đang ùn tắc ở biên giới, 1 container được giải cứu cho dù có chở 40 - 50 tấn là chưa đáng kể. Đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn sẽ không còn tình trạng giải cứu, nông sản Việt được trân trọng hơn. Tuy nhiên, nếu không có cách làm, thì mong muốn vẫn mãi chỉ là mong muốn.

Đã từ rất lâu, nhà nông và thương nhân Việt quen với việc xuất khẩu nông sản qua đường tiểu ngạch bởi chi phí thấp, vận chuyển dễ dàng, nhất là ở cạnh một thị trường khổng lồ với lượng khách hàng lên tới hơn 1,4 tỷ người và yêu cầu không quá khắt khe. Bởi vậy, khi chưa xảy ra sự cố ùn tắc, thì cả người sản xuất và người kinh doanh đều rất hài lòng với những gì đạt được thông qua con đường tiểu ngạch, thậm chí, người tiêu dùng trong nước cũng bị bỏ quên. Nhưng khi có thay đổi thì tất cả đều trở tay không kịp. Tâm lý làm ăn manh mún,“được chăng hay chớ” sẽ dẫn tới hệ quả là “được ăn cả, ngã về không”, mà câu chuyện ùn ứ nông sản là ví dụ nhãn tiền. Dù nhiều năm nay Bộ Công Thương đã khuyến cáo cần chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch, nhưng chưa nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hưởng ứng. Trong khi đó, ở từng địa phương, thay vì quy hoạch và thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp một cách nghiêm túc, thì lại xảy ra tình trạng sản xuất theo phong trào, chạy đua dẫn tới khi thì khan hiếm, mất mùa, khi thì được mùa mất giá.

Xe nông sản ùn ứ

Nhìn rộng ra thế giới, nhiều nước sản xuất nông nghiệp đã chuyển hướng đầu tư sản xuất nông sản chất lượng cao, đương nhiên giá bán cũng cao, đem lại lợi ích bền vững cho nhà nông, cho doanh nghiệp và cho quốc gia. Nếu như Nhật Bản thành công với nông sản có giá bán đắt nhất thế giới thì Israel nổi tiếng với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và Thái Lan chỉ “nhường” cho Việt Nam duy nhất một lần có loại gạo ngon nhất thế giới. Còn chúng ta, nếu cứ chọn việc dễ để làm thì từ “giải cứu” sẽ xuất hiện ngày một dày hơn. Và khi người tiêu dùng Trung Quốc có thu nhập tăng cao hơn, đòi hỏi chất lượng khắt khe hơn, thì ngay cả xuất hàng tiểu ngạch cũng không còn nhiều cơ hội./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận