'Tắc biên'

'Tắc biên' có lẽ là từ khóa gây ám ảnh nhất đối với những thương nhân làm ăn với bạn hàng Trung Quốc, cả xuất khẩu và nhập khẩu.

 

“Tắc biên” có lẽ là từ khóa gây ám ảnh nhất đối với những thương nhân làm ăn với bạn hàng Trung Quốc, cả xuất khẩu và nhập khẩu. Bởi không ai biết được, một ngày đẹp trời nào đó, phía bạn sẽ có động thái siết chặt hoạt động thông thương qua các cửa khẩu, khiến hàng hóa Việt Nam bị ùn ứ hàng nghìn xe, chủ yếu là nông sản. Mới đây nhất là gần 5.000 xe container nông sản bị ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn. Lý do là từ 8/12/2021, phía Trung Quốc dừng thông quan cửa khẩu Chi Ma do phát hiện 3 ca F0. Trong khi đó, tại 2 cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị, năng lực thông quan chỉ khoảng 150 - 200 xe/ngày.

Giải pháp để giảm “tắc biên” là thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước

Ở chiều ngược lại, các cơ quan chức năng Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, nơi có các cặp cửa khẩu thông thương với Lạng Sơn của Việt Nam, cũng đã thông báo chỉ thông quan cho hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam với những xe hàng về tới kho Bằng Tường trước 31/12/2021. Hàng về tới kho Bằng Tường từ ngày 1/1/2022 sẽ phải chờ đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc mới được thông quan. Như vậy, sẽ có hàng nghìn tấn hàng hóa được các thương nhân Việt Nam lên kế hoạch nhập khẩu phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần có nguy cơ bị ùn ứ và làm mất đi cơ hội kinh doanh.

Câu chuyện này thực ra không mới, vì năm nào cũng xảy ra ở các cặp cửa khẩu biên giới. Năm nay sự việc trở nên trầm trọng hơn bởi thời gian ùn tắc diễn ra ngay trước Tết Nguyên đán, khi hàng hóa đổ về nhiều. Sự cố này có thể khiến nhiều nhà nông, thương gia, doanh nghiệp vận tải mất Tết.

Mặc dù được giao giải quyết vấn đề này, nhưng trên thực tế, đây vẫn là nhiệm vụ khó khả thi với các cơ quan chức năng của Việt Nam, nếu như thông qua các con đường ngoại giao kinh tế không thuyết phục được phía bạn phục hồi và đẩy mạnh thông quan ở tất cả các cửa khẩu giáp biên. Và chuyện này cũng chỉ xảy ra với xuất khẩu hàng hóa tiểu ngạch với thủ tục đơn giản, dễ dàng, chi phí vận chuyển thấp. Còn với xuất khẩu theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính) thì sẽ không bị động như vậy. Vì thế, đây chính là lý do nhiều năm qua Bộ Công Thương vẫn khuyến khích thương nhân Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc theo con đường chính ngạch. Nói như Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: “Chúng ta có thể thấy thực tế là trong những thời điểm khó khăn nhất thì xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông hết sức bình thường, còn xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”.

Trước mắt, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp năng lực thông quan của các cửa khẩu. Đặc biệt cần chú ý thời gian nghỉ Tết của phía bạn. Đồng thời, tăng cường phổ biến thông tin, quy định mới của thị trường Trung Quốc cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu; phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp và địa phương triển khai các Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022…

Khi chưa thể gỡ rối được, giải pháp chính là thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, cùng chia sẻ với người tiêu dùng trong nước để giảm nỗi ám ảnh “tắc biên”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận