Kiểm soát lạm phát đối mặt nhiều thách thức

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2022 tăng 0,4%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá.

 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2022 tăng 0,4%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm giao thông giá giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm. Trong đó, giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%.

Giá thịt lợn tăng mạnh gây áp lực lên chỉ số giá cả

Điều đáng chú ý là khi giá xăng dầu tăng cao, các loại hàng hóa, dịch vụ đều tăng với lý do xăng dầu là đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Thế nhưng, khi giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm liên tục thì giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu hầu như không giảm, với lý do: xăng dầu chỉ là một bộ phận cấu thành nên giá cả của hàng hóa, dịch vụ đó.

Giá xăng dầu giảm nhưng giá nhiều loại hàng hóa dịch vụ chưa giảm

Những biến động của giá cả hàng hóa trong nước và thế giới khiến cho việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trở nên khó khăn. Theo thông tin của Washington Post, thế giới vẫn chưa thể yên tâm với xu hướng giá giảm hiện nay. Cụ thể là giá lương thực, năng lượng giảm so với mức đỉnh nhưng vẫn cao hơn năm ngoái, chưa kể nội tệ trượt giá khiến các nước nghèo chật vật. Mặc dù giá đã giảm, nhưng theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì sự điều chỉnh giảm này có thể mất từ 10 đến 12 tháng mới đến được với người tiêu dùng. Đó là chưa kể, các đợt tăng lãi suất của Fed khiến giá USD tăng cao so với nhiều tiền tệ khác, sẽ làm cho mức giảm giá thực tế không được như kỳ vọng. Dù đã giảm thì giá hàng hóa, thực phẩm, nhiên liệu và phân bón vẫn cao hơn đáng kể so với năm ngoái và nhiều nhà phân tích dự báo thị trường hàng hóa có thể tiếp tục biến động trong năm tới.

Thế giới chưa thể yên tâm với lạm phát, dù giá hàng hóa có giảm nhưng giá USD tăng mạnh

Tất cả những biến động này là sức ép lên mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam bởi nước ta có độ mở nền kinh tế khá lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Tỷ giá USD tăng cao khiến cho chi phí đầu vào tăng, cùng với đó là chi phí vận tải, logistic tăng theo giá xăng dầu và theo nhu cầu của thị trường. Sản xuất trong nước còn manh mún nên khó giảm được giá thành sản phẩm. Khâu trung gian còn nhiều khiến chi phí phân phối vẫn cao… Bởi vậy, để kiềm chế lạm phát thì ngoài việc đẩy nhanh việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ còn cần thúc đẩy công tác quản lý thị trường, tạo điều kiện thông thương hàng hóa, đồng thời kịp thời phát hiện và xử lý hành vi “té nước theo mưa” của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Lạm phát quá cao sẽ bào mòn sức chịu đựng của nền kinh tế và của người dân./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận