Áp lực lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2022 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Tuy nhiên, áp lực lạm phát có thể lớn hơn rất nhiều.

 

Chiến sự giữa Nga và Ukraine đang khiến kinh tế thế giới chao đảo, giá cả hàng hóa - nhất là những mặt hàng liên quan đến hai quốc gia tham chiến - tăng chóng mặt. Nếu như 2 năm trước giá xăng dầu trong nước chỉ xấp xỉ 12.000 đồng/lít, thì nay đã chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít. Giá dầu thế giới tăng không chỉ khiến giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng cao mà còn ảnh hưởng rất mạnh đến những hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xăng dầu như gas, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải... và khiến các mặt hàng xuất khẩu tuy được giá nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp và nhà sản xuất giảm đi rất nhiều.

Tất nhiên, áp lực lạm phát không chỉ diễn ra với riêng Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhưng với một đất nước tiềm lực kinh tế chưa mạnh, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu (cũng có nghĩa là phụ thuộc nhiều vào hoạt động vận tải) như Việt Nam, giá xăng dầu tăng là một thách thức rất lớn.

Giá xăng dầu đã lập kỷ lục mới: gần 30.000 đồng/lít

Trên thị trường vật liệu xây dựng, mặt hàng thép cũng vào vòng xoáy tăng giá. Nhiều doanh nghiệp đã thông báo tăng thêm 600.000 đồng/tấn thép so với tuần trước, và đây là lần thứ hai trong tuần giá thép tăng với tổng mức tăng cả hai lần đã là 1.200.000 - 1.400.000 đồng/tấn, khiến giá thép xây dựng trong nước vượt 19.000.000 đồng/tấn. Theo Tổng cục Thống kê, giá thép xây dựng tăng 10% thì giá thành xây dựng các công trình tăng 1%. Còn theo tính toán của một nhà thầu xây dựng, chi phí thép thường chiếm 10 - 30% tổng giá trị dự án xây dựng dân dụng, và khoảng 40 - 50% tổng giá trị dự án xây dựng cầu đường, cao tốc. Do đó, giá thép leo thang tác động rất mạnh tới các nhà thầu và tạo nên nguy cơ làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư công quy mô lớn trong gói phục hồi kinh tế.

Giá xăng dầu và giá vật liệu xây dựng tăng gây áp lực lớn đến tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam

Giá cả hầu hết các mặt hàng đều tăng mạnh do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân tích cực là nền kinh tế có những bước hồi phục sau gần hai năm trầm lắng vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nguyên nhân tiêu cực là cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn là yếu tố chủ đạo khiến áp lực lạm phát đè nặng lên toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mọi tính toán để chi tiêu, đầu tư, khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh đều phải cân nhắc lại để đảm bảo được thu nhập, lợi nhuận và ổn định trong từng mái nhà, từng cửa hàng, từng công xưởng.

Xuất khẩu thủy sản tăng nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp và người nuôi giảm sút do biến động giá xăng dầu

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, áp lực lạm phát đang là một thách thức với hầu hết các quốc gia, và nỗ lực chung của cả thế giới lúc này chính là tránh lặp lại cú sốc lạm phát thập niên 70 của thế kỷ trước mà hậu quả sau đó là kinh tế thế giới bị đình trệ, hàng chục năm không hồi phục được. Còn ở Việt Nam, bài toán khó hiện nay là cần có giải pháp hết sức cụ thể và tỉ mỉ để vừa kích thích, phục hồi kinh tế, vừa kiềm chế lạm phát hiệu quả. Bởi thực tế cho thấy, khi lạm phát quá cao thì sức mua sẽ giảm mạnh và hậu quả sau đó sẽ là giảm phát, có thể khiến nền kinh tế chưa kịp "hoàn hồn" sau đại dịch lại đình trệ một lần nữa./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận