Nhân tố nào tác động đến mục tiêu kiềm chế lạm phát?

Những thách thức đặt ra đối với việc điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm của Chính phủ là kiềm chế lạm phát ở mức 4%

 

Một trong những thách thức đặt ra đối với việc điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm của Chính phủ là kiềm chế lạm phát ở mức 4%, trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh, sản xuất kinh doanh còn nhiều vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như tác động của xung đột Nga - Ukraine.

Việc giá xăng dầu bán lẻ ngày 11/7 giảm là yếu tố tác động tích cực đến giá cả, bởi lẽ, xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ. Xăng dầu chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%. Giá xăng dầu giảm giúp chi phí sản xuất của các ngành công nghiệp, nông - lâm - thủy sản đều giảm, chi phí vận chuyển giảm, từ đó tác động tích cực tới giá thành và giá bán sản phẩm.

Cùng với việc giá bán lẻ xăng dầu giảm, còn một số nhân tố khác góp phần kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng. Đó là tình hình chiến tranh và dịch bệnh khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc, từ đó giảm sức ép tăng giá nguyên nhiên vật liệu. Ở trong nước, sản xuất nông nghiệp ổn định giúp cho nguồn cung lương thực thực phẩm chủ động, giá khó có thể tăng đột biến. Nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung cầu nông sản như thịt lợn, lúa gạo, rau quả… những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giá cả không bị tăng đột biến…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tốc độ tăng giá các loại nguyên nhiên vật liệu đầu vào của nền kinh tế, đặc biệt là giá xăng dầu, khó đoán định, có thể sẽ gây áp lực lên mục tiêu kiềm chế lạm phát. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều (tới 37%, riêng công nghiệp chế biến - chế tạo tới 50,98%) vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Khi giá nguyên, vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát. Các đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như: Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều đang dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại. Do đó, khả năng “nhập khẩu” lạm phát là rõ ràng. Thêm vào đó, giá xăng dầu vẫn là một ẩn số, bởi dù có giảm trong thời gian gần đây, nhưng không có gì đảm bảo mức giá này có thể được duy trì đến hết năm, và ngay cả duy trì thì mức giá xăng dầu hiện tại vẫn là một mức giá cao so với thu nhập bình quân.

Ngoài ra, việc áp dụng các chương trình hỗ trợ, kích thích phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với nhiều nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế cũng sẽ tác động không nhỏ đến mục tiêu kiềm chế lạm phát 2022./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận