Tuyên Quang: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng

Tuyên Quang được ví như 'nàng công chúa ngủ trong rừng'. Vẻ đẹp tiềm ẩn đó có sức cuốn hút kỳ lạ nhưng chưa được phát huy để mang lại giá trị thiết thực...

 

Tuyên Quang được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Vẻ đẹp tiềm ẩn đó có sức cuốn hút kỳ lạ nhưng chưa được phát huy để mang lại giá trị thiết thực. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, Tuyên Quang xác định du lịch là khâu đột phá để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh

Với gần 500 di tích lịch sử gắn với những địa danh nổi tiếng, tỉnh đã và đang tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch theo hướng bền vững, chú trọng phát triển các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… Với nhiều loại hình du lịch phong phú, Tuyên Quang trở thành sự lựa chọn thú vị cho nhiều du khách. Lượng du khách du lịch đến Tuyên Quang tăng theo từng năm.

Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành thương hiệu được du khách trong và ngoài nước yêu mến.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; đa dạng hệ sinh thái rừng với phương châm “không giữ được văn hóa truyền thống, không giữ được rừng thì không còn là Tuyên Quang nữa” cũng là định hướng, mục tiêu quan trọng đang được Tuyên Quang triển khai mạnh mẽ. Nhiều di sản văn hóa truyền thống các dân tộc được vinh danh, điển hình là “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Lễ hội Thành Tuyên với nhiều mô hình đèn Trung thu nổi tiếng đã được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến, trở thành thương hiệu của Tuyên Quang, hiện đang xây dựng thành lễ hội mang thương hiệu Quốc gia; Công tác bảo vệ, phát triển rừng được người dân hưởng ứng, trở thành phong trào rộng lớn, trở thành “thủ phủ” rừng trồng trong khu vực, đây cũng là lợi thế không nhỏ để Tuyên Quang phát triển du lịch sinh thái.

Hệ thống nhà hàng, khách sạn và ẩm thực truyền thống độc đáo được tỉnh quan tâm, phát triển. Toàn tỉnh hiện có trên 280 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 3.000 phòng. Trong đó, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 37 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 - 2 sao.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, ước tính tỉnh Tuyên Quang đã thu hút được hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 17,6%; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.238 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021... Những con số ấn tượng cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau thời gian dài bị đóng băng bởi dịch bệnh Covid-19.

Để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển du lịch, ngày 16/6/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Cụ thể, Tuyên Quang chú trọng nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có đáp ứng thị trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.

Đặc trưng của Lễ hội Thành Tuyên là hàng trăm chiếc đèn lồng khổng lồ với kiểu dáng và màu sắc rực rỡ.

Đến năm 2030, Tuyên Quang phấn đấu đón trên 5,5 triệu lượt khách du lịch; đóng góp vào GRDP toàn tỉnh từ 10% trở lên; tạo việc làm cho trên 35.000 lao động; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đáp ứng đa dạng thị trường.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Tuyên Quang đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Theo đó, Tuyên Quang đặt trọng tâm thu hút đầu tư hạ tầng du lịch. Đặc biệt, khi hệ thống giao thông cao tốc được kết nối, hoàn thành vào năm 2023, đường đôi được mở từ thành phố đến Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đang trong giai đoạn hoàn thiện, sẽ mở ra cơ hội lớn để đón khách đến Tuyên Quang thăm thú, nghỉ dưỡng. Hơn thế, Tuyên Quang cũng đang triển khai các thủ tục để xây dựng đường tốc độ cao Tuyên Quang - Hà Giang kết nối vào cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Xây dựng tuyến đường Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn) hình thành tuyến đường 2 điểm đến, tạo dấu ấn, thu hút du khách. Một tin vui là Tập đoàn SunGroup đã khảo sát đầu tư tại lòng hồ Na Hang, Ba Bể, xây dựng nơi này thành khu du lịch đẳng cấp… tạo đà thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác du lịch, dịch vụ.

Cùng với đó, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh Tuyên Quang đã nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, quảng bá, kích cầu du lịch, nhờ đó thị trường du lịch đã sôi động trở lại, tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân. Tháng 4/2022, Tuyên Quang đã tổ chức thành công Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế lần thứ nhất năm 2022. Đây là điểm nhấn đầy ấn tượng mở màn cho Năm Du lịch Tuyên Quang với chủ đề: “Du lịch Tuyên Quang - An toàn, hấp dẫn, trải nghiệm trọn vẹn”. Lễ hội đem lại trải nghiệm độc đáo, mới mẻ cho người dân và du khách. Đây thực sự là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trở lại nhanh chóng, mạnh mẽ, hiệu quả của du lịch Tuyên Quang. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế lớn nhất Việt Nam cho tỉnh Tuyên Quang.

Thắng cảnh núi Vài Trâu trên hồ thủy điện Na Hang.

Đặc biệt, sau 2 năm gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 được tỉnh Tuyên Quang tổ chức trở lại với rất nhiều hoạt động đặc sắc, diễn ra xuyên suốt từ cuối tháng 8/2022 đến nay đã trở thành điểm nhấn thu hút hàng vạn du khách trên cả nước đến với Tuyên Quang.

Bên cạnh các hoạt động vui chơi giải trí gắn với Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế,… du khách đến với Tuyên Quang còn có cơ hội kết hợp khám phá nhiều địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu di tích Tân Trào, hồ Na Hang, khu nghỉ dưỡng Mỹ Lâm, thác Mơ, thác Khuối Nhi... Trong đó, tập trung xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc sắc gồm: Du lịch hoài niệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội.

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang xác định đến năm 2025, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng và đặt mục tiêu đón 2,2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022, doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 2.300 tỷ đồng…. Ngành du lịch đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là làm mới các sản phẩm du lịch để thu hút du khách./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận