Tuyên Quang: Nhiều mục tiêu cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Tuyên Quang vẫn duy trì ổn định và phát triển kinh tế.

 

Nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng ở Tuyên Quang đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2021. Đây là tiền đề quan trọng để Tuyên Quang tiếp tục thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ và chỉ tiêu trong năm 2022.

Hoàn thành 17/20 chỉ tiêu

Năm 2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song với sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện "mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tạo niềm tin trong nhân dân đối với chính quyền, sự hài lòng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đến nay, Tuyên Quang đã hoàn thành 17/20 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giữ vững được "vùng xanh" theo cấp độ về dịch bệnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; kịp thời triển khai thực hiện các Nghị quyết, chính sách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; huy động hơn 220 cán bộ y tế, hơn 11 tỷ đồng và hàng nghìn tấn lương thực thực phẩm, đồ dùng thiết yếu hỗ trợ các tỉnh, thành phố thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, kinh tế duy trì ổn định và phát triển, nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra. Giá trị xuất khẩu công nghiệp tăng 16,8% so với năm 2020. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,3% với năm 2020, sản lượng lương thực đạt 34,8 vạn tấn; trồng mới trên 11.600ha rừng, đạt 110% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.476 tỷ đồng. Tạo việc làm cho trên 21.900 lao động, đạt 104,7% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,4%, kế hoạch 2,1%...

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự Lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Đánh giá tầm quan trọng của hệ thống giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện dư địa phát triển của tỉnh rất lớn, trong năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức khởi công một số công trình, dự án giao thông kết nối quan trọng như: Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án Xây dựng đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi Trung tâm huyện Yên Sơn Km14 QL2 Tuyên Quang - Hà Giang. Thu hút đầu tư và cho ý kiến triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đạt gần 25.000 tỷ đồng, bằng 50% so với mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025; quyết liệt thực hiện cải cách hành chính và triển khai các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Rà soát các giải pháp đảm bảo mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tinh thần của người dân; tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cụ thể hóa và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được phê duyệt”, ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang.

Tuy nhiên, năm 2021, Tuyên Quang có 03 chỉ tiêu chính không đạt kế hoạch như tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra (dự kiến năm 2021 tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 5,67% so với năm 2020 (kế hoạch 8,02%). Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 5,6% (kế hoạch trên 6%), Thu hút 1.605 nghìn lượt khách du lịch, đạt 72,4% kế hoạch; doanh thu xã hội về du lịch 1.488 tỷ đồng, đạt 70,6% kế hoạch (kế hoạch thu hút 2.217,9 nghìn lượt khách du lịch; doanh thu 2.190 tỷ đồng). Có 1 chỉ tiêu thành phần không đạt kế hoạch: Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 91,0% (kế hoạch 100%); Dịch Covid-19 còn bùng phát, lây lan tại địa bàn huyện Lâm Bình.

Quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra

Năm 2022, tỉnh Tuyên Quang xác định đây là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Mặc dù sẽ còn nhiều thách thức, khó khăn, tác động bất lợi của thiên tai, biến đổi khí hậu, nhất là dịch Covid-19 có thể kéo dài, nguy cơ lây lan, diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Tuyên Quang đề ra 6 nhiệm vụ chủ yếu và 20 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó dự kiến tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 8,3%, GRDP bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 7%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.784 tỷ đồng...

Cam sành Hàm Yên, đặc sản lừng danh của mảnh đất Tuyên Quang.

Để hoàn thành các nhiệm vụ và chỉ tiêu trên, theo ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy, Tuyên Quang cần tập trung nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Rà soát các giải pháp đảm bảo mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tinh thần của người dân; tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể hóa và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được phê duyệt; Triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trong tâm Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, trong đó tăng cường công tác kiểm tra, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời chỉ đạo đảm bảo phù hợp với thực tế địa phương. Tập trung các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh như DA Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, DA 2 tuyến đường dọc hai bên bờ sông Lô đấu nối với các tuyến QL37, QL2C, đường Hồ Chí Minh liên kết với đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với cao tốc Lào Cai - Nội Bài... Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhất là thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển khu đô thị được quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số./.

Tuyên Quang đề ra 6 nhiệm vụ chủ yếu và 20 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó dự kiến tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 8,3%, GRDP bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 7%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.784 tỷ đồng...

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận