Lấy bia nơi khác về lập hồ sơ di tích

Viết tiếp loạt bài 'Chuyện lạ ở Di tích LSVH quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu':

 

Trong hồ sơ di tích Quốc gia lại có cả hiện vật mang từ nơi khác về, không liên quan đến di tích và dùng làm tư liệu phục vụ lập hồ sơ xếp hạng di tích là sai. Tuy nhiên, sự việc này lại xảy ra tại Di tích quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Không còn là chuyện lạ

Báo TNVN đã có loạt bài viết “Chuyện lạ ở Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu”, số ra vào các ngày 23/12/2021; 13/01/2022; 21/01/2022, đề cập những bất thường trong hồ sơ di tích và bức xúc của người dân, con cháu dòng họ Nguyễn. Nhà thờ Nguyễn Hữu, làng Gia Miêu (xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 2002. Tại di tích có tấm bia mộ của cụ Nguyễn Hữu Vĩnh (thời Lê) là tổ tiên của Triệu tổ Nguyễn Kim, Chúa Nguyễn Hoàng, tổ tiên của các vị vua triều Nguyễn. Tuy nhiên, nhiều người dân làng Gia Miêu và con cháu trực hệ của cụ Nguyễn Hữu Vĩnh ở xã Ba Đình, huyện Nga Sơn lại đang có đơn đề nghị đưa tấm bia này về Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa vì nó không liên quan gì đến nhà thờ Nguyễn Hữu đã được xếp hạng. Đến nay, nghi vấn liên quan đến tư liệu chính trong hồ sơ di tích là tấm bia đá này đã được làm rõ.

Di tích Quốc gia nhà thờ Nguyễn Hữu, Hà Long, Hà Trung, Thanh Hóa. Ảnh: T.C

Tấm bia mộ Hằng quận công Nguyễn Hữu Vĩnh (1438-1477) được tìm thấy ở núi Thiên Tôn (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) năm 1989. Tại bài viết “Những tấm bia hộp của họ Nguyễn - Gia Miêu ngoại trang ở Thanh Hóa” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành trong sách Thông báo Hán Nôm học năm 1997 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm viết rõ điều đó. Bài viết cũng cho biết, ban đầu người dân dùng bia làm bàn giặt, sau UBND xã Hà Long nghi trong bia có giấu vàng nên thu về cất giữ ở kho của xã. Sau đó, tấm bia được UBND xã Hà Long cho nhà thờ Nguyễn Hữu mượn.

Làm việc với phóng viên tại di tích Quốc gia nhà thờ Nguyễn Hữu, ông Nguyễn Hữu Thoại (trên 80 tuổi, dòng họ Nguyễn Hữu - người trông coi di tích), cũng xác nhận, tấm bia đặt sát tường bên trái trong nhà thờ được đem từ UBND xã về. “Tấm bia này người dân tìm thấy ở núi Thiên Tôn, đem về xã Hà Long. Tiến sĩ Đinh Công Vĩ khuyên chúng tôi nên đem về nhà thờ”, ông Thoại nói.

Ông Nguyễn Hữu Thoại bên tấm bia mộ cụ Nguyễn Hữu Vĩnh. Ảnh: T.C

Để xác minh những thông tin trên, phóng viên đã trao đổi với Tiến sĩ Đinh Công Vĩ, ông Vĩ chỉ xác nhận, khoảng năm 1997, ông và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành có vào Hà Trung nghiên cứu, dịch nhiều tài liệu hán nôm nhưng không nhớ chuyện có khuyên những người trong nhà thờ Nguyễn Hữu đem bia từ UBND xã Hà Long về nhà.

Về vấn đề này, ông Hoàng Việt Dân, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Thẩm quyền giải quyết thuộc Chủ tịch xã nhưng Chủ tịch hiện không có ở ủy ban. Vụ việc này hết sức phức tạp, có lẽ phải nhờ tới cơ quan chuyên môn giải quyết”. Ông Dân đề nghị phóng viên để lại những câu hỏi để lãnh đạo huyện sẽ trả lời. Nhưng đã nhiều tuần trôi qua mà chưa thấy hồi âm.

Tại hội thảo khoa học về sự kiện nhân vật lịch sử liên quan trực tiếp đến di tích Quốc gia nhà thờ Nguyễn Hữu xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa tổ chức ngày 16/12/2021, GS.TS Đinh Khắc Thuân đã phát biểu: “Hồ sơ giới thiệu cả bia mộ cụ Nguyễn Hữu Vĩnh mới đưa từ lăng mộ cụ về từ đường, được xây trong tường và dùng làm tư liệu phục vụ hồ sơ xếp hạng di tích là sai. Điều đó làm mâu thuẫn thêm cho dòng họ và vi phạm Luật Di sản. Đề nghị chuyển bia này về Bảo tàng, vì đó là di vật Quốc gia, không ai được chiếm dụng”.

Cụ Nguyễn Hữu Vĩnh không được thờ tại Gia Miêu?

Làm việc với con cháu cụ Hằng quận công Nguyễn Hữu Vĩnh, tại nhà thờ Nguyễn Hữu ở làng Mậu Thịnh, xã Ba Đình, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa, các ông Nguyễn Hữu Lực (Trưởng ban liên lạc đại chi đệ nhất), ông Nguyễn Hữu Căn (đại diện chi đệ nhất, chi thờ Hằng quận công Nguyễn Hữu Vĩnh), ông Nguyễn Hữu Ân (đại diện chi đệ tam), ông Nguyễn Hữu Hưng (đại diện chi đệ tứ), mở cho phóng viên xem bản gốc gia phả chữ Hán và nhiều sắc phong từ thời Lê Cảnh Hưng tới các triều vua Nguyễn. Nội dung gia phả và sắc phong đều cho thấy nhà thờ Nguyễn Hữu tại làng Mậu Thịnh, xã Ba Đình, huyện Nga Sơn là nơi thờ Thái uý Trinh quốc công Nguyễn Đức Trung và Hằng quận công Nguyễn Hữu Vĩnh (cụ Vĩnh là con trai trưởng cụ Trung). Phần mộ cụ Nguyễn Hữu Vĩnh chôn ở khu vực chân núi Thiên Tôn, xã Hà Long, huyện Hà Trung.

Con cháu trực hệ của cụ Nguyễn Hữu Vĩnh tại nhà thờ Nguyễn Hữu, làng Mậu Thịnh, Ba Đình, Nga Sơn. Ảnh: T.C

Ông Nguyễn Hữu Lực cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn đề nghị Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Hà Trung, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đưa tấm bia từ nhà thờ họ Nguyễn Hữu ở làng Gia Miêu do ông Nguyễn Hữu Thoại đang quản lý trả lại nơi phát hiện ra là khu mộ ở núi Thiên Tôn, huyện Hà Trung. Đồng thời tố cáo ông Nguyễn Hữu Thoại và đề nghị ông Chủ tịch xã Hà Long giải quyết đơn đưa tấm bia mộ cụ Nguyễn Hữu Vĩnh về Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Ngày 22/2/2022, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 2313/UBND-TD gửi UBND huyện Hà Trung xem xét giải quyết đơn đề nghị”.

Phải trả hiện vật về nơi phát hiện

Liên quan đến những nghi vấn xung quanh hồ sơ di tích Quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu và tấm bia mộ Hằng quận công Nguyễn Hữu Vĩnh. Ngày 19/4/2022, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản số 1294/BVHTTDL-DSVH trả lời ông Nguyễn Hữu Kúc, Chủ tịch Hội đồng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu, về việc trả lời đơn liên quan đến di tích Nhà thờ Nguyễn Hữu.

Theo gia phả chi họ Nguyễn Trọng (Bút Sơn, Thanh Hoá) và gia phả các chi họ Nguyễn công tính, cụ Nguyễn Hữu Vĩnh là con cả của cụ Nguyễn Đức Trung, cháu đích tôn của cụ Nguyễn Công Duẩn. Cụ Nguyễn Hữu Vĩnh sau khi chết được con cháu táng tại khu vực núi Thiên Tôn, Hà Long, Hà Trung. Ông Nguyễn Trọng Trường (hậu duệ trực hệ chi trưởng của cụ Nguyễn Hữu Vĩnh) cho biết, từ nhiều năm nay, con cháu cụ Nguyễn Hữu Vĩnh về núi Thiên Tôn tìm kiếm mộ tổ tiên để phụng thờ, chăm sóc nhưng không tìm thấy mộ vì mất mộ bia.

Nội dung văn bản nêu rõ: Tại thời điểm lập hồ sơ, di tích còn các hiện vật như: bia hộp niên đại Hồng Đức 19 (1448) là bia mộ ông bà Nguyễn Hữu Vĩnh; bia hậu niên đại Tự Đức 32 (1879), các hoành phi, câu đối, khám thờ, bài vị, bát hương, gia phả... Việc liệt kê hiện vật trong di tích là cần thiết, giúp nghiên cứu, tìm hiểu về di tích. Trong số hiện vật liệt kê, có một số hiện vật góp phần làm sáng rõ giá trị di tích. Trong trường hợp tấm bia mộ tại di tích như ông đã nêu, nếu xác định được chính xác thông tin và đủ cơ sở để khẳng định không liên quan đến nhân vật được thờ tại di tích thì UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chuyên môn có thể xem xét trả về nơi phát hiện.

Ngày 22/4/2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cũng có văn bản số 814/STTTT-BCXB đề nghị Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin liên quan đến tấm bia mộ Hằng quận công Nguyễn Hữu Vĩnh mà nhiều người dân làng Gia Miêu và con cháu trực hệ của cụ Nguyễn Hữu Vĩnh ở xã Ba Đình, huyện Nga Sơn đang có đơn đề nghị đưa tấm bia đá về Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa vì nó không liên quan đến Nhà thờ Nguyễn Hữu đã được xếp hạng di tích này./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận