Chuyện lạ ở Di tích LSVH quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu: Bài 3: 'Chuyền bóng' lên trên

Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu với hồ sơ có quá nhiều vấn đề cần xác minh, làm rõ thì lại không được xác minh làm rõ.

 

Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu với hồ sơ có quá nhiều vấn đề cần xác minh, làm rõ thì lại không được xác minh làm rõ. Những nhân vật, sự kiện lịch sử được cơ quan chức năng tổ chức hội thảo khoa học để làm rõ lại không liên quan đến những nội dung sai phạm. Vì đâu?

Hội thảo khoa học gây tranh cãi

Ngày 23/12/2021, Báo TNVN đã có bài viết nhan đề “Bức xúc vì “lẫn” tổ tiên”, và ngày 13/1/2022 có bài “Cần xác minh tính chính xác của hồ sơ di tích”, phản ánh bức xúc của con cháu dòng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu, thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá vì những tổ tiên của dòng họ bị đưa vào thờ tự tại Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia nhà thờ Nguyễn Hữu nhưng nhà thờ này lại không liên quan đến dòng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu, cũng như những tồn tại cần xác minh, làm rõ trong hồ sơ di tích này. Vụ việc kéo dài trong nhiều năm, tuy nhiên, cho đến nay, con cháu dòng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu vẫn chưa có được câu trả lời thoả đáng từ các cơ quan chức năng.

Hội nghị - Hội thảo có nội dung không liên quan đến sai phạm được người dân phản ánh. Ảnh: T.C

Ngày 16/12/2021, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị - hội thảo khoa học về sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan trực tiếp đến di tích quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu. Tuy nhiên, ngay sau khi hội thảo diễn ra, hội đồng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu đã có kiến nghị về hội thảo. Bản kiến nghị khẳng định: “Cuộc hội thảo nhằm hợp thức những sai phạm trong việc cố tình làm sai lệch hồ sơ di tích để được công nhận di tích cấp Quốc gia, vì hơn 20 năm trước, khi làm hồ sơ di tích họ đã phớt lờ không hội thảo, bỏ qua những yếu tố pháp lý và khoa học lịch sử để cố tình dựng nên di tích lịch sử cấp Quốc gia nhà thờ Nguyễn Hữu xã Hà Long”.

Hội đồng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu nêu rõ: Chủ đề của hội thảo “Về sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan trực tiếp đến di tích nhà thờ Nguyễn Hữu xã Hà Long” nhưng những nhân vật lịch sử này không có liên quan đến việc sai phạm trong hồ sơ di tích, bởi lẽ, những nhân vật lịch sử này đã được lịch sử ghi nhận rất rõ ràng, minh bạch. Trong khi dòng họ chúng tôi kiến nghị đến các cơ quan chức năng những sai phạm trong việc lập hồ sơ di tích mà không kiến nghị xác minh công trạng hay xuất thân… của các nhân vật lịch sử đã quá rõ ràng này.

Hội nghị - Hội thảo mời chính những người từng là cán bộ lập hồ sơ di tích Nhà thờ Nguyễn Hữu tham gia tham luận nhưng không đưa ra được bất cứ chứng cứ nào xác minh tính chính xác của hồ sơ di tích Nhà thờ Nguyễn Hữu. Những tham luận tại hội thảo chỉ bàn về giá trị lịch sử và công trạng của các nhân vật lịch sử. Chỉ duy nhất tham luận của GS.TS Đinh Khắc Thuân phản bác hồ sơ di tích vì có quá nhiều sai phạm cần phải giám định lại.

Hồ sơ di tích quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu chỉ có bản photo gia phả (bản dịch chữ quốc ngữ), không có bản gốc chữ hán.

Ông Nguyễn Hữu Kúc, Chủ tịch Hội đồng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu, cho biết: “Dòng họ chúng tôi kiến nghị vấn đề liên quan đến Hồ sơ xếp hạng di tích nhà thờ Nguyễn Hữu xã Hà Long không đủ thủ tục pháp lý; không hợp lệ; hồ sơ di tích chỉ là bản copy không có bản gốc; cắt ghép nội dung làm sai lạc thế thứ dòng họ; không có cơ sở khoa học để đưa vào xem xét xếp hạng và quyết định công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia; vi phạm Luật Di sản văn hoá số 28/2001 và Nghị định 92/NĐ-CP. Tuy nhiên, Hội nghị - Hội thảo khoa học do Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hoá tổ chức lại bàn về các nhân vật lịch sử đang được thờ tại Nhà thờ Nguyễn Hữu mà không đưa ra được bất cứ sử liệu nào chép rằng đây là nơi gốc thờ tự các nhân vật lịch sử này”.

“Hội thảo này đã mượn danh và uy tín của các nhà khoa học để bao biện, hợp thức cho những sai phạm trong việc lập Hồ sơ xếp hạng di tích và Quyết định công nhận di tích lịch sử Quốc gia nhà thờ Nguyễn Hữu xã Hà Long. Nói chính xác, đây là Hội thảo chạy án”, ông Nguyễn Hữu Kúc bày tỏ.

Tỉnh “chuyền bóng” cho Bộ

Ngày 27/12/2021, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hoá có văn bản số 5457/BC-SVHTTDL với nội dung “Về việc giải quyết các vấn đề kiến nghị, tố cáo liên quan đến di tích Quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu, thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá”.

Theo đó, Sở VH-TT&DL căn cứ Điều 37, Luật Tố cáo và Điều 66, Luật Di sản văn hoá, thì “việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Kúc và các cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền của thanh tra Bộ VH-TT&DL tiếp nhận, kiến nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL giải quyết”. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản số 3618/UBND-VX ngày 25/03/2020 gửi Bộ VH-TT&DL về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Nguyễn Hữu Kúc và các cá nhân có liên quan. Bộ VH-TT&DL đã tiếp nhận nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết.

Ảnh chụp Tôn miếu họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Kúc cho rằng: Hồ sơ di tích Quốc gia nhà nhờ Nguyễn Hữu là do Sở VH-TT&DL lập. Bởi vậy, việc giải quyết khiếu nại về những sai phạm liên quan đến di tích này đáng nhẽ phải được thanh tra tỉnh và Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hoá tiếp nhận, tiến hành thanh tra, làm rõ rồi báo cáo UBND tỉnh, kiến nghị Bộ VH-TT&DL xử lý sai phạm theo trình tự. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, Sở VH-TT&DL lại “chuyền bóng” việc thanh tra cho Bộ. Đây là việc đùn đẩy trách nhiệm, không thừa nhận sai phạm của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá.

Luật sư Nguyễn Văn Tiến, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Mặc dù hồ sơ xếp hạng di tích được lập khi Luật Di sản văn hoá chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, ở thời điểm phê duyệt hồ sơ di tích vào năm 2002, Luật Di sản văn hoá số 28/2001 đã có hiệu lực. Do đó, khi phê duyệt hồ sơ, cơ quan chức năng phải đối chiếu với các quy định của Luật chứ không được áp dụng các quy định trước đó. Theo đó, nếu chiểu theo Luật Di sản thì hồ sơ xếp hạng di tích Quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu không đủ thủ tục pháp lý cần thiết, hồ sơ có nhiều nội dung chưa được xác minh. Cơ quan chức năng ngành văn hoá cần phải xác minh, làm rõ tính chính xác trong hồ sơ di tích theo các quy định của pháp luật./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận