Thế thứ (thứ bậc trên dưới) theo gia phả của các nhân vật lịch sử, những người có công với nước là không thể xuyên tạc, bởi nó không chỉ làm sai lạc gia phả họ tộc, gây hiểu lầm đối với các thế hệ con cháu trong gia tộc, mà lớn hơn, nó sẽ ảnh hưởng tới tính chính xác của lịch sử, dân tộc.
Loạn thế thứ
Ngày 23/12/2021, Báo TNVN đã có bài viết nhan đề “Bức xúc vì “lẫn” tổ tiên”, phản ánh sự bức xúc của con cháu dòng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu, thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá vì những tổ tiên của dòng họ bị đưa vào thờ tự tại di tích Lịch sử - Văn hóa (LS-VH) cấp Quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu nhưng nhà thờ này lại không liên quan đến dòng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu. Việc này gây hiểu lầm, mất đoàn kết trong con cháu dòng họ, làm sai lạc lịch sử và là việc làm vi phạm pháp luật.
Theo gia phả (bản dịch Quốc ngữ) và hồ sơ di tích Nhà thờ Nguyễn Hữu, 4 nhân vật lịch sử đang được thờ tự xắp xếp theo thứ tự thế thứ gồm: Hoằng Quốc Công Nguyễn Công Duẩn; Trình Quốc Công Nguyễn Đức Trung; Nghĩa Huân Vương Nguyễn Văn Lang; Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế Nguyễn Kim.
Tuy nhiên, theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả (ở Huế) và 52 bản gia phả khác của các chi họ Nguyễn công tính, cụ Nguyễn Đức Trung (con cả cụ Nguyễn Công Duẩn) có 8 con trai và 2 con gái nhưng không có người con nào tên Nguyễn Văn Lang.
Cụ Nguyễn Văn Lang là con của cụ Nguyễn Văn Lỗ (cụ Nguyễn Văn Lỗ là con trai thứ 5 của cụ Nguyễn Công Duẩn).
Cũng theo các bản phả của dòng họ Nguyễn công tính và Nguyễn Phúc Tộc, thế thứ liên quan đến tổ tiên trực hệ 9 đời chúa, 13 đời vua nhà Nguyễn được ghi: Hoằng Quốc Công Nguyễn Công Duẩn; Phó Quốc Công Nguyễn Như Trác (con trai thứ 4 của cụ Nguyễn Công Duẩn); Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lưu; Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế Nguyễn Kim; Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
“Nếu thế thứ theo các gia phả của các chi họ Nguyễn công tính và Nguyễn Phúc Tộc là đúng thì việc thờ phụng tại Nhà thờ Nguyễn Hữu là rất không bình thường, bởi lẽ, việc thờ tự tổ tiên của các chi họ theo phong tục của người Việt thường theo trực hệ của từng chi họ, không có việc thờ chéo.
Việc Nhà thờ Nguyễn Hữu biến cụ Nguyễn Văn Lang (con cụ Nguyễn Văn Lỗ - chi 5) thành con cụ Nguyễn Đức Trung (chi trưởng), biến cụ Nguyễn Kim (con cụ Nguyễn Văn Lưu - chi 4) thành con cụ Nguyễn Văn Lang để thờ tự là rất không bình thường. Việc này chứng minh rõ gia phả tại Nhà thờ Nguyễn Hữu là không chính xác, làm loạn thế thứ gia tộc dòng họ Nguyễn”, ông Nguyễn Hữu Kúc, chủ tịch Hội đồng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu nêu ý kiến.
“Các vị tổ tiên dòng họ Nguyễn đều là những nhân vật lịch sử lớn, có công với đất nước qua nhiều triều đại, là những vị khai quốc công thần, lập nên triều đại. Việc hồ sơ di tích nhà thờ Nguyễn Hữu xuyên tạc thế thứ dòng họ Nguyễn là hành động bôi tạc lịch sử, xúc phạm tổ tiên và gây hiểu lầm cho con cháu, cần được xác minh, làm rõ”, đại diện gia tộc họ Nguyễn công tính bày tỏ.
Mệt mỏi đi tìm bia mộ tổ tiên
Theo gia phả chi họ Nguyễn Trọng (Bút Sơn, Thanh Hoá) và gia phả các chi họ Nguyễn công tính, Công Tước Thiều Phó Quốc Công Nguyễn Hữu Vĩnh là con cả của cụ Nguyễn Đức Trung, cháu đích tôn của cụ Nguyễn Công Duẩn. Cụ Nguyễn Hữu Vĩnh sau khi chết được con cháu táng tại khu vực núi Thiên Tôn, Hà Long, Hà Trung, Thanh Hoá.
Ông Nguyễn Trọng Trường (hậu duệ trực hệ chi trưởng của cụ Nguyễn Hữu Vĩnh) cho biết, từ nhiều năm nay, con cháu cụ Nguyễn Hữu Vĩnh về núi Thiên Tôn tìm kiếm mộ tổ tiên để phụng thờ, chăm sóc nhưng không tìm thấy mộ vì mất mộ bia. Mãi đến năm 2019, con cháu mới được biết bia mộ của cụ Vĩnh đã bị đào đưa về UBND xã Hà Long, sau đó không biết vì sao lại được xây vào tường Nhà thờ Nguyễn Hữu và được sử dụng làm hồ sơ di tích cấp Quốc gia.
“Chi họ Nguyễn tại Nhà thờ Nguyễn Hữu này không hề liên quan đến dòng họ. Ông Nguyễn Hữu Thoại (người đang giữ trái phép bia mộ của cụ Vĩnh) không chứng minh được chi họ Nguyễn tại Nhà thờ Nguyễn Hữu có liên quan đến chi họ chúng tôi. Từ năm 2019 đến nay, dòng họ chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, đề nghị trả lại bia mộ cho dòng họ nhưng chưa được xem xét giải quyết. Đến nay, ông Nguyễn Hữu Thoại đã xây tấm bia này vào tường Nhà thờ Nguyễn Hữu để làm hồ sơ di tích”, ông Nguyễn Trọng Trường bức xúc.
Mới đây, trong thư của con cháu dòng họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, hội đồng gia tộc họ Nguyễn bày tỏ: Thờ cúng Tổ tiên là đạo lý thiêng liêng “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông ta. Nhà thờ của dòng họ là nơi tiếp nối gia pháp, nêu gương Hiếu - Trung, để con cháu phát huy truyền thống oai hùng của Tổ tiên, của Dân tộc. Trong họ đoàn kết một lòng, các họ mạc, láng giềng thuận hòa mới tạo sự cố kết xã hội... Việc ngụy tạo gia phả dòng họ Nguyễn, chiếm hữu bia mộ để làm hồ sơ chứng nhận di tích là vi phạm pháp luật và không thể chấp nhận.
Theo đó, gia tộc họ Nguyễn công tính chính chi Gia Miêu đề nghị Bộ VH-TT&DL giám định lại hồ sơ di tích LS-VH Quốc gia Nhà thờ Nguyễn Hữu và sớm có kết luận cho người dân./.