Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi…
Sau khi tốt nghiệp Đại học, với mong muốn được đóng góp công sức xây dựng quê nhà ngày càng phát triển, chị Phùng Thị Thu Hà vui mừng khôn tả khi nghe tin Cao Bằng tuyển chọn trí thức trẻ về tham gia phát triển nông thôn, miền núi. Sau khi trải qua các vòng thi vô cùng ngặt nghèo, chị Hà đã may mắn lọt vào danh sách 15/189 đội viên trúng tuyển. Ngày nhận công tác tại UBND xã Việt Chu, Hạ Lang cách nhà gần trăm km, người thân chị không khỏi ái ngại bởi đây là xã vùng sâu, vùng xa giáp biên giới, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn. Song, với nhiệt huyết và mong muốn được đóng góp xây dựng quê nhà, chị vui vẻ lên đường...
Gặp chúng tôi vào một buổi chiều tháng 4, không giấu được gương mặt lo âu, mệt mỏi của nhiều đêm mất ngủ, chị Hà nghẹn ngào kể lại, tháng 7/2015, chị nhận được quyết định đi làm, chị rất vui mừng dù phải vào vùng sâu vùng xa nhưng chị thấy thật hạnh phúc và ý nghĩ khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương. Do vị trí công tác rất xa nhà nên 2 vợ chồng chị phải thuê nhà ở, con còn bé nên anh chị phải gửi cho ông bà nội chăm sóc. Nhưng trong quá trình công tác chị luôn cố gắng làm hết khả năng của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chị Hà bật khóc: “Hàng năm tôi đều được xã đánh giá tốt và huyện cũng đã có kế hoạch bố trí công việc cho tôi sau khi kết thúc hợp đồng. Nhưng phía tỉnh lại không cho cơ chế... Hoàn cảnh của tôi rất khó khăn, hiện tôi đang mang bầu cháu thứ 2 được hơn 8 tháng. Từ khi bị chấm dứt hợp đồng đến nay, mặc dù UBND huyện tạo điều kiện cho làm hợp đồng ở phòng tài chính huyện nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Cả gia đình tôi đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng mà ngày sinh đã cận kề… Vì không có tiền nên nhiều vật dụng dành cho hai mẹ con như quần áo, bỉm sữa đến giờ vẫn chưa chuẩn bị xong. Tôi rất buồn và lo lắng nhưng không thể làm được gì. Chúng tôi tình nguyện về các xã vùng sâu, vùng xa để công tác mong muốn được phục vụ cho tỉnh nhà, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng tỉnh vẫn không tạo điều kiện xem xét nguyện vọng cho chúng tôi”.
Còn anh Triệu Văn Vinh công tác ở xã Quý Quân, huyện Hà Quảng từ tháng 7/2015. Anh được phân công giữ vị trí tài chính- kế toán của xã, sau 5 năm công tác anh được lãnh đạo xã đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và có văn bản báo cáo lên UBND huyện đề nghị bổ sung thêm 01 biên chế công chức cho xã để đảm bảo định biên và chế độ cho anh. Tuy nhiên, đến tháng 12/2020 anh đã bị chấp dứt hợp đồng. Anh Vinh cho biết: “Tôi cùng các đội viên rất tin tưởng vào chế độ chính sách của Đề án và hi vọng sau khi kết thúc đề án sẽ có cơ hội xét tuyển vào biên chế để có cơ hội tiếp tục cống hiến cho địa phương. Vậy mà ai ngờ, tỉnh lại chấm dứt hợp đồng với chúng tôi, chúng tôi cảm thấy như bị bỏ rơi, bơ vơ không biết đi đâu về đâu”.
Chỉ có duy nhất tỉnh Cao Bằng chấm dứt hợp đồng!
Có thể nói, Đề án thí điểm tuyển chọn Trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 là một chính sách rất quan trọng đối với thanh niên. Chính sách này nhắm thu hút cũng như phát huy tính xung kích của thanh niên. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên. Mục đích của đề án rất nhân văn song với cách làm của Cao Bằng ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Và số phận của 11 trí thức trẻ Cao Bằng sẽ đi đâu về đâu? Để có câu trả lời chính thức về số phận các đội viên này, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Bộ Nội vụ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai Đề án này.
Tiếp phóng viên là bà Lương Thị Hải Anh, Phó vụ trưởng vụ công tác thanh niên và bà Bùi Thị Thu Hiền Phòng thi đua khen thưởng và truyền thông Bộ Nội vụ.
Sau khi nghe thông tin từ phóng viên cung cấp, bà Lương Thị Hải Anh khẳng định, Cao Bằng là một trong những tỉnh khó khăn, tuy nhiên Cao Bằng cũng không phải là tỉnh duy nhất có khó khăn mà tất cả 34 tỉnh thuộc Đề án 500 này đều khó. “Khó khăn hiện nay không phải chỉ có tỉnh Cao Bằng mà các tỉnh khác đều vướng phải đó là sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, rồi tinh giảm biên chế thì đều có sự dôi dư. Ví dụ như tỉnh Hòa Bình, Quảng Ngãi, Thanh Hóa… cũng sát nhập và đều trong tình trạng dôi dư. Tuy nhiên, các tỉnh này đều khẳng định và có kiến nghị đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục kéo dài để có thời gian bố trí sắp xếp cho các trí thức trẻ. Riêng chỉ có duy nhất tỉnh Cao Bằng chấm dứt hợp đồng”, bà Lương Thị Hải Anh cho biết.
Trái ngược với nội dung mà đại diện tỉnh Cao Bằng khẳng định tại buổi làm việc với phóng viên, “không có giải pháp gì ngoài giải pháp hỗ trợ để cho các đồng chí đó nghỉ việc… Tại hội nghị đánh giá Đề án này cũng đã xin ý kiến rồi. Thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nêu rất rõ chủ trương, chính sách của mình cũng chưa song hành với nhau. Ngay cả bây giờ có nhu cầu cũng không thể tuyển các bạn ấy vào được bởi vì theo quy định pháp luật các bạn ấy vẫn phải thi…”.
Tuy nhiên bà Lương Thị Hải Anh cho biết: “Theo Nghị định 1758, theo luật cán bộ công chức trước đây, khi các bạn có đủ 5 năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì các bạn sẽ được xét tuyển vào công chức cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Còn theo quy định mới hiện nay, theo luật cán bộ, công chức sửa đổi bổ sung, theo quy định tại điều 10 Nghị định 138 thì đối tượng thuộc những người là trí thức trẻ cam kết tình nguyện 5 năm công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì sẽ được xem xét xét tuyển”.
Bà Lương Thị Hải Anh Phó vụ trưởng vụ công tác thanh niên: Hòa Bình sáp nhập 3 xã đấy, nhưng họ vẫn sắp xếp ổn không có vấn đề gì cả. Bộ Nội vụ có quan điểm, đây là chính sách chung, các tỉnh khi đã thực hiện chính sách này thì phải thực hiện theo đúng chủ trương chung chứ không thể nào để một địa phương như thế. Nó sẽ gây ra những dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến một chủ trương chính sách đúng đắn… Nó là niềm tin cho nhân dân cũng là niềm tin cho thế hệ mới.
|
Trả lời câu hỏi về hướng giải quyết cụ thể cho 11 trí thức trẻ này, bà Lương Thị Hải Anh cho biết, hiện nay là Bộ Nội vụ đã nhận được văn bản báo cáo của Cao Bằng và đồng thời qua tiếp nhận phản ánh thông qua cơ quan báo chí thì chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để có những hướng giải quyết cũng như sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan để giải quyết những khó khăn vướng mắc. Trong tuần này, Bộ sẽ có văn bản trả lời Cao Bằng cũng như trình lên Chính phủ, khi nào có câu trả lời chính thức thì sẽ thông tin lại cho phóng viên. Tuy nhiên đến nay sau gần 1 tuần, theo thông tin phóng viên có, văn bản vẫn chưa được Lãnh đạo Bộ Nội vụ ký duyệt.
Có thể khẳng định, Đề án là chủ trương chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với lực lượng thanh niên, chủ nhân tương lai của đất nước. Nhưng với cách làm của Cao Bằng liệu có đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng? Số phận của những đội viên này sẽ đi đâu về đâu, rất cần câu trả lời công tâm, thấu tình đạt lý từ phía UBND tỉnh Cao Bằng và Bộ Nội Vụ.