Xã cần người còn trí thức trẻ ngồi chơi ...
Ra trường với nhiệt huyết và khát vọng được cống hiến, được dấn thân, chị Đinh Thị Hồng Hạnh ở huyện Thạch An xung phong lên xã Lê Lợi một xã đặc biệt khó khăn để công tác theo “Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020” của tỉnh Cao Bằng. Mặc dù phải đi hơn 100km/ngày nhưng trong 5 năm công tác chị chưa một ngày đến muộn. Chị được lãnh đạo đánh giá luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến năm 2019, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những tưởng sẽ được cống hiến và gắn bó suốt đời với người dân nơi đây nhưng đến ngày 30/06/2020 chị bị chấm dứt hợp đồng. Trao đổi với chúng tôi, chị Đinh Thị Hồng Hạnh ở huyện Thạch An không giấu được nỗi buồn, chị được nhận về làm tại xã Lê Lợi, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Thạch An. Trong suốt quá trình làm việc, dù nhà xa đi lại khó khăn nhưng chị luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. “Khi kết thúc đề án tôi được thanh toán gần 2 triệu đồng. Hiện tại tôi đã 36 tuổi nên khó xin vào Nhà nước. Tôi là con một nên phải chăm sóc cả hai bên nội, ngoại. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình gồm mẹ đẻ đã 76 tuổi, bố mẹ chồng cũng gần 70 tuổi, 2 con nhỏ. Chồng công tác cách nhà 180 km. Khi nghỉ việc mặc dù đã cố gắng đi xin việc nhưng không được. Giờ cả nhà chỉ trông cậy vào 7 triệu tiền lương của chồng và 3 triệu đồng/tháng từ một hàng quán nhỏ. Tôi mong muốn được đi làm trở lại, được bố trí sử dụng theo nhu cầu ban đầu”, chị Hạnh chia sẻ.
Tương tự là hoàn cảnh của chị Mai Thị Bền công tác ở xã Thạch Lâm, Bảo Lâm từ 8/7/2015. Chị được giao làm công tác thương binh xã hội. Sau một thời gian công tác chị được kết nạp Đảng vào năm 2019. Do công tác tốt nên chị được UBND huyện Bảo Lâm đề nghị bố trí làm phòng dân tộc với chức danh quản lý văn hóa dân tộc của UBND huyện. Huyện đã có văn bản gửi Sở nhưng phía Sở vẫn chấm dứt hợp đồng với chị.
Sau khi đi thực tế và tiếp cận các trí thức trẻ cũng như người sử dụng lao động là các xã, các chủ tịch xã chúng tôi đều nhận được sự mong muốn của những trí thức trẻ này tiếp tục cống hiến cho xã. Và lãnh đạo các xã đều mong muốn các trí thức trẻ tiếp tục cống hiến và gắn bó lâu dài với xã. Nhiều xã, huyện đã có văn bản trình lên huyện, tỉnh đề nghị tiếp tục bố trí công tác cho các trí thức trẻ này như xã Đức Thông, huyện Thạch An, xã Qúy Quân, huyện Hà Quảng, UNBD huyện Bảo Lâm...
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hiệu Chủ tịch UBND xã Cải Viên cho biết xã Cải Viên có 2 trí thức trẻ là Nông Thị Hường và Nông Thị Thu Nguyệt. Qua quá trình công tác 2 trí thức trẻ này nắm bắt công việc tốt và hiệu quả, nhanh nhạy. “Xã Cải Viên có 29 người mà chỉ có 2 người là được đào tạo chính quy đại học và thêm 2 trí thức trẻ này nữa là 4. Do trình độ đại học của xã ít và thấp nên xã rất cần những trí thức trẻ có trình độ đại học để vực dậy sự phát triển kinh tế- xã hội của xã. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chỉ đạo phải chấm dứt hợp đồng trong khi xã thì cần người còn các tri thức trẻ lại ngồi nhà chơi xơi nước gây lãng phí nguồn nhân lực...”, ông Hiệu cho hay.
“Con đẻ còn chưa chăm lo được, nói gì đến con nuôi...”
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2013, Chính phủ phê duyệt “Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020”. Sau nhiều vòng tuyển chọn nghiêm ngặt với 189 thí sinh tham gia, cuối cùng tỉnh Cao Bằng cũng chọn ra được 15 thí sinh xuất sắc để đưa vào Đề án thí điểm tuyển chọn Trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020.
Sau 5 năm thực hiện, 15 trí thức trẻ chỉ còn lại 11 người, tuy nhiên năm 2020, 11 người này đều nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động. Mặc dù, trong quá trình công tác tại địa phương, các trí thức trẻ này đều được đánh giá cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, cũng như thể hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành lĩnh vực mình được phân công. Cụ thể, tại báo cáo Tổng kết Đề án thí điểm tuyển chọn Trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 của tỉnh Cao Bằng, khẳng định, trong 5 năm các đội viên đều nỗ lực cống hiến cho địa phương, tích cực thực hiện công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Có trách nhiệm trong công việc, tận tâm tận lực tìm hiểu thấu đáo mọi nhiệm vụ được phân công; chủ động nghiên cứu nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đề án đã tăng cường thêm nguồn nhân lực giúp xã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Bà Đồng Thị Kiều Oanh, giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng:
Thật ra tỉnh Cao Bằng có đặc thù riêng, giờ cứ như con nuôi với con đẻ, trong khi con đẻ còn chưa chăm lo được thì nói gì đến con nuôi... Cao Bằng có cái khó của Cao Bằng.
|
Ngày 02/08/2020, Bộ Nội vụ có công văn số: 3841/BNV-CTTN về việc bố trí công tác đội viên Đề án 500 trí thức trẻ. Bộ có đề nghị các địa phương tiến hành kéo dài hợp đồng cho các đội viên đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tuy nhiên tỉnh Cao Bằng chỉ thực hiện rà soát nguyện vọng của đội viên nhưng không triển khai thực hiện. Việc chấm dứt hợp đồng giữa chừng khiến nhiều trí thức trẻ lao đao và lo lắng.
Để có câu trả lời khách quan, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nội vụ Cao Bằng. Tại buổi làm việc bà Đồng Thị Kiều Oanh, giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng khẳng định: Thật ra bản thân bọn mình cũng rất tiếc 11 bạn này bởi vì khi lựa chọn gần 200 người, chỉ chọn ra được 15 bạn thôi, tức là khâu đầu vào rất ngặt nghèo. Tuy nhiên, Cao Bằng thực hiện Nghị Quyết 37 đã sát nhập 3 huyện và giảm 38 xã nên hiện thừa 814 người cán bộ công chức cấp xã chưa biết sắp xếp vào đâu. Cao Bằng không ký hợp đồng với các bạn ấy nữa thì chúng tôi cũng có báo cáo Bộ Nội vụ rồi. Những trường hợp này tỉnh vẫn thống nhất bắt buộc phải thanh lý hợp đồng. Không có giải pháp gì ngoài giải pháp hỗ trợ để cho các đồng chí đó nghỉ việc.
Trả lời câu hỏi, sau khi tổng kết Tỉnh có kiến nghị gửi cho Bộ Nội vụ về các trường hợp này để thể hiện mình đã làm tròn trách nhiệm đối với 11 đội viên này không thì bà Oanh cho biết: “Tỉnh chỉ có báo cáo thôi còn kiến nghị chỉ kiến nghị tại hội nghị tổng kết trực tuyến chứ không có văn bản kiến nghị riêng. Bây giờ trách nhiệm bọn chị không phải 11 đội viên này nữa đâu mà gần 500 cán bộ công chức nữa. Thật ra tỉnh Cao Bằng có đặc thù riêng, giờ cứ như con nuôi với con đẻ, trong khi con đẻ còn chưa chăm lo được thì nói gì đến con nuôi. Cao Bằng có cái khó của Cao Bằng".
Để có thông tin cụ thể từ UNBD tỉnh Cao Bằng, chúng tôi đã liên hệ đặt lịch làm việc với ông Hoàng Xuân Ánh chủ tịch UBND tỉnh, tuy nhiên ông Ánh cho biết bận, đề nghị phóng viên làm việc với Sở Nội vụ.
Như vậy, sau 5 năm công hiến cả tuổi thanh xuân của mình, đi vào vùng sâu vùng xa những trí thức trẻ bị thanh lý hợp đồng và chỉ được hưởng tiền hỗ trợ 3 triệu đồng. Cách làm “vô cảm” trên khiến dư luận liên tưởng đến hình ảnh “vắt chanh bỏ vỏ, đem con bỏ chợ”.