Lai Châu: Cú hích đón đầu mùa du lịch mới

  • 14/01/2021 12:00:00
  • Thành Công
  • Xã hội
  • 0

Những ngày cuối cùng của năm 2020, khi 'cơn bão' Covid-19 ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch Lai Châu có những hành động cụ thể...

 

Những ngày cuối cùng của năm 2020, khi “cơn bão” Covid-19 ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch Lai Châu có những hành động cụ thể, chủ động tạo đà chào đón năm mới 2021.
Chủ động đón đầu
Mặc dù có xuất phát điểm thấp và bắt đầu khai thác du lịch muộn so với nhiều nơi trên cả nước, sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, du lịch Lai Châu đã có bước phát triển đáng ghi nhận, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo hướng sinh kế mới, tăng thu nhập cho người dân… Theo thống kê, năm 2004, Lai Châu chỉ đón 45.126 lượt khách (khách quốc tế là 1.980 lượt), tổng doanh thu từ du lịch đạt 27,72 tỷ đồng thì đến năm 2019 đón 360.000 lượt khách (khách quốc tế là 32.700 lượt), doanh thu từ du lịch đạt 544 tỷ đồng. Năm 2020, tuy bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng du lịch Lai Châu vẫn có những thành tựu đáng kể, nhiều công trình, dự án hạ tầng du lịch khánh thành, chính thức đi vào hoạt động và được du khách đón nhận tích cực.

Giải Dù lượn quốc tế Putaleng XC Open 2020. Ảnh: T.C
Chủ động đón đầu năm du lịch mới 2021 trong “trạng thái bình thường mới”, những ngày cuối năm 2020, Lai Châu có những chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch ngay tại địa phương và Thủ đô Hà Nội. Các chương trình này giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch và đặc sắc văn hóa địa phương tới doanh nghiệp du lịch và đông đảo người dân cả nước, tạo cơ hội xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, giữa doanh nghiệp với nhà quản lý... 
Tại Lễ khai mạc giải Dù lượn quốc tế Putaleng XC Open 2020, một sự kiện quan trọng trong Tuần văn hóa du lịch Lai Châu, được tổ chức tại thị trấn Tam Đường, Lai Châu trong những ngày cuối cùng của tháng 12/2020, ông Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: “Chúng tôi mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vào phát triển kinh tế, đặc biệt là khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, phong tục tập quán của con người Lai Châu. Chúng tôi đang xây dựng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng kết hợp với các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tạo sinh kế mới nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào vùng cao”.
Cũng theo ông Trần Tiến Dũng, cơ sở hạ tầng giao thông và vật chất kỹ thuật du lịch đã được quan tâm, đầu tư nâng cấp. Lai Châu đã cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ thị trấn Tam Đường đi Sì Thâu Chải, hạ tầng khu du lịch cao nguyên Sìn Hồ, cải tạo mặt bằng bản văn hóa Mường So, đường Vàng Pheo - Nà Củng, đường đến khu sinh thái và quần thể hang động Pusamcap; xây dựng 6 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; xây dựng các điểm ngắm cảnh tại: bản Sì Thâu Chải, bản Lao Chải, bản Sin Suối Hồ, Gia Khâu và Tam Đường Tea… 

Bản văn hóa-du lịch Sì Thâu Chải là điểm đến hấp dẫn du khách khi đến vói huyện Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: T.C
Trong sự kiện Tuần văn hóa Lai Châu tại Hà Nội - 12/2020, ông Tống Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Nhiều giải pháp kích cầu, thu hút khách giữa các địa phương nhằm phát triển du lịch Lai Châu nói riêng và liên kết phát triển du lịch Lai Châu - Hà Nội nói chung được bàn thảo kỹ. Đặc biệt, việc thống nhất nội dung ký cam kết trong phối hợp phát triển du lịch giữa các đơn vị, địa phương sẽ trở thành một trong những đòn bẩy quan trọng để Lai Châu đạt được mục tiêu trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập.
Trong những năm vừa qua, tỉnh triển khai có hiệu quả chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và khai thác thành công tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc; liên kết với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu hình thành tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà; liên kết với tỉnh Lào Cai phát triển tuyến du lịch Sàng Ma Sáo - Bát Xát - Lào Cai - Sin Suối Hồ -  Phong Thổ - Lai Châu; liên kết với các trung tâm du lịch lớn như: Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, thu hút các đơn vị lữ hành lớn như: Saigontourist, Hanoitourist, Vietravel, Sapa GreenTravel, Du lịch Sapa Xanh, Đại Việt... nhằm đưa khách du lịch đến Lai Châu.
Cú hích cho ngành du lịch
Với 2 sự kiện lớn là Tuần văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội và Tuần văn hóa du lịch Lai Châu vừa diễn ra trong những ngày cuối tháng 12/2020 nhằm đón đầu năm 2021 trong trạng thái bình thường mới, ông Dũng cho biết: Song song với các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, những năm vừa qua, Lai Châu nỗ lực tập trung xây dựng chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch. Với mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập.
Với mong muốn sớm đưa “Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực Tây Bắc”, tỉnh đang tập trung nguồn lực thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc riêng của Lai Châu. Tiếp tục phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như: du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngành du lịch Lai Châu đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ của tỉnh, tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ. Phấn đấu đến năm 2025, đón trên 4 triệu lượt khách.


Lai Châu là nơi hội tụ của 20 dân tộc với những nét đặc trưng văn hóa, tinh thần vô cùng đa dạng, đa sắc thái, không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Kết hợp yếu tố thiên nhiên, cảnh quan phong phú, đa dạng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch. Mảnh đất nơi “thượng nguồn sông Đà” hiền hòa, thân thiện và hiếu khách luôn mong được chào đón du khách từ mọi nơi đến với Lai Châu./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận