Sức hút Sì Thâu Chải

Khí hậu mát mẻ, người dân thân thiện, thiên nhiên hùng vĩ trong không gian bản làng đậm đà bản sắc... tạo nên sức hút du khách đến với bản Sì Thâu Chải.

 

Điểm đến hấp dẫn du khách
Ngày đầu xuân trên bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu rực rỡ sắc hoa đào. Không chỉ hoa đào, nhiều loài hoa rừng với sắc màu rực rỡ cũng đang bung nở dưới những hiên nhà gỗ xám xanh màu thời gian. “Hoa” cũng nở trên môi những chàng trai, cô gái, những đứa trẻ người Dao đang vui đùa trong các khoảng không gian chung trong bản; “hoa” nở trong nụ cười của các gia đình đón chào du khách đến tham quan.

Du khách tham quan bản Sì Thâu Chải dưới bóng hoa đào rực rỡ ngày xuân. Ảnh: T.C
Sì Thâu Chải là một bản người Dao với hơn 60 hộ dân sinh sống trên độ cao hơn 1.400m, cách thị trấn Tam Đường khoảng 6km. Đường từ trung tâm thị trấn lên bản Sì Thâu Chải uốn lượn qua các sườn núi như để tạo thêm cơ hội cho du khách ngắm nhìn vẻ đẹp của thị trấn Tam Đường, của cánh đồng rộng thênh thang trải dài từ 4 bề lưng núi xuống thung lũng, của thác Tác Tình - một danh thắng nổi tiếng của tỉnh Lai Châu... Để rồi, khi du khách đặt chân đến bản nhỏ Sì Thâu Chải, mọi cảm xúc dường như đều hội tụ, lắng lại rồi tỏa ra, hòa vào cùng cảnh sắc bản làng tươi đẹp, sạch sẽ và đậm đà bản sắc.

Nhìn từ trên cao, bản Sì Thâu Chải hiện lên nhỏ nhắn, chon von trên lưng núi. Ảnh: T.C
Bản Sì Thâu Chải mới bắt đầu làm du lịch từ năm 2017 nhưng đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, sớm trở thành điểm nhấn thu hút khách đến với Tam Đường. Anh Lù A Nghi, trưởng bản Sì Thâu Chải cho biết: “Bản mới làm du lịch được 2 năm và mới chỉ có 6 hộ dân đón khách lưu trú dưới hình thức homestay. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu, dân bản đã họp và thống nhất tất cả các hộ đồng lòng xây dựng bản văn hóa du lịch, cùng chỉnh trang nhà cửa, chuồng nuôi gia súc, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, tạo cảnh quan sạch đẹp cho thôn bản. Đặc biệt, các hộ dân cùng nhau xây dựng những không gian sinh hoạt chung như chòi ngắm cảnh, bàn ghế đá ngoài trời ở các khu vực chung để người dân và du khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh… Chính vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, bản đã có được cảnh quan sạch đẹp, vệ sinh, du khách đến thăm bản cũng được người dân chào đón cởi mở và thân thiện”.

Du khách tham quan bản văn hóa du lịch Sì Thâu Chải. Ảnh: T.C
Du khách đến bản Sì Thâu Chải không chỉ hài lòng bởi nơi đây có những điểm dừng chân được mệnh danh là “đệ nhất view” để ngắm cảnh đẹp nhất ở huyện Tam Đường, nơi có thể bao quát toàn bộ cảnh quan từ độ cao hơn 1.400m và tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ đặc trưng của vùng cao Tây Bắc. Được trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao đậm đà bản sắc với nhiều phong tục, lễ hội truyền thống như lễ hội cấp sắc, lễ nhảy lửa… và thưởng thức ẩm thực truyền thống vùng cao trong chính không gian văn hóa cộng đồng, dưới những ngôi nhà gỗ hàng trăm tuổi của người dân nơi đây. Thêm nữa, du khách khi đến thăm bản còn có cơ hội xem và trải nghiệm bay dù lượn, ngắm thung lũng Tam Đường từ trên cao cùng các phi công dù lượn đến từ nhiều câu lạc bộ dù lượn trong cả nước tại một điểm bay được đánh giá là tốt và đẹp nhất Việt Nam, mà bãi cất cánh nằm ở ngay cuối bản Sì Thâu Chải. Được biết, huyện Tam Đường hiện đang kết hợp với các câu lạc bộ dù lượn, tổ chức bay dù hằng năm vào các dịp lễ hội ở địa phương. Đồng thời, các phi công dù lượn cũng thường xuyên đến bay vào các ngày cuối tuần, ngày thường bởi Tam Đường là nơi có điều kiện để bay dù quanh năm, ít phụ thuộc vào yếu tố thời tiết theo mùa. 

Nhiều điểm ngắm cảnh được người dân trong bản chung tay xây dựng phục khách tham quan. Ảnh: T.C
Cùng đầu tư, cùng hưởng lợi
Chở tôi bằng chiếc xe máy của gia đình trên con đường núi uốn lượn lên bản Sì Thâu Chải, anh Lù A Giàng, người dân trong bản kiêm thêm việc chạy xe máy đón khách chia sẻ: “Từ năm 2015, chính quyền huyện đầu tư giúp dân mở rộng, nâng cấp và rải nhựa con đường mòn cũ lên bản Sì Thâu Chải nên đi lại thuận lợi lắm, đường đi trong bản cũng được chính quyền hỗ trợ; người dân góp thêm tiền của và công sức, rồi tự phân công nhau, tổ chức thành từng tổ nhóm để làm đường lát đá, đường bê tông nên rất sạch sẽ. Nhiều doanh nghiệp du lịch lên bản, cùng người dân đầu tư nâng cấp nhà cửa, cơ sở hạ tầng sinh hoạt để đón khách lưu trú. Tại 6 gia đình làm homestay, khách đến lưu trú thu 70.000đ/người/đêm; phục vụ ăn uống món ăn đặc sản địa phương từ 400.000đ - 700.000đ/mâm, mỗi mâm cũng có lãi 50.000đ - 100.000đ. Có thu nhập, người dân vui vẻ lắm”.

Bản Sì Thâu Chải đẹp, sạch sẽ và người dân thân thiện. Ảnh: T.C
Được biết, gia đình anh Giàng trước đây chỉ làm nông nghiệp, hiện nhà anh cũng chưa đủ điều kiện đón khách. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây anh làm thêm việc đón khách bằng xe máy từ thị trấn lên thăm bản vì nhiều khách không muốn đi ô tô, họ chọn xe máy để được trải nghiệm và ngắm cảnh trên đường nhiều hơn. Anh Giàng vừa chở khách, vừa giới thiệu cho khách những điểm ngắm cảnh đẹp trên đường, mỗi chuyến anh Giàng thu 80.000đ.
“Năm 2018, bản Sì Thâu Chải đón hơn 11.000 khách, trong đó có hơn 700 khách nghỉ qua đêm tại các gia đình làm homestay trên bản. Nhiều gia đình không làm homestay nhưng có điều kiện sân vườn rộng, phục vụ ăn trưa, ăn tối và lửa trại đêm cho du khách nên cũng được hưởng lợi từ du lịch, bởi vậy dân bản rất đoàn kết, nhắc nhở nhau có ý thức xây dựng thôn bản sạch đẹp, văn minh để làm du lịch lâu dài”, trưởng bản Lù A Nghi cho biết.

Du khách trải nghiệm bay dù lượn (bay đôi cùng phi công) ngắm cảnh thị trấn Tam Đường. Ảnh: Vietwings
Anh Tẩn A Diêu, chủ một gia đình làm homestay trong bản Sì Thâu Chải chia sẻ: “Năm 2017, được sự hỗ trợ của một công ty du lịch từ Hà Nội, gia đình sửa sang nhà cửa, khu vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, vườn… để làm homestay. Đến nay, gia đình rất vui vì có thêm tiền, nhà cửa lại sạch sẽ, dân bản cùng làm đường, làm hàng rào đá cho các gia đình nên phong cảnh đẹp, ai cũng vui. Năm 2018, gia đình đón nhiều khách hơn, tuần nào cũng có 2-3 đoàn, cuối tuần thì đông hơn, thêm việc phục vụ ăn uống cho khách nên thu nhập cũng tốt hơn nhiều những năm trước kia”. 

Từ năm 2017, các phi công dù lượn thường xuyên tổ chức bay dù lại điểm bay Sì Thâu Chải. Ảnh: Vietwings
Những năm trước kia, anh Diêu và nhiều người dân trong bản Sì Thâu Chải phải đi làm ăn xa để có thêm thu nhập, nhiều người phải sang Trung Quốc làm thuê. Tuy nhiên, từ năm 2017, không chỉ anh Diêu mà cả những người thân trong gia đình đều có việc làm, cùng nhau phục vụ du khách từ việc ăn nghỉ đến việc hướng dẫn khách tham quan thôn bản, thác Tác Tình và những điểm đến du lịch tại địa phương. Cũng bởi vậy mà cuộc sống gia đình anh Diêu vừa sung túc, vừa đầm ấm. 

Thị trấn Tam Đường nhìn từ những cánh dù. Ảnh: T.C
“Từ năm 2015, chính quyền huyện xác định mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi thoát nghèo cho dân bản Sì Thâu Chải và phát triển kinh tế du lịch huyện Tam Đường. Huyện đã đầu tư, hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng như đường giao thông, bãi đỗ xe ô tô, trường học, và một phần kinh phí chỉnh trang thôn bản, xây dựng lại nghề rèn thủ công truyền thống… Từ năm 2017, bản chính thức đón du khách và lượng khách tăng lên đều đặn, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Đến nay nhiều người không đi làm ăn xa nữa, chỉ ở nhà làm du lịch thôi”, trưởng bản Lù A Nghi cho biết thêm.

Năm 2018, huyện Tam Đường đón gần 40 ngàn lượt khách du lịch, tăng trên 30 nghìn lượt khách so với năm 2002, trong đó riêng bản Sì Thâu Chải đón 11.230 lượt khách. Doanh thu từ du lịch toàn huyện đạt gần 10 tỷ đồng. Tam Đường đã xây dựng được một hệ thống các điểm đến du lịch cộng đồng, du lịch khám phá đang thu hút được sự quan tâm của du khách như: Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, thác Cầu Mây, thác Tác Tình, động Tiên Sơn, cọn nước Nà Khương, đồi chè Nùng Nàng…


 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận