Làm gì để không còn di tích 'biến dạng'?

Di tích bị trùng tu bởi những bàn tay thô bạo, không có kiến thức về di tích cổ, dẫn đến những hậu quả không thể khắc phục.

 

Trong nhiều năm qua, liên tục có những di tích, công trình được công nhận là di tích cấp Quốc gia hoặc di tích có giá trị về kiến trúc, lịch sử, mỹ thuật... bị trùng tu bởi những bàn tay thô bạo, không có kiến thức về di tích cổ, dẫn đến những hậu quả không thể khắc phục.

Sơn phết “vô tội vạ” và hạ giải tràn lan

Tháng 9/2019, các nhà nghiên cứu, những người yêu di sản văn hóa lại một phen sững sờ nghe tin đình Trùng Hạ (ở xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) vừa được “làm đẹp” bằng cách sơn lại. Đình Trùng Hạ là di tích cấp Quốc gia, thờ 5 vị bảo trợ cho dân làng: Đông Hải đại vương, Sóc Giang đại vương, Trang Hiền đại vương, Hưng Đạo đại vương và Quốc mẫu. Đình nổi danh trong vùng vì còn giữ được nhiều bộ vì nóc, các bức y môn cùng những mảng chạm gỗ vô cùng tinh xảo. Độ tinh xảo và tỉ mỉ của các bức chạm ở đây đã được các chuyên gia đánh giá là cao hơn so với nhiều mảng chạm cùng thời kỳ. Các chi tiết vật linh như các con rồng, hổ, các chi tiết trang trí như hoa lá, cúc, mai, cảnh thú đuổi nhau, mặt trời, mặt trăng đều được thể hiện rất uyển chuyển, tinh tế, sinh động. Điểm đặc biệt còn ở chỗ các bộ vì của đình Trùng Hạ được chạm trổ với “dung lượng” gấp đôi các nơi khác - chạm trên cả hai mặt, trong khi ở hầu hết các công trình kiến trúc khác cùng thời kỳ (thế kỷ 16 - 17), các chi tiết chỉ được chạm trên một mặt.

Tam quan một ngôi chùa trong quần thể danh thắng Hương Sơn được xây mới thêm 1 tam quan khác liền kề (bên phải). Ảnh: T.C

Từ tháng 9/2019, đình Trùng Hạ bắt đầu được trùng tu và sơn lại. Đến đầu năm 2020, toàn bộ các cấu kiện gỗ trong đình đã được sơn xong. Đình trở nên mới tinh, rực rỡ bởi hai màu vàng, đỏ. Nhưng điều đáng nói là toàn bộ các cấu kiện gỗ chạm trổ rất tinh xảo, minh chứng sinh động tay nghề điêu luyện, tài hoa, lưu giữ những mô-típ trang trí truyền thống “kinh điển” của cha ông đã bị những lớp sơn công nghiệp vô hồn phủ lên.

Việc sơn đỏ đình Trùng Hạ khiến chúng ta nhớ lại sự việc năm 2018: Đình Văn Xá (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) cũng đã “được” địa phương tự ý phủ sơn đỏ toàn bộ các kết cấu vì kèo của đình, che hết các chi tiết chạm khắc gỗ tinh xảo. Độ bóng của sơn đã làm mất hết đường nét, hình khối điêu khắc có giá trị. Sau khi các phương tiện truyền thông và các nhà nghiên cứu lên tiếng, đình đã được khắc phục nhưng khó có thể trả lại nguyên trạng như cũ của các cấu kiện gỗ.

Cũng trong năm 2018, đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị hạ giải toàn bộ cấu kiện gỗ và thay vào đó là hệ thống vì kèo bằng bê-tông. Đình này cũng sở hữu những mảng chạm gỗ tuyệt đẹp và cầu kỳ có niên đại thế kỷ 17. Khi dư luận lên tiếng thì “sự đã rồi”, hậu quả không thể khắc phục.

Linh vật lạ được đưa vào không gian chùa Việt. Ảnh: T.C

Mới đây, di tích Cầu Ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), di tích cấp Quốc gia và là một trong ba cây cầu ngói đẹp nhất có tuổi đời hàng trăm năm trên đất Nam Định, trong quá trình tu tạo, sửa lại, đã bị trát phẳng và sơn giả đá lên toàn bộ phần cổng. Toàn bộ hoa văn và vẻ đẹp cổ kính của cây cầu đã biến mất. Được biết, cây cầu xuống cấp, địa phương xin sửa, phần sửa cầu và mái ngói có sự giám sát của đại diện Ban quản lý Di tích và danh thắng thì được sửa đúng như nguyên gốc, nhưng phần cổng do địa phương huy động kinh phí xã hội hóa, thì được trát lại và lát đá mới hoàn toàn.

Còn rất nhiều vụ phá dỡ, đập bỏ cũ để xây thêm mới đã diễn ra như chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị đập bỏ hai cổng ngách hai bên gác chuông để xây mới, chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị dỡ nhà Tổ và gác khánh để xây lại…

Một trong những thí dụ tiêu biểu nhất của việc “xóa sổ” niên đại của những di tích hàng trăm năm tuổi là việc trùng tu Di tích cổng Thành nhà Mạc ở thành phố Tuyên Quang (năm 2010). Từ một đoạn thành cổ rêu phong cổ tích với cổng vòm, nền gạch cũ, rễ cây vấn vít trùm lên, có tuổi 418 năm…, bỗng chốc trở thành một bức tường gạch đỏ mới tinh tươm mà báo chí và người dân Tuyên Quang khôi hài gọi là “cái lò gạch”.

Nhiều chi tiết không phù hợp được đưa vào không gian di tích gây phản cảm. Ảnh: T.C

Năm 2014, ngay trước lễ công bố Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia (ngày 18/3/2014) với tấm bia Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam), chuyện dở khóc dở cười đã diễn ra. Để đón lễ trọng, tấm bia đã được Phòng VH-TT của huyện cho làm vệ sinh “sạch bong” bằng cách thuê một tốp thợ xây dùng giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt… đánh cọ kỹ càng. Họ đánh hăng quá khiến dòng chữ do vua Lý Nhân Tông đích thân ngự bút trên đầu tấm bia bị bào mòn đến mức không còn nhìn rõ. Chữ khắc trên bia cùng hoa văn cũng bị đánh ráp kỹ lưỡng đến mờ luôn…

Cần phải coi trùng tu như “chữa bệnh” cho di tích

Trùng tu, không chỉ là làm mới lại, xây lại, sửa chỗ hỏng, mà còn là khôi phục nguyên trạng những chỗ đã hỏng, mất - làm mới, sửa chữa thay thế các chi tiết nhưng vẫn phải “cũ”, vẫn phải “cổ kính”. Chỉ khi nào công việc trùng tu di tích tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Luật Di sản văn hóa và những quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt thì mới bảo đảm thành công. Các chuyên gia bảo tồn di sản văn hóa vẫn tiếp tục cảnh báo về “thảm họa” tu bổ, trùng tu di tích khi nhận thức về di sản của không ít người có trách nhiệm chưa đủ để hiểu rằng “tu bổ” khác hẳn “tu sửa”. Tu sửa chỉ xử lý phần “vỏ vật chất” mà không chú tâm vào những giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử mà công trình đang mang trong nó. Các đơn vị thi công tôn tạo di tích lại thường chỉ coi việc “tu bổ” di tích đơn giản là “tu sửa” để “tích cực” hạ giải và sửa chữa di tích một cách bừa bãi, không tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa.

Một tháp ở khu E Khu di sản thế giới Mỹ Sơn được trùng tu thành công (năm 2014) với sự phối hợp của các chuyên gia Việt Nam và Italia. Ảnh: Ngữ Thiên

Trước hết, các chuyên gia bảo tồn phải “bốc thuốc kê đơn” phương án trùng tu tối ưu cho di tích, các kiến trúc sư, các nhà xây dựng tiến hành “chữa trị” theo đúng “phác đồ điều trị” và quá trình đó cần có sự trông coi, giám sát của các nhà quản lý văn hóa và cả từ phía cộng đồng.

Đối với các công trình, di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, phải tiến hành ngay công việc lưu trữ tư liệu, hình ảnh, thông tin để có căn cứ tham khảo cho công việc trùng tu sau này. Một công việc quan trọng nữa là cần phải có các cuộc trao đổi, tập huấn cho người dân địa phương, đặc biệt là các Ban quản lý di tích, các vị thủ từ… về giá trị của di tích, về những công việc liên quan đến bảo vệ, kiểm tra, rà soát di tích, công trình mà mình quản lý. Khi người dân hiểu được những giá trị, họ sẽ biết quý và bảo vệ di tích của mình. Bài học từ nhiều nơi cho thấy, những di tích ở địa phương khi đã được cộng đồng hiểu đúng giá trị, sẽ được bảo vệ an toàn và chặt chẽ.

GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính: “Trùng tu di tích là nghề chữa bệnh cho một “bệnh nhân” đặc biệt, mỗi di tích có những loại bệnh cần phải chữa riêng. Trùng tu di tích không phải là làm mới, mà sau mỗi lần trùng tu, di tích trông vẫn phải “già” như cũ, nhưng khỏe và bền hơn, thì mới đạt yêu cầu”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận